Họa sĩ Trần Quốc Long: Lòng hướng thiện theo tôi khi bước chân vào chùa
Các sáng tác tranh sơn mài của họa sĩ Trần Quốc Long thường mang tinh thần Phật giáo. Cuộc sống của anh cũng gắn bó với đạo Phật và thiền.
1. “Theo tôi nếu có thời gian, tôi thường vào chùa. Chùa là tôn nghiêm, thanh tĩnh, không gian thường rộng, thoáng mát, cho cảm giác an yên, tránh xa được những ồn ào náo nhiệt của cuộc sống thường ngày. Tới chùa, tôi sẽ có thời gian để nhìn lại, nghĩ lại những bế tắc mình đang vướng bận.
Lòng nhân từ, tính hướng thiện luôn theo khi tôi bước chân vào chùa. Xa hơn chút, khi vào chùa thì mọi cảm giác thù ghét, sân hận tự tiêu hết, không còn nổi lên nữa.
Tôi là người làm việc tự do, nên thời gian tôi lên chùa cũng không có một qui củ nhất định nào. Rảnh khi nào, thuận tiện khi nào, tôi lên chùa khi ấy. Mỗi khi đi chơi, đi du lịch, qua mỗi địa điểm, nếu ở đấy có một ngôi chùa, thì điểm dừng chân trước hết của tôi sẽ là ngôi chùa ấy.
Khi tới chùa việc đầu tiên tôi thường làm là đứng trước tượng Đức Phật, nghĩ hoặc nói vài câu gì đấy. Sau đó tìm một nơi để ngồi và quan sát cách bài trí của chùa. Ngắm nhìn mọi vật xung quanh, để buông xả tất cả, quên hết mọi điều đang bận tâm, không còn định kiến về bất cứ thứ gì. Tôi ngồi tĩnh lặng. Trong tâm tôi hoàn toàn không nổi lên bất cứ điều gì hết khi tôi ở chùa.
2. Tôi hiểu Đạo Phật thế này: Đạo là đời. Phật là giác ngộ. Nên Đạo Phật quan trọng với tôi. Đạo Phật giúp tôi hiểu được mọi sự vật hiện tượng đến với mình. Xấu hay tốt tôi cũng đón nhận. Duyên đến, duyên đi, gặp người tốt, gặp người xấu, tôi đều cảm ơn. Thông qua mọi việc, mọi pháp, tôi sẽ nhận ra và học được bài học cho riêng mình. Tôi không tìm cầu và học ở đâu xa xôi, mà tôi học pháp ở chính bản thân mình, rút ra bài học ngay tại đây và bây giờ thôi. Đạo Phật gắn bó với đời sống hàng ngày của tôi như thế.
Còn trong sáng tạo, tôi luôn thận trọng, chú tâm, quan sát. Tôi tiếp xúc với các pháp đến và đi, để nhìn nhận ra sự thật, không có ảo. Và tôi ghi chép lại, theo ngôn ngữ tạo hình qua hội họa.
Một hiện tượng tôi nhìn thấy, tôi sẽ vẽ nó lại theo cách của riêng tôi.
Mọi sáng tạo của tôi đều có hơi thở của thiền. Tôi sáng tạo để tự trả lời, tại sao nó như vậy? cái này có thực không? hay là ảo?
Nên với tôi, Đạo Phật có ảnh hưởng rất lớn, trong đời sống, và sáng tạo của tôi mỗi ngày, nó giúp tôi tìm kiếm chính con người của tôi.
Tôi luôn quan niệm khi tâm an, không còn tham sân si nữa, cái đẹp sẽ hiện ra trong từng phút giây, công việc của tôi là ghi lại cái đẹp mà tôi cảm được, tôi để yên, tôi vẽ những gì tôi nghĩ, vẽ mọi ý tưởng thoảng qua trong tâm tôi.
Thực ra, tôi không trực tiếp vẽ Phật, không trực tiếp vẽ đề tài Phật giáo, nhưng trong toàn bộ sáng tạo của tôi đều có hơi hướng của Phật giáo.
3. Tôi đang chuẩn bị cho dự án năm sau, với đề tài tạm đặt tên là "Bọc". Tôi nhìn mọi thứ, những điều tôi hiểu, những điều tôi biết, những người tôi gặp: chân dung một nghệ sĩ, một cô gái, bạn của một người bạn, theo lối tạo hình đơn giản nhất. Mọi sáng tạo đều có xu hướng của thiền, với chất liệu sơn mài truyền thống.
Tôi quan niệm khi tâm trong sáng tĩnh lặng, thì tôi vẽ nên những bức tranh tĩnh lặng và trong sáng. Đây cũng là nguyên lí đặc trưng, là chốt của Đạo Phật. Hãy thấy, hãy nghĩ mọi việc như bạn đang nghĩ, với trí tuệ và sự hiểu biết của bạn, nhìn nhận mọi việc, đến và đi, một theo trung đạo. Và dự án này tôi đang thực hiện từ tháng Sáu, sẽ kéo dài đến tháng Mười năm 2020.
Mục tiêu của Đạo Phật là giúp con người nhận ra cái gì là đúng, cái gì là sai, cái gì nên làm, và cái gì không nên làm. Mở rộng tình thương, nhân từ, bác ái, thương yêu tất thảy các chúng sinh. Giúp mọi người nhận rõ duyên, và nghiệp của cuộc đời mình, từ đó thấy pháp hiểu pháp, giác ngộ.
Muốn giúp con người sống hiếu thuận, biết ơn, đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Đạo Phật giúp chúng ta quán xuyến được hành vi để làm việc có lợi cho mình, lợi cho người.
Hiểu rõ cái gì nên làm, để mang lại tâm đức cho mình, cho cha mẹ mình.
4. Đối với tôi, cha mẹ luôn là động lực lớn lao giúp tôi vượt qua những tháng ngày buồn chán nhất. Mỗi lần gặp phải điều gì bất trắc, tôi đều nghĩ đến cha mẹ. Đó là động lực lớn giúp tôi vượt lên chính mình để có quyết định và suy nghĩ tốt hơn, tìm ra hướng giải quyết.
Trong xã hội hiện nay, do sự phát triển quá nhanh của công nghệ thông tin, giá trị ảo len lỏi khắp nơi nên một số ít giới trẻ đã và đang sống ảo, về tình cảm và đạo đức, họ cũng bất chấp tất cả để chạy theo sự ảo đó. Cha mẹ cần sự chia sẻ, cần được gặp và trò chuyện với con cái, nhận được lời động viên từ con cái chứ không phải chỉ là một cuộc điện thoại thăm hỏi qua loa.
Chúng ta nên nhớ, cuộc sống có như thế nào đi nữa, chúng ta thành công hay thất bại, thì cha mẹ vẫn luôn là người yêu thương mình nhất!