Văn chương thời mở cửa

Đinh Quang Tốn 12/08/2019 19:05

Cứ nhìn vào phong trào sáng tác thơ của nước ta hiện nay thì sẽ nghĩ làm thơ rất dễ. Bởi rất nhiều người có thể xuất bản những tập thơ. Nhưng có thật như vậy không?

Văn chương thời mở cửa

Các loại văn chương

Trong lịch sử văn chương, chúng ta thường chia văn chương thành hai loại: Văn chương "truyền miệng" và văn chương "viết". Các nhà nghiên cứu thì đặt thành hai loại: Văn chương dân gian và văn chương bác học. Có lẽ khái niệm của các nhà nghiên cứu bao quát và chính xác hơn, giúp chúng ta phân định văn chương trong dòng chảy hiện đại được chuẩn xác hơn. Bởi ngày nay, khái niệm "truyền miệng" và "viết" không đủ nội hàm để định danh các dạng văn chương.

Văn chương dân gian thì có tính dân dã và tập thể. Ngày xưa dòng văn chương này thường của những người bình dân sáng tác và truyền miệng cho nhau. Vì vậy những sáng tác ấy khá nhiều nhưng lúc đầu thường chất lượng còn đơn giản, thô sơ. Một số rất ít được sửa chữa, gọt rũa trong quá trình truyền miệng trở thành có giá trị. Từ quan điểm đề cao vai trò của quần chúng nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Những sáng tác ấy là những hòn ngọc quý". Và quả thực những sáng tác còn lại được với thời gian của văn chương dân gian đã được tẩy rửa hết tạp chất và cô luyện đến hàm súc thành sáng đẹp.

Sẽ không có gì phải bàn về văn chương bác học, bởi tên tuổi các nhà thơ cổ điển: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương và các nhà thơ nhà văn hiện đại nổi tiếng của thế kỷ XX: Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Minh Châu, Phạm Tiến Duật…đã tự khẳng định vị thế của văn chương bác học. Điều đau lòng là hiện nay văn chương bác học và sáng tác của quần chúng đang bị lẫn lộn rất nghiêm trọng. Văn chương bác học là nghệ thuật, còn sáng tác của quần chúng đại trà thì chưa phải là nghệ thuật, chưa phải là văn chương. Nhưng bác học thì bao giờ cũng ít, mà quần chúng thì lại đông đảo. Và một số người vì ý đồ riêng đã cố tình đánh tráo giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật để kiếm lợi. Thế là sáng tác của quần chúng đã được xuất bản tràn lan và phát hành rộng rãi. Và mọi người quan niệm một cách đơn giản là đã in thì thành sách, thành tác phẩm và người viết những thứ đó nghiễm nhiên được gọi là nhà thơ nhà văn. Và "thơ phường, thơ xã bủa vây Hội Nhà văn Việt Nam" như tiêu đề một bài viết trên lethieunhon.com mới đây. Trong bài này, nhà thơ Vũ Quần Phương - Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam (khóa VII) đã dũng cảm bộc bạch lo lắng có trách nhiệm rất đúng đắn rằng: "Ranh giới giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư ngày càng không rõ nét. Nhiều người nghiệp dư nhưng cũng dùng những thao tác chuyên nghiệp để xuất bản và phát hành: trình bày ấn tượng, in sang trọng, quảng cáo giới thiệu rầm rộ… nên độc giả rất khó phân biệt. Chọn sách thì không thể căn cứ vào nhà xuất bản nữa rồi… Nghe theo nhà phê bình thì người phê bình thực sự rất ít viết, bạn bè viết giúp thì lại không chuẩn mực. Tập dở nhiều lấn át và che khuất tập hay… Những người ban đầu chỉ định chơi thơ thôi thì bây giờ nhất định xin gia nhập Hội Nhà văn". Câu lạc bộ Thơ Việt Nam, tổ chức của những người yêu thơ được phép hoạt động từ mấy năm trước đây, chủ yếu gồm những người đã nghỉ hưu để bình thơ cho vui, rồi một số người tập sáng tác thơ. Vì đội ngũ những người nghỉ hưu và tập sáng tác này khá đông đảo, nên tổ chức cũng phát triển nhanh và rộng rãi. Dẫu ở tổ chức này có người từng giữ chức này chức nọ nhưng trong lĩnh vực văn chương, họ chỉ là quần chúng tập sáng tác. Không biết những người có trách nhiệm đã phân biệt rõ điều này? Nếu nhầm lẫn thì thật sự nguy hiểm. Bởi yêu thơ, tập làm thơ và bình cho nhau nghe cũng là có ý nghĩa và đáng quý. Và không ảo vọng thành nhà thơ, tức là "biết mình biết người" thì càng quý hơn, sẽ được xã hội trân trọng. Người ta chỉ thực sự vĩ đại khi ở đúng vị trí của mình. Còn "áo rộng hơn người" thì xưa nay thường thành đề tài để mọi người đàm tiếu. Phân biệt giữa văn chương bác học và những bài tập sáng tác chưa thành tác phẩm của quần chúng vẫn cần thiết được đặt ra một cách nghiêm túc, nếu chúng ta còn muốn có những tác phẩm đỉnh cao, xứng đáng với dân tộc và thời đại.

