Khoa cử Nho học Việt Nam 100 năm nhìn lại
Ngày 15/8, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo quốc tế “Khoa cử Nho học Việt Nam (1075-1919) 100 năm nhìn lại”. Với quy mô lớn gồm 3 tiểu ban cùng thảo luận và trình bày nhiều vấn đề, chắc chắn đây sẽ là một sự kiện lớn của ngành khoa học xã hội trong năm 2019. Với tư tưởng dùng khoa cử chọn hiền tài bổ nhiệm làm quan, trong suốt 844 năm tồn tại, khoa cử Nho học Việt Nam chắc chắn nảy sinh biết bao nhiêu câu chuyện thú vị…
Mô hình Trạng nguyên vinh quy bái tổ trưng bày ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Dù có mấy ngàn năm văn hiến, nhưng tới thời Lý, nước ta mới có khoa cử. Năm 1075, khoa thi Minh kinh bác học và Nho học tam trường đầu tiên diễn ra dưới thời Lý Nhân Tông. Sử sách đều ghi Lê Văn Thịnh người làng Đông Cứu, Gia Định (nay thuộc xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) là người đỗ đầu. Từ một người ở nơi thôn dã, không phải “Thế gia vọng tộc”, Lê Văn Thịnh bỗng chốc “đổi đời” làm thầy dạy vua, Thị lang Bộ Binh (tương đương Thứ trưởng Bộ Quốc phòng bây giờ) và lập công trong cuộc đàm phán năm 1084 mà trở thành Thái sư năm 1086. Chỉ với 11 năm ngắn ngủi, Lê Văn Thịnh từ một nho sinh đã được làm quan đầu triều trở thành ước mơ lớn cho nhiều kẻ sĩ.
Các kỳ thi đình đều diễn ra ở kinh đô. Kỳ thi đầu tiên ở Thăng Long (Hà Nội) nhưng kỳ thi cuối cùng diễn ra ở Huế, năm 1919 dưới triều vua Khải Định do nhà Nguyễn dời kinh đô về đây. Trong các triều đại từ Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc, Nguyễn thì triều Lê là thịnh đạt nhất. Trong triều Lê thì triều vua Lê Thánh Tông là hơn cả. Thế nên, dù là sử quan nhà Nguyễn, nhưng sử gia Phan Huy Chú trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí” cũng phải bàn: “Khoa cử các đời, thịnh nhất là đời Hồng Đức. Cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng, đời sau không thể theo kịp”. Còn Bảng nhãn Lê Quý Đôn, nhà bác học trong tác phẩm Kiến văn tiểu lục thống kê cụ thể về khoa cử triều vua Lê Thánh Tông: “Tính từ năm 1442 đến năm 1526 gồm 26 khoa, lấy 989 người đỗ tiến sĩ, mà có 63 người dự vào tam khôi, thế là thịnh đạt lắm”.
Với quan điểm “dĩ văn thủ sĩ” (dùng khoa bảng chọn kẻ sĩ làm quan) nên sĩ tử toàn quốc dốc lòng sôi kinh nấu sử để đổi thay cuộc đời. Thứ hạng “sĩ, nông, công, thương, binh” cũng vì thế hình thành giai tầng và đẳng cấp trong xã hội phong kiến. Nho sinh đỗ đạt được triều đình bổ dụng làm quan. Mà một người làm quan là cả họ được nhờ, cả tổng danh thơm. Vì thế, câu văn của Thân Nhân Trung (đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân) trên bia đề danh tiến sĩ năm 1442 thực sự khái quát được vị thế của con đường khoa cử Nho học: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết...”.
Khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội đã trở thành Di tích quốc gia đặc biệt. Ngoài thờ Khổng Tử, Chu Công và tứ phối, Văn Miếu còn thờ Chu Văn An, nhà khoa bảng, vị thầy dạy vua thời Trần. Trước dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, nơi đây thờ thêm 3 vị vua có công lao đánh dấu những sự kiện trọng đại của khoa cử. Vua Lý Thánh Tông – Người dựng Văn Miếu năm 1070; Vua Lý Nhân Tông – Người mở kỳ thi đầu tiên năm 1075; Vua Lê Thánh Tông – Người cho dựng bia tiến sĩ đầu tiên ở Văn Miếu…
Trước khi khoa cử Nho học được tổ chức, đội ngũ quan lại được tuyển dụng bổ nhiệm chủ yếu qua con đường “thế tập” cha truyền con nối, qua tầng lớp tăng lữ, hoàng thân quốc thích. Khi khoa cử Nho học được tổ chức, cơ hội đỗ đạt, làm quan, cống hiến cho đất nước được mở rộng cho nhiều người, trừ một số trường hợp không được dự thi. Thế nhưng, mô hình khoa cử Nho học trở nên lung lay và dần đi đến chỗ chấm dứt sứ mệnh lịch sử khi người Pháp sang xâm chiếm thuộc địa. Những nho sinh chuyển sang học tiếng Pháp rồi theo đạo Gia tô có những kiến thức về khoa học, kỹ thuật và xã hội mới mẻ vượt trội so với nhà nho đương thời suốt ngày ra rả “tứ thư ngũ kinh”. Với kiến thức phương Tây, Nguyễn Trường Tộ trở thành người đi trước thời đại. Ông kiến nghị triều đình nhà Nguyễn nhiều chính sách và cải cách mới mẻ nhưng tiếc thay không được dùng. Từ khi lục tỉnh Nam Kỳ rơi vào tay Pháp (năm 1867) và nhất là đến khi Pháp hoàn toàn bảo hộ Việt Nam (năm 1884) thì mô hình khoa cử Nho học tuyển chọn hiền tài bổ nhiệm làm quan bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều kẻ sĩ bỏ chữ Nho học chữ Pháp để làm quan.
100 năm nhìn lại khoa cử Nho học Việt Nam, điều đọng lại là tư tưởng trọng dụng nhân tài vẫn được thế hệ sau này tiếp nối. Có khác chăng là hình thức tuyển chọn thời nay phong phú và đa dạng hơn, cơ hội cũng mở rộng ra nhiều người hơn. Và tất nhiên, hình thức vinh danh nhân tài lại càng phong phú, tuy không dùng bia đá để vinh danh.