5 năm chiến sự Yemen
Đất nước Yemen tính đến thời điểm này đã trải qua 5 năm chiến sự ác liệt, kể từ sau khi các tay súng phiến quân do Iran hậu thuẫn đánh chiếm thủ đô Sanaa, khiến Arab Saudi lập lực lượng liên minh để can thiệp quân sự vào nước này.
Các chiến binh thuộc phe ly khai Yemen ở thành phố cảng Aden. (Nguồn: AFP).
Sự sụp đổ của Sanaa
Vào ngày 8/7/2014, các chiến binh thuộc nhóm vũ trang Houthi đã tổ chức một chiến dịch tấn công từ thành trì ở tỉnh phía Bắc Saada. Tháng 9 cùng năm, nhóm này tiến quân vào thủ đô Sanaa, chiếm đóng các trụ sở làm việc của Chính phủ. Chỉ vài ngày sau, thủ lĩnh của Houthi là Abdelmalek al-Huthi đã hoan nghênh “chiến thắng” trong một “cuộc cách mạng”.
Nhóm phiến quân này tự nhận mình là các đơn vị quân sự trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh, người đã bị buộc phải từ chức sau làn sóng nổi dậy năm 2011. Đến tháng 10/2014, Houthi chiếm được cảng Hodeida nằm trên Biển Đỏ, vốn là cảng quan trọng trong việc tiếp nhận nguồn hàng viện trợ nhân đạo và hàng nhập khẩu.
Tháng 1/2015, Houthi đánh chiếm phủ Tổng thống ở Sanaa, sau chiến sự ác liệt, và bao vây khu vực nhà ở của Tổng thống Abedrabbo Mansour Hadi. Ông Hadi buộc phải bỏ trốn về thành phố cảng Aden.
Chính quyền Riyadh can thiệp
Một liên minh được thành lập bởi Arab Saudi, kình địch của Iran, đã tham gia cuộc chiến này vào tháng 3/2015, liên tiếp không kích nhằm vào Houthi. Hàng chục quốc gia trong khu vực đã tham gia vào liên minh này - trong đó có 5 nước ở Vùng Vịnh, chỉ thiếu Oman. Mỹ tuyên bố cung cấp thông tin tình báo và hỗ trợ hậu cần.
Khi phiến quân tiến về Aden, Tổng thống Hadi đã bỏ lại thành phố này và phải đến tị nạn ở Riyadh, Arab Saudi. Tháng 7/2015, chính quyền Hadi tuyên bố đã tái chiếm lại hoàn toàn tỉnh Aden, chiến thắng đầu tiên của họ kể từ khi liên minh can thiệp. Kể từ đó, Aden trở thành thủ đô trên danh nghĩa của Yemen.
Đến tháng 8 cùng năm, các lực lượng thân Chính phủ đã tái chiếm được 5 tỉnh phía Nam. Và tháng 10, họ chiếm được eo biển Bab al-Mandab, một tuyến hàng hải quốc tế quan trọng. Năm 2017, phe nổi dậy bị chia rẽ sâu sắc và ông Saleh bị ám sát vào tháng 12 năm đó.
Cuộc chiến giành cảng biển
Tháng 6/2018, Chính phủ Yemen khởi động cuộc phản công để tái chiếm thành phố cảng Hodeidah.
Các vòng đàm phán hòa bình do LHQ đứng ra tổ chức bắt đầu vào tháng 12 năm đó tại Thụy Điển. Sau 1 tuần lễ, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres công bố hàng loạt bước đột phá, trong đó có một lệnh ngừng bắn ở Hodeidah.
Tháng 5/2019, LHQ tuyên bố rằng phe nổi dậy đã rút khỏi Hodeidah và 2 cảng gần đó, một bước tiến tích cực kể từ khi lệnh ngừng bắn được thỏa thuận. Tuy nhiên, Chính phủ Yemen cáo buộc phe nổi dậy giả vờ rút quân, thay vào đó trao quyền kiểm soát các cảng trên cho các lực lượng đồng minh.
Cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ
Ngay cả phía lực lượng chống Houthi cũng đang chia rẽ, đặc biệt là trong số các lực lượng thân chính phủ và phe ly khai ở miền Nam. Khu vực này từng là một nhà nước độc lập trước khi thống nhất với miền Bắc vào năm 1990, và phe ly khai vẫn rất mạnh mẽ.
Vào thời điểm kết thúc tháng 1/2018, các cuộc đụng độ giữa phe Chính phủ và ly khai ở Aden đã khiến 38 người thiệt mạng. Phe ly khai sau đó chiếm các trụ sở Chính phủ và bao vây phủ Tổng thống cho mãi đến khi Arab Saudi và UAE can thiệp.
Tính đến nay, chiến sự ở Yemen đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, phần lớn là thường dân. LHQ mô tả tình trạng ở Yemen như cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.
“Ước tính có tới 80% dân số nước này - tương đương 24 triệu người - đang cần bảo vệ và viện trợ nhân đạo, trong đó có 14,3 người thuộc diện đặc biệt cần viện trợ” - Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ cho hay.