Tiến tới nền kinh tế số, xã hội số

Nguyên Khánh 12/08/2019 08:00

Đối với việc chuyển đổi số cũng như việc phát triển, ứng dụng các công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng Việt Nam phải nỗ lực hơn thiên hạ gấp nhiều lần.

Phải sẵn sàng thay đổi thói quen, nếp nghĩ, thậm chí nét văn hóa của những người làm lúa nước, vượt qua trào lưu cứ rộ lên một thời gian rồi lại chìm đi. Như vậy, các doanh nghiệp (DN) sẽ là đối tượng đi tiên phong với mục tiêu: Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ thông tin (CNTT).

Tiến tới nền kinh tế số, xã hội số

Ảnh minh họa.

Những lợi ích của chuyển đổi số mang lại cho các DN là rất rõ ràng. Cụ thể, khi chuyển đổi số, các DN sẽ đạt được 5 lợi ích chính là tỷ suất lợi nhuận tăng, năng suất lao động tăng, doanh thu tăng, giảm chi phí và tăng sự gắn kết với khách hàng. Khảo sát trên 2.000 DN toàn cầu của Công ty Tư vấn McKinsey đưa ra cho thấy, đóng góp của chuyển đổi số vào việc tăng doanh thu lợi nhuận rất đáng kể. Với nỗ lực chuyển đổi toàn diện, một DN có thể tăng doanh số thêm 11,2% và lợi nhuận thêm 7,3%.

Từ những năm 1990, chúng ta đã nói về kỷ nguyên số, kỷ nguyên CNTT và cả về chuyển đổi số, kinh tế tri thức, chính phủ điện tử… Ứng dụng CNTT tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho mỗi DN, hiệu quả lớn hơn cho mỗi tổ chức, mang lại cơ hội lớn hơn cho mỗi người dân và DN. “Nhìn lại chúng ta đã tận dụng được phần nào những cơ hội đó nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều cơ hội đã bị bỏ qua. Nhiều đề án, mục tiêu hiện tại chưa hoàn thành”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng chia sẻ. Điều cần làm lúc này là các DN phải nhanh chóng chuyển đổi, ứng dụng CNTT trong quản lý, vận hành để không để các đối thủ khác loại mình đó là điều hầu hết các DN đều nhận ra, nhưng thực hiện nó không dễ.

Khảo sát của Bộ Công thương về tính sẵn sàng ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 cho thấy, vẫn có 61% DN đứng ngoài cuộc, 21% DN mới có hoạt động chuẩn bị ban đầu và có 16/17 ngành được khảo sát, có mức độ sẵn sàng thấp với chuyển đổi số.

Vì sao có rất nhiều lợi ích từ chuyển đổi số, ứng dụng CNTT nhưng DN vẫn chưa chủ động, chưa sẵn sàng đổi mới? Theo các chuyên gia, DN Việt Nam hiện đang đối mặt với thách thức lớn từ sự thiếu hụt nguồn nhân lực, rào cản trong văn hóa DN, vốn quen với kinh tế truyền thống, sự thiếu hụt dữ liệu và tầm nhìn của người lãnh đạo. Hơn nữa, hạ tầng số ở Việt Nam chưa được nhận thức đầy đủ như những hạ tầng khác. Dữ liệu quốc gia, địa phương hay toàn cầu đều thiếu. Chất lượng cũng như việc chia sẻ, kết nối còn hạn chế. Cùng với đó là hành lang pháp lý cũng thiếu, đó là lý do khiến họ chần chừ, chưa sẵn sàng bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, các DN công nghệ số Việt Nam chính là hạt nhân của quá trình chuyển đổi. Nếu chúng ta có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Và đây lại càng là lợi thế của Việt Nam khi chúng ta có Đảng lãnh đạo, có thể đưa ra được những quyết sách lớn một cách nhanh và tập trung, tạo ra sự thống nhất trong toàn xã hội. Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Nhưng đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng DN, từng tổ chức, đến từng người dân và mọi lĩnh vực.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2019 này, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, để tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số. Các yếu tố nền tảng sẽ được nhấn mạnh, sẽ được đầu tư trước, sẽ đi trước, sẽ phải có thứ hạng cao trên thế giới, phải nằm trong Top 50 vào năm 2025 và Top 30 vào năm 2030. Chúng ta nhấn mạnh 5 yếu tố nền tảng là: Thể chế, hạ tầng, an ninh mạng, nền tảng kết nối và đào tạo, để không lỡ nhịp chuyến tầu CMCN 4.0.

Tại Diễn đàn Quốc gia về CNTT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu phải tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn trong bối cảnh môi trường hợp tác, cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ đòi hỏi đất nước phải có khát vọng, ý chí và sự sáng tạo. Do vậy, “chúng ta phải đột phá khỏi những tư duy, suy nghĩ, ràng buộc do thói quen hay những khó khăn trước đây”. Chúng ta sẽ đề ra chiến lược và hành động cụ thể, thiết thực. Bắt đầu thì cần phải định hướng: Mục tiêu lớn gắn liền với giải pháp cụ thể, cũng như “Xây lâu đài nguy nga với từng viên gạch”. Xây với tâm thế của một nước đi sau, một nước kém và như thế muốn vượt thiên hạ thì phải nỗ lực hơn thiên hạ gấp nhiều lần. “Chúng ta phải sẵn sàng thay đổi thói quen, nếp nghĩ, thậm chí nét văn hoá của những người làm lúa nước, vượt qua trào lưu cứ rộ lên một thời gian rồi lại chìm đi” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Nguyên Khánh