Triệu trái tim hướng về vùng lũ
Đi đến đâu chúng tôi cũng gặp những ánh mắt thất thần trong cảnh cha mất con, con mất cha, chồng mất vợ, mất anh em ruột rà máu mủ... nơi cơn lũ mới đi qua ở vùng cao xứ Thanh. Sự tàn khốc của mẹ thiên nhiên đã gieo nỗi oan nghiệt đến khủng khiếp đối với con người. Và giờ đây, triệu trái tim đang hướng về vùng lũ với mong muốn làng bản sẽ được dựng lại, cuộc sống được tái thiết, giúp bà con vợi bớt đau thương, sớm ổn định cuộc sống.
Cần một cây cầu bắc qua sông Luồng vào Sa Ná.
Xót thương Thao Văn Súa
Còn nhớ, trong đợt lũ lụt lịch sử đổ xuống huyện vùng cao Mường Lát cách đây chưa đầy năm trời đã cướp đi sinh mạng nhiều người, thiên tai phá tan hoang miền biên ải khiến cuộc sống đồng bào kiệt quệ. Đận đó, Thao Văn Súa - Trưởng Công an xã Nhi Sơn cứu sống một gia đình thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Nhưng vào ngày mùng 3 tháng 8 mới đây, lũ lại tràn về, lũ gầm gào càn qua bản Pá Hộc. Đến khoảng 19 giờ cùng ngày, Súa đội mưa đi kiểm tra những hộ dân có nguy cơ bị sạt lở. Nhưng bất ngờ cả hàng nghìn mét khối đất đá từ trên đồi núi cao ào ào đổ xuống, Súa bị vùi lấp, để lại sự xót thương vô hạn đối với gia đình, người thân... Phải rất khó khăn để trèo qua hết 1 ngọn đồi trong tình trạng đất đá, bùn lầy và cũng là nơi Thao Văn Súa hy sinh, đoàn công tác của Cục truyền thông Công an nhân dân mới đến được bản Pá Hộc để thắp hương và trao tổng số tiền 58 triệu đồng cho bố, mẹ, vợ, con Súa.
Chị Thái Thanh đang công tác tại Công an Thanh Hoá, một người luôn nhiệt huyết với công việc thiện nguyện tham gia trong đoàn cứu trợ chia sẻ: “Vợ Súa, em Thao Thị Dợ oà khóc nức nở, anh ấy bảo đi xem tình hình các hộ sống ven chân núi để động viên họ di dời khỏi nơi nguy hiểm. Nhưng em đợi mãi, đợi cả đêm mà vẫn không thấy Súa về, điện thoại cũng không liên lạc được. Giờ anh ấy không còn, em sống sao đây? Nhà em sập mất rồi, bàn thờ Súa đang phải gửi nhờ bên người em họ.Mẹ con em cũng phải đi ở nhờ”. Lời tâm sự của Dợ làm cả đoàn công tác không ai cầm được nước mắt. Chỉ trong chốc lát, gia đình Súa rơi vào cảnh tang tóc, cha mất con, con mất cha, vợ mất chồng. Khoảng trống này chưa biết lấy gì khoả lấp khi những đứa trẻ dần lớn lên.
Đại tá Trần Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục truyền thông Công an nhân dân an ủi người đàn bà goá bụa trong đau đớn rồi quay sang ôm chặt bố Súa động viên tinh thần khi biết, ngoài con mình, ông còn mất người em ruột Thao Văn Ly (SN 1974) và đứa cháu Thao Văn Chính (SN 2009) sinh sống tại bản Mùa Xuân, xã Sơn Thuỷ, huyện Quan Sơn cũng bị lũ cuốn trôi. Đích thân ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã đến thăm, động viên gia đình Súa, động viên bà con bản Pá Hộc, nơi có 9 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Sự chia sẻ của những tấm lòng thiện nguyện, sự động viên của đại diện các ngành chức năng sẽ giúp cho người dân nơi đây vơi bớt đau thương, mất mát. Và tấm gương hy sinh của Thao Văn Súa khi mới bước sang tuổi 33 sẽ được Đảng, Nhà nước ghi nhận, được công nhận liệt sĩ.
Từ Sa Ná qua bản Mùa Xuân, sang Pá Hộc đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp nước mắt, cảnh thất thần của những con người vốn sống chủ yếu dựa vào rừng, nơi đại ngàn phía Tây xứ Thanh. Những cánh rừng xanh thẳm làm lá chắn bảo vệ sự sống cho đồng bào, song trước sức mạnh tàn khốc của mưa lũ, lá phổi thiên nhiên ấy như đang teo tóp đi và ẩn chứa hiểm hoạ. Nhiều người bản địa kể rằng, gỗ nhiều lắm, có cây lớn cả chục người ôm không xuể bị trốc rễ, cũng không ít những súc gỗ vuông thành, sắc cạnh theo dòng lũ cuốn về xuôi vẫn còn nằm ngổn ngang ở Sa Ná như muốn gửi gắm tới con người bức thông điệp hãy bảo vệ rừng, gìn giữ lá phổi xanh.
Lực lượng chức năng giúp người dân vùng lũ ở Quan Sơn, Mường Lát khắc phục hậu quả.
