Khoảng trống trong quản lý văn bằng chứng chỉ

Minh Quang 11/08/2019 08:00

Thanh tra Bộ GDĐT vừa công bố kết luận thanh tra số 21/KLTTr (ký ngày 22/7) về việc quản lý hoạt động liên kết đào tạo (LKĐT), cấp phát văn bằng chứng chỉ (VBCC) của Sở GDĐT Hà Nội, theo đó, Thanh tra Bộ đã chỉ ra rằng, Sở GDĐT Hà Nội chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý hoạt động liên kết đào tạo và cấp phát văn bằng, chứng chỉ; cũng như chưa kịp thời thanh tra, kiểm tra và phát hiện xử lý những thiếu sót, sai phạm trong hoạt động liên kết đào tạo và quản lý cấp phát văn bằng, chứng chỉ của các đơn vị trên địa bàn.

Khoảng trống trong quản lý văn bằng chứng chỉ

Tự chủ đại học phải đi liền với siết hậu kiểm. ẢNH: Phạm Quang Vinh.

Sai phạm được chỉ rõ

Kết quả thanh tra cho thấy, Sở GDĐT Hà Nội đã tổ chức chỉ đạo triển khai các văn bản về giáo dục trong đó có công tác liên kết đào tạo và quản lý văn bằng, chứng chỉ; đã ban hành một số văn bản liên quan đến việc tổ chức thực hiện trách nhiệm quản lý và cấp phát văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Bộ và thực hiện kiểm tra điều kiện liên kết đào tạo, có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội về việc cho ý kiến mở lớp liên kết đào tạo đối với các đơn vị có trình hồ sơ đề nghị liên kết đào tạo đến Sở. Tuy nhiên, Sở GDĐT Hà Nội chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý hoạt động liên kết đào tạo và cấp phát văn bằng, chứng chỉ; do công tác quản lý thiếu chặt chẽ dẫn đến hoạt động liên kết đào tạo trên địa bàn có nhiều thiếu sót, sai phạm; công tác quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ của Sở, các Phòng GDĐT và các cơ sở giáo dục chưa chặt chẽ, tiềm ẩn phát sinh phức tạp.

Trong kết luận thanh tra công bố với Sở GDĐT Hà Nội cũng chỉ ra việc: Sở đã chưa kịp thời tham mưu với UBND thành phố Hà Nội về công tác quản lý hoạt động liên kết đào tạo trên địa bàn; chưa quản lý được hoạt động liên kết đào tạo đối với các cơ sở giáo dục có hoạt động liên kết đào tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội; chưa tổ chức thanh tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền; chưa ban hành quy chế quản lý việc bảo quản, sử dụng, cấp phát văn bằng, chứng chỉ; chưa thực hiện công bố công khai thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử; chưa quy định và đôn đốc các cơ sở giáo dục thực hiện bàn giao lại sổ gốc và các văn bằng người học chưa nhận cho Phòng GDĐT hoặc Sở GDĐT để lưu giữ, bảo quản; ký, đóng dấu để cấp bằng tốt nghiệp THPT năm 2017 chưa đúng thẩm quyền.

Theo kết luận thanh tra của Bộ, Sở GDĐT Hà Nội chưa kịp thời tham mưu với UBND thành phố Hà Nội về công tác quản lý hoạt động LKĐT trên địa bàn; quản lý chưa tốt hoạt động LKĐT đối với các cơ sở giáo dục có hoạt động LKĐT trên địa bàn Thủ đô...

Tại buổi làm việc này, dù ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cũng đã chỉ ra những khó khăn trong công tác quản lý cũng như trách nhiệm, thẩm quyền về công tác quản lý LKĐT và cấp phát VBCC...

Chánh Thanh tra Bộ GDĐT Nguyễn Huy Bằng đã yêu cầu Sở GDĐT Hà Nội tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động LKĐT và cấp VBCC trên địa bàn thành phố; tổ chức kiểm tra trách nhiệm của tổ chức cá nhân liên quan đến các thiếu sót, sai phạm trong kết luận Thanh tra, đồng thời, báo cáo việc thực hiện Kết luận Thanh tra về Thanh tra Bộ GDĐT trước ngày 30/8/2019. Thanh tra Bộ GDĐT sẽ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra của Sở GDĐT cũng như các cơ sở giáo dục liên quan theo quy định.

Chậm phát hiện sai phạm

Những ngày qua, sự việc trường ĐH Đông Đô tổ chức tuyển sinh, đào tạo và cấp văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh hệ chính quy một cách tràn lan, không tuân thủ theo quy định của Bộ GDĐT đã khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về quyền tự chủ của các trường Đại học, Cao đẳng (ĐH, CĐ) hiện nay. 4 lãnh đạo của trường ĐH Đông Đô cũng đã bị cơ quan An ninh điều tra khởi tố, bắt tạm giam.

