Tự chủ nhưng không tận thu
Dự thảo Thông tư Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập, đang được Bộ Y tế rà soát lần cuối (dự kiến áp dụng từ ngày 1/10 tới đây), giá giường nằm dịch vụ ở bệnh viện (BV) công cao nhất có thể lên tới 4 triệu đồng một ngày.
Giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu (chưa kể dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán, xét nghiệm và thủ thuật) ở BV hạng đặc biệt và hạng I như các BV Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế..., tối đa 500.000 đồng một lần khám. Các cơ sở y tế khác giá không quá 400.000 đồng một lần khám. Trường hợp mời các chuyên gia trong hay ngoài nước khám tư vấn sức khỏe, giá theo thỏa thuận giữa cơ sở y tế và người sử dụng dịch vụ.
Thông tư về giá khám chữa bệnh theo yêu cầu tại BV công lập được Bộ Y tế bắt đầu xây dựng từ năm 2016. Ban đầu mức trần giá khám chữa bệnh theo yêu cầu được đề xuất cao nhất là 200.000 đồng một lần khám, giá giường cao nhất 2,4 triệu đồng một ngày đối với BV hạng đặc biệt, thấp nhất 300.000 đồng một ngày với BV tỉnh. Bộ Y tế đánh giá mô hình dịch vụ theo yêu cầu sẽ khuyến khích cơ sở y tế đầu tư các khu khám bệnh theo yêu cầu, xây dựng, cải tạo nâng cấp một số buồng bệnh có điều kiện dịch vụ tốt hơn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.
Dẫu thế, với Dự thảo lần này, nhiều băn khoăn đặt ra: Giá giường dịch vụ tại các BV cao không kém gì giá phòng khách sạn, liệu chất lượng dịch vụ có tương xứng? Việc quy định mức trần giá dịch vụ theo yêu cầu tại BV công tới đây có khắc phục được tình trạng mỗi nơi một giá hay không?
Theo đánh giá của Bộ Y tế, thời gian qua ưu điểm lớn nhất khi thực hiện tự chủ tài chính BV là tạo sự cạnh tranh giữa các cơ sở y tế. Đến nay 100% số đơn vị sự nghiệp y tế trong cả nước đã được phân loại, giao quyền tự chủ. Thống kê sơ bộ đến cuối năm 2018, cả nước có khoảng 160 đơn vị đã tự đảm bảo chi thường xuyên, chiếm 7,6% tổng số đơn vị sự nghiệp. Có gần 1.400 đơn vị tự chủ được 80 - 90% chi thường xuyên. Các BV khi tự chủ đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển chuyên môn kỹ thuật cao như ghép tạng, tán sỏi ngoài cơ thể, phẫu thuật nội soi, tim mạch, chẩn đoán và điều trị ung thư sớm...
Nhưng thực tế cho thấy hiện vẫn còn thiếu nhiều chính sách để “‘quản” tự chủ, bởi khi liên doanh liên kết, giá thiết bị, máy móc bị đẩy cao lên so với thực tế, giá các loại dịch vụ cũng sẽ tăng cao. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí mà người bệnh phải trả sẽ cao hơn. Làm thế nào để tự chủ BV thực sự đáp ứng được sự hài lòng người bệnh đang là một vấn đề đặt ra. Làm thế nào để các BV công lập tận dụng được ưu thế trong quá trình tự chủ (cơ sở vật chất do Nhà nước đầu tư), nhưng không tận thu từ người bệnh khiến họ phải gánh một gánh nặng “kép”…
Về điều này, ông Lê Đình Thăng- Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành III cho rằng, hạn chế lớn nhất là việc chưa hiểu rõ cơ chế tự chủ đã định hướng. Do đó, việc hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện, kiểm tra, kiểm soát còn gặp khó khăn do cách hiểu rất khác nhau. Các cơ sở y tế công lập cũng chưa hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó dẫn đến chuyện mỗi đơn vị làm một cách, không có sự thống nhất. Do đó cần phải hiểu tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không hỗ trợ. Nhà nước cấp ngân sách cũng vẫn là tự chủ một phần. Điều này có nghĩa là các BV vùng sâu, vùng xa vẫn có thể thực hiện tự chủ, nhưng mức độ tự chủ đến đâu là vấn đề phải bàn. Một trong những vướng mắc phổ biến ở các BV hiện nay là quyền thu gì, thu những khoản nào, mà hiện chưa có cơ chế rõ ràng, quy định vẫn chung chung. Lâu nay nguồn viện phí từ bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán cũng đang là vấn đề cần thống nhất giữa các bệnh viện và BHYT. Khi bệnh nhân hoàn tất khám chữa bệnh, BHYT đã giám sát, nhưng vẫn xuất toán, khiến chi phí khám chữa bệnh thực và số BHYT chi trả chênh lệch nhau, BV bị hụt nguồn chi trả. Qua số liệu báo cáo kiểm toán, chỉ riêng ở các BV Bộ Y tế quản lý thì nguồn BHYT nợ các BV tới 5.000 tỷ đồng. Trong khi đó, các BV nợ các nhà thuốc 7.000 tỷ đồng. Như vậy, chỉ riêng khối bệnh viện Bộ Y tế đã mất cân đối 2.000 tỷ đồng. Tình trạng này ở các BV địa phương chắc cũng tương tự, cần phải có cơ chế để giải quyết sớm.
Đại diện Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng, hoạt động liên doanh, liên kết của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thực tế không có nhiều rào cản. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là nhiều nhà đầu tư thường nhằm vào các BV có đất đai nhiều. Không ít dự án là các nhà đầu tư trong nước, tập trung vào các nhà đầu tư bất động sản, mục đích lâu dài của họ không phải là làm dịch vụ mà là đất đai, bất động sản…
Vấn đề ở đây là liên kết nhưng không thể để mất quyền sử dụng đất, nên không thể mang quyền đó đi liên kết mà phải liên kết bằng hoạt động chức năng nhiệm vụ của mình. Đã có những trường hợp BV lạm dụng liên doanh liên kết để chỉ phục vụ lợi ích trước mắt, không quan tâm lợi ích lâu dài, do đó cần sự kiểm soát của cơ quan quản lý. Quá trình trao quyền tự chủ cho các BV đi liền với việc giải bài toán này thế nào, để vừa đảm bảo mục tiêu chăm sóc sức khỏe y tế toàn dân, người bệnh được hưởng dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc y tế tốt nhất; những người bệnh có nhu cầu chăm sóc sức khỏe ở mức độ cao được đáp ứng kịp thời…, nhưng cũng đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, tránh làm thất thoát nguồn lực đã được đầu tư.