Chưa đạt được thỏa thuận hòa bình cho Afghanistan

Khánh Duy 13/08/2019 23:00

Hãng thông tấn AFP ngày 13/8 cho hay, các vòng đàm phán mới nhất giữa Taliban và Mỹ đã kết thúc  mà không có tín hiệu nào về một thỏa thuận hòa bình đạt được ở Afghanistan, trong khi cả hai bên đều nói rằng sẽ tham vấn thêm với lãnh đạo cấp cao về các bước tiếp theo.

Chưa đạt được thỏa thuận hòa bình cho Afghanistan

Binh sỹ Mỹ đóng tại Afghanistan. (Nguồn: AFP).

Đàm phán “hữu ích”

Phát ngôn viên của Taliban hồi tuần trước cho hay, vòng đàm phán thứ 8 giữa hai bên có thể sẽ đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 18 năm - cuộc chiến lâu nhất mà Mỹ tham gia. Hai bên đã thảo luận về một thỏa thuận mà trong đó binh sỹ Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan và Taliban sẽ đảm bảo sẽ không biến đất nước này thành bàn đạp cho các vụ tấn công khủng bố toàn cầu.

Đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad nói rằng, các vòng đàm phán bắt đầu từ ngày 3/8 tại Qatar là “mang tính xây dựng” và rằng ông đang trở về Washington để tham vấn thêm về bước đi sắp tới. Phát ngôn viên của Taliban Zabihullad Mujahid đã gọi các cuộc thỏa thuận là “hữu ích”. Nhưng không bên nào đưa thêm chi tiết về kết quả.

Hiện nay, Taliban vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công gần như hàng ngày trên khắp Afghanistan, bất chấp nhiều tháng đàm phán với Mỹ. Các cuộc tấn công chủ yếu nhằm vào lực lượng binh sỹ và các quan chức Chính phủ Afghanistan, ngoài ra cũng có nhiều thường dân thiệt mạng.

Mỹ đã thúc đẩy một lệnh ngừng bắn và khung làm việc để tổ chức các vòng đối thoại Afghanistan, nhưng đến nay các lực lượng nổi dậy vẫn từ chối công nhận Chính phủ Afghanistan, cho rằng đó là chính quyền bù nhìn của Mỹ.

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, hiện đang bị gạt ra ngoài các cuộc đàm phán, mới đây đã bác bỏ thông tin cho rằng nước ngoài can thiệp vào vấn đề nội bộ của Afghanistan.

Ông Ghani khẳng định rằng kỳ bầu cử dự định tổ chức vào ngày 28/9 tới sẽ cho phép Chính phủ tiếp theo nắm được quyền lực, quyết định tương lai của đất nước. Tuy nhiên, ông Khalilzad lại đang tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình trước ngày 1/9, tức vài tuần trước kỳ bầu cử.

Taliban - nhóm phiến quân hiện đang kiểm soát tới gần một nửa lãnh thổ Afghanistan - đã mô tả kỳ bầu cử sắp tới là giả mạo đồng thời cảnh báo người dân Afghanistan không đi bỏ phiếu.

Sức mạnh của Taliban hiện đang ở mức cao nhất kể từ khi Mỹ can thiệp quân sự vào Afghanistan trong năm 2001. Hơn 2.400 binh sỹ Mỹ đã thiệt mạng ở Afghanistan kể từ thời điểm đó. Mỹ và NATO đã chính thức ngừng nhiệm vụ chiến đấu trong năm 2014, nhưng khoảng 20.000 binh sỹ Mỹ và đồng minh vẫn đồn trú ở Afghanistan.

Chiến lược đàm phán

Nếu đạt kết quả, thỏa thuận sẽ giúp Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được mục tiêu đề ra là chấm dứt cuộc chiến tại Afghanistan đã kéo dài 18 năm qua. Thỏa thuận sẽ cho phép Taliban đàm phán chia sẻ quyền lực với Chính phủ Afghanistan, đồng thời đảm bảo không để Afghanistan trở thành cứ địa hoạt động của các nhóm khủng bố như trước đây.

Trước đó, đàm phán giữa Mỹ và Taliban tiến triển tích cực đến mức hai bên dự kiến sẽ ký kết thỏa thuận cuối cùng trong tháng 9. Washington tuy nhất trí về nguyên tắc là sẽ rút hết quân đội nước ngoài khỏi Afghanistan nhưng lại không có kế hoạch chi tiết. Mỹ dùng cam kết rút quân để đổi lấy việc Taliban chấp nhận đàm phán trực tiếp với Chính phủ Afghanistan.

Taliban dùng sự khẳng định quan điểm nhất quán lâu nay để tiếp tục làm “ngã giá” với Mỹ trong giai đoạn đàm phán cuối cùng và để nâng tầm thế trong tiến trình đối thoại tới đây với Chính phủ Afghanistan. Trong khi đó, Mỹ dùng việc cụ thể hóa thời điểm và mức độ rút quân để níu kéo Taliban tin tưởng rằng Mỹ sẽ đáp ứng điều kiện Taliban đặt ra cho việc chấp nhận đàm phán trực tiếp với Chính phủ Afghanistan.

Mọi giải pháp cho nước này cũng đều phải bao gồm chấm dứt chiến tranh, xử lý các vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc cũng như tái thiết đất nước và hội nhập quốc tế. Taliban cao giá vì ý thức được rằng bây giờ tất cả các bên đều cần hợp tác với họ, còn Mỹ phải níu giữ để những gì đã đạt được không bị hủy hoại.

Khánh Duy