Cụ thể, để hợp thức hóa sai phạm, ĐH Đông Đô tổ chức thi đầu vào, thi hết học phần 27 tín chỉ và thi tốt nghiệp cho các học viên chỉ trong thời gian 1-2 ngày (học viên được phát giấy thi và đáp án để chép ngay tại chỗ) và được cấp bằng tốt nghiệp sau 3-6 tháng từ lúc nộp hồ sơ mà không phải đi học. Kết quả điều tra đến nay xác định, có khoảng 600-700 người đã được cấp văn bằng 2 theo kiểu đi mua tại ĐH Đông Đô. Ngoài số bằng đã cấp trên, còn có 3.800 học viên đã và đang theo học văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh tại ĐH Đông Đô. Tổng số tiền thu được từ việc cấp bằng “chui”, đào tạo “chui” khoảng hơn 100 tỉ đồng.

Với việc dễ dàng cấp văn bằng 2 như vậy, liệu rằng còn bao nhiêu trường đang vi phạm giống như trường ĐH Đông Đô? Đây là một câu hỏi đặt ra cần sớm có lời giải đáp từ cơ quan chức năng. Đồng thời cần giải pháp nào trong việc kiểm soát, quản lý việc cấp bằng, cũng như chất lượng của văn bằng 2?

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT - lý giải: Theo quy định hiện hành, các cơ sở giáo dục ĐH được quyền tự chủ và phải chịu trách nhiệm về việc quản lý và cấp phát văn bằng của mình. Bộ GDĐT với chức năng quản lý nhà nước về GDĐT định kỳ hoặc đột xuất thực hiện việc thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục ĐH phải thực hiện chế độ báo cáo theo định kỳ.

Quy định của Bộ GDĐT nói rõ: Việc đào tạo văn bằng 2 của cơ sở giáo dục ĐH hiện nay vẫn thực hiện theo Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT, đồng thời, việc đào tạo bằng ĐH thứ hai chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ GDĐT hoặc của các ĐH quốc gia, ĐH vùng. Sự việc của trường ĐH Đông Đô vừa qua khiến dư luận đặt câu hỏi lớn: Các quy định chặt chẽ đến vậy, tại sao vẫn có chuyện trường này thực hiện hoạt động đào tạo văn bằng 2 trái phép mà Bộ hoàn toàn không hề hay biết? Bộ GDĐT có vô can trong kiểm soát đào tạo văn bằng 2 hay không?

Thực tế cho thấy, dù Bộ GDĐT đã thường xuyên thanh tra giám sát, nhưng qua vụ việc sai phạm trong đào tạo văn bằng 2 của trường ĐH Đông Đô, thì rõ ràng những sai phạm này chưa được phát hiện sớm.

Tự chủ và siết hậu kiểm – bài toán đã và đang đặt ra riết róng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ĐH hiện nay - đòi hỏi không chỉ nỗ lực của riêng ngành giáo dục, cụ thể là Bộ GDĐT với nhân lực mỏng, rất khó khăn mà còn từ phía các cấp quản lý, các cơ quan chức năng trong việc kiểm định chất lượng của các trường từ cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên... Nếu không làm tốt khâu hậu kiểm thì việc “siết đầu ra” trong bối cảnh đầu vào thoáng như hiện nay sẽ là một kỳ vọng quá khó thực hiện!

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT - từ sự việc sai phạm ở trường ĐH Đông Đô, ngoài cảnh báo về quản lý lỏng lẻo trong việc tuyển sinh, đào tạo với các cơ sở ĐH, còn nên xem lại các quy định về bằng cấp mang tính hình thức. Giờ đây yêu cầu công khai tuyển sinh thể hiện giữa việc nói và làm của các cơ sở đào tạo với xã hội, với người học. Với xu thế tự chủ, việc công khai và minh bạch thông tin lại càng quan trọng. Kiểu “công khai nửa vời “như hiện nay đi ngược lại với chủ trương đổi mới và cho thấy sự buông lỏng quản lý nhà nước của ngành chức năng.

* Tại Thông tư số 7 ngày 15/3/2017, Bộ GDĐT đã ban hành các giải pháp chấn chỉnh tình hình liên kết đào tạo trình độ ĐH, theo đó, các cơ sở đào tạo giáo dục ĐH phải tuân thủ quy định này. Tuy nhiên, một số trường trung cấp, trung tâm đào tạo, trường CĐ đã thực hiện liên kết, liên thông, mở văn bằng 2 với một số trường ĐH sai quy định. Vì thế, Bộ GDĐT yêu cầu các trường ĐH, học viện sớm báo cáo về việc liên kết đào tạo trong nước (công văn số 1434/BGDĐT-GDĐH ngày 05/4/2019). Trên cơ sở kết quả tổng hợp báo cáo, Bộ GDĐT sẽ rà soát, kiểm tra và có các giải pháp chấn chỉnh hoạt động liên kết đào tạo đối với các cơ sở thực hiện chưa đúng quy định.

Minh Quang