Sớm ổn định đời sống cho dân
Ngay sau khi cơn lũ đi qua, hàng nghìn người từ khắp mọi miền tổ quốc đang đổ về Sa Ná, Pá Hộc, Mùa Xuân... động viên tinh thần, chia sẻ khó khăn với những gia đình bất hạnh, những cảnh đời cô lẻ vừa mất người thân, mất hết nhà cửa, tài sản. Ông Vũ Văn Đạt - Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết rằng: Lực lượng chức năng băng rừng, vượt suối vào cứu chữa, mang theo lương thực, thực phẩm giúp dân bản thoát khỏi cảnh đói khát. Ông Lương Văn Chon, người bản Sa Ná, nạn nhân sống sót thần kỳ trong trận lũ vừa qua bày tỏ: “Khó khăn trước mắt đang từng bước được khắc phục, song mong muốn của đồng bào nơi thâm sơn cùng cốc, về lâu dài cần phải có mặt bằng, cần tái thiết nhà cửa, cần đất đai canh tác...”.
Tại hội nghị Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hoá diễn ra ngày 9/8 để bàn giải pháp khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão số 3 gây ra, cho ý kiến về việc hỗ trợ đồng bào khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân vùng bị thiệt hại nặng nề bởi trận lũ vừa qua, ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá nhấn mạnh: Nhiệm vụ cấp bách, cần triển khai ngay để ổn định đời sống cho những hộ mất nhà cửa, khôi phục các công trình hạ tầng và đảm bảo sinh kế cho người dân. Theo đó, Quan Sơn, Mường Lát và các ngành phải nhanh chóng hoàn thiện việc xây dựng điểm trường ở hai bản nói trên xong trước 30/9 để con em đồng bào có chỗ học tập. Sớm hoàn tất việc quy hoạch tái định cư và làm nhà cho các hộ dân, hoàn thành trước 30/11/2019. Bên cạnh đó, tập trung khôi phục hệ thống hạ tầng giao thông, các công trình thuỷ lợi, cấp thoát nước đảm bảo sinh kế lâu dài cho nhân dân.
Hai huyện Quan Sơn, Mường Lát hiện đang gấp rút khảo sát, tìm kiếm các khu vực tái định cư cho gần 100 hộ dân bị trôi nhà ở Sa Ná, Pá Hộc. Mục tiêu đặt ra, phải xây dựng các khu tái định cư đồng bộ về hạ tầng, đạt chuẩn nông thôn mới. Cấp uỷ, chính quyền huyện Quan Sơn đề nghị tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng cây cầu bắc qua sông Luồng, làm tuyến đường nối từ Sa Ná vào khu tái định cư mới với chiều dài khoảng hơn 1km. Cần trang bị thêm phương tiện cứu hộ, cứu nạn cho địa phương chủ động công việc tại chỗ. Tiếp tục tìm kiếm những người còn mất tích.
Các đơn vị, các nhà thiện nguyện góp sức giúp người dân vùng lũ Quan Sơn.
Ông Trịnh Văn Chiến khẳng định: “Sở TNMT phối hợp với các đơn vị liên quan cần nhanh chóng xác định vị trí tái định cư phù hợp, hoàn thiện các bước thiết kế, xây dựng hạ tầng các khu tái định cư. Thực hiện bằng được mục tiêu xây dựng nhà ở cho các hộ dân xong trước 30/11/2019. Các hộ muốn tự làm nhà phải cam kết tiến độ với huyện và thực hiện hỗ trợ tiền làm nhà theo khối lượng thực tế. Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hoá cần đánh giá chính xác mức độ thiệt hại về giao thông, đê, kè, cống, công trình nước sạch, công trình thiết yếu... nhanh chóng khắc phục hoàn trả thiết kế ban đầu”.
Trước đó, trong hai ngày 7-8/8, ông Phạm Minh Chính - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tổ chức Trung ương dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra tình hình thiệt hại tại hai huyện Mường Lát, Quan Sơn. Cùng tham gia chuyến công tác này, nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã tài trợ cho mỗi hộ có nhà bị lũ cuốn trôi 300 triệu đồng; tài trợ cho bản Son, Sa Ná, xã Na Mèo xây dựng lại nhà văn hoá, điểm trường bị lũ cuốn.
* Thanh Hoá quyết định điều chỉnh mức hỗ trợ theo yêu cầu của các nhà tài trợ, hỗ trợ mức 500 triệu đồng đối với những hộ có nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, hỗ trợ 200 triệu đồng đối với hộ bị thiệt hại rất nặng, hỗ trợ 100 triệu đồng đối với các hộ bị thiệt hại nặng. Hỗ trợ 70 triệu đồng đối với hộ di dời nhà xây, 40 triệu đồng đối với hộ di dời nhà sàn. Về công tác tìm kiếm người mất tích, tính đến chiều ngày 10/8 đã tìm thấy thi thể nạn nhân Vi Thị Sống (vợ anh Hà Văn Vân) trên sông Luồng, đoạn chảy qua xã Nam Tiến, huyện Quan Sơn và tìm thấy thi thể chị Hà Thị Vững, chị gái anh Vân tại vùng lòng hồ nhà máy thuỷ điện Bá Thước. Như vậy, đến thời điểm này, gia đình anh Vân vẫn còn 3 người thân đang mất tích.