Làm thơ dễ hay khó

Cứ nhìn vào phong trào sáng tác thơ của nước ta hiện nay thì sẽ nghĩ làm thơ rất dễ. Bởi rất nhiều người có thể xuất bản những tập thơ. Nhưng có thật như vậy không?

Những người làm nghệ thuật nghiêm túc thường không nghĩ thế. Danh họa người Pháp Edgar Degas (1834-1917) đã viết: “Vẽ rất dễ khi bạn không biết vẽ, nhưng vẽ rất khó khi bạn biết vẽ”. Lời nói ấy có thể ứng với các ngành nghệ thuật khác nhau, trong đó có thơ.

Riêng tôi cách đây gần một phần tư thế kỷ khi xuất bản tập sách đầu tiên, tôi đã tâm sự: “Lúc đầu đến với văn học, tôi không có ý định viết phê bình. Như rất nhiều người khác, tôi làm thơ – thể loại dễ làm nhất và khó hay nhất của văn học (trang 181, tập phê bình tiểu luận “Cánh diều và mặt đất”, NXB Văn học, 1995)”. Bây giờ nghĩ lại, ý nghĩ ấy cũng không còn hoàn toàn đúng nữa. Làm thơ đâu có dễ như nhiều người nghĩ, thì đúng rồi. Nhưng làm thơ cũng đâu có khó! Làm thơ chỉ dễ khi anh không biết làm thơ, và làm thơ chỉ khó khi anh không có hồn thơ! Tức là làm thơ là một công việc bình thường của các thi sĩ. Thơ phát ra từ hồn, tâm hồn anh có thơ thì tự nó phát ra, chẳng khó mà cũng chẳng dễ. Còn anh không phải là thi sĩ, tâm hồn anh không có thơ mà lại cố tình viết ra, cố tình làm thơ thì vừa dễ và vừa khó vậy! Theo tôi hiện nay rất đông những người làm thơ không hiểu vấn đề này. Họ làm thơ để khoe chữ nghĩa, khoe “tài năng”, khoe sự “giàu có” của tâm hồn mình...

V. I. Lê-nin đã thành thật: “Có lột da đầu tôi, tôi cũng không làm được một câu thơ”. Nhưng không phải vì thế mà Người kém vĩ đại. Thơ nói riêng và văn chương nghệ thuật nói chung tự nó có cao quý không? Nếu là thơ đích thực, nghệ thuật đích thực thì mới cao quý. Còn những thứ giống thơ, giống nghệ thuật, nhưng chưa phải là thơ, chưa phải là nghệ thuật thì chẳng cao quý gì. Thậm chí, nó còn có lỗi với mọi người vì phạm phải sự lãng phí và hạ thấp văn chương nghệ thuật.

Bây giờ đã đến lúc cần đặt vấn đề: Không làm thơ, không viết văn khó hay dễ? Điều này thì xin để những người đang làm thơ, đang viết văn trả lời. Sẽ là có lỗi với mọi người, với xã hội nếu đem đến cho mọi người những sản phẩm kém chất lượng, không có ích, chứ chưa nói là sản phẩm xấu, độc hại. Nhưng tôi biết chắc, điều này đối với nhiều người là quá khó. Bởi nhiều người không có hồn thơ nhưng lại thích làm thơ. Tại sao nhà văn Kim Lân đã ngừng viết khi còn rất trẻ? Tại sao nhà thơ Thế Lữ, sau những vinh quang chói lọi lại không làm thơ nữa. Tại sao nhà thơ Hoàng Hiếu Nhân lại bỏ thơ đi làm một nghề lao động khác? Chỉ có thể nói họ là những người có ý thức nghệ thuật rất cao. Tức là họ biết hi sinh mình vì sự cao quý của nghệ thuật, để nghệ thuật không bị giảm giá.

Bây giờ, thời buổi kinh tế thị trường, đa số mọi người quen với sự ồn ào, phải nhảy ra đường, lên sân khấu hét to cho mọi người thấy mình tài năng, vĩ đại. Rất ít người chịu được sự im lặng. Thật ra, đó cũng là một kiểu sống không thật được là mình, giống như trước kia mọi người sống theo phong trào, theo suy nghĩ, theo cách sống của người khác vậy.

Phong trào làm thơ, phong trào sáng tác tức là hoạt động theo tâm lý đám đông. Mà thơ, văn học nghệ thuật thực sự lại đòi hỏi sự tận cùng của cá nhân, cá thể. Có phải vì thế chăng mà mấy chục năm qua, đốt đuốc đi tìm cũng khó thấy được tác phẩm đỉnh cao! Phải làm sao để phong trào làm thơ, phong trào viết văn lắng xuống, để chỉ những nhà thơ làm thơ thôi, có như thế thơ văn nghệ thuật mới có thể tự nó kết tinh, không bị kích động, thì những “thợ trời” (những tài năng thơ) mới có thể xuất hiện, từ đó mới mong có được những tác phẩm xứng đáng mang tầm vóc dân tộc và thời đại.

Đinh Quang Tốn