Đìu hiu đại học địa phương

Đoàn Xá 13/08/2019 08:00

Mặc dù có số điểm chuẩn thấp nhất trong khối các trường đại học (ĐH) nhưng các trường ĐH ở địa phương (trường công ở các tỉnh) năm 2019 vẫn rất khó tuyển sinh.

Thậm chí nhiều trường còn không có thí sinh nào trúng tuyển ở một số ngành như sư phạm, y dược hoặc số lượng thí sinh trúng tuyển quá ít. Trong khi đó, các trường ĐH thuộc khối ngoài công lập ở các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội thì điểm chuẩn vẫn cao, và vẫn rất đông thí sinh nộp hồ sơ theo học. Điều này không chỉ khiến các trường, cơ quan chủ quản ở các tỉnh gặp khó khăn mà ngay cả thí sinh cũng cảm thấy băn khoăn lo lắng. Nhất là các thí sinh trúng tuyển ở ĐH địa phương nhưng ngành đó chỉ có vài người trúng tuyển giống mình khiến cho việc theo học chắc chắn gặp vấn đề.

Theo tìm hiểu, hầu hết các trường ĐH địa phương chỉ có điểm trúng tuyển dưới 20. Trong đó nhiều trường ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên hay miền Tây, điểm chuẩn chỉ từ 14 điểm. Thí sinh thi tốt nghiệp chỉ cần hơn 4 điểm mỗi môn là có thể trúng tuyển. Mặc dù điểm trúng tuyển thấp nhưng nhiều trường địa phương vẫn không có đủ thí sinh đăng ký để tuyển sinh. Đây không chỉ là nghịch lý bởi trường ĐH địa phương vừa là “sân nhà”, có tài trợ tiền ngân sách để hoạt động nhưng không thể cạnh tranh với các trường công, trường tư khác ở thành phố lớn. Thậm chí nhiều trường ĐH địa phương còn thực hiện chính sách ưu tiên con em tỉnh nhà “có việc ngay” sau khi ra trường những năm gần đây nhưng tình trạng này xem ra vẫn chưa thay đổi. Đặc biệt, nhiều chuyên gia còn cho rằng, xu hướng sinh viên tìm đến các trường ở thành phố lớn (cả công lập lẫn ngoài công lập) để theo học vì chất lượng, uy tín các trường này chứ không phải vì được ưu tiên. Vì thế, sau khoảng vài năm thu hút được sinh viên nhờ các chính sách ưu đãi, hiện nay xu hướng các trường ĐH địa phương bị “hụt hơi” trong cuộc đua tuyển sinh ngày càng thể hiện rõ. Và sắp tới, tình trạng này có thể còn diễn ra mạnh hơn khi mà việc cạnh tranh trong tuyển sinh ngày càng gay gắt. Cũng theo chuyên gia này, đây là hậu quả tất yếu của tình trạng cấp phép hàng loạt các trường ĐH từ hơn chục năm trước, khiến nhiều tỉnh thành địa phương có tới 2-3 trường ĐH trong khi số lượng thí sinh có nhu cầu học ĐH không tăng kịp.

Khoảng 2-3 năm qua, tình trạng đìu hiu, khó khăn khi tuyển sinh của các trường ĐH địa phương đã được nhiều chuyên gia, nhà quản lý lên tiếng nhằm giúp cơ quan chức năng đưa ra các định hướng phát triển thích hợp. Thực tế tình trạng này chưa được cải thiện và đang có dấu hiệu ngày càng khó khăn hơn nữa. Rất có thể, thời gian tới, dù được cấp ngân sách nhưng nhiều trường ĐH địa phương sẽ phải tự giải thể, hoặc chấp nhận liên kết, làm cơ sở đào tạo cho các trường ĐH danh tiếng khác vì không có thí sinh theo học.

Đoàn Xá