Y phục xứng kỳ đức
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa thành lập 3 đoàn kiểm tra do lãnh đạo Thanh tra Bộ, Cục Nhà giáo và Vụ Đại học làm trưởng đoàn, bắt đầu công tác kiểm tra xét công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2019, từ ngày 13/8.
Theo đó sẽ tập trung vào việc thành lập các hội đồng cơ sở, việc xét tại các hội đồng cơ sở theo tinh thần Quyết định 37/2018 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS.
Cũng phải nói thêm, sau lùm xùm bị nghi là “chuyến tàu vét” phong danh GS,PGS năm 2017, ngay trong năm 2018 việc siết tiêu chuẩn chức danh GS,PGS cũng đã được ban hành tại Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS,PGS; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS,PGS. Theo quy định mới, chuẩn GS,PGS đã nâng cao lên, đặc biệt bắt buộc các ứng viên có bài báo đăng trong các tạp chí quốc tế có uy tín, cùng nhiều điều kiện “cứng” khác.
Việc tạm gác lại 94 hồ sơ ứng viên phong danh GS,PGS năm 2017 vẫn là bài học kinh nghiệm trong quá trình xét hồ sơ. Khi ấy, ngoài “lượng” ứng viên GS,PGS tăng đột biến trong năm 2017, băn khoăn về “chất” của các công trình nghiên cứu khoa học cũng là một dấu hỏi lớn. Thế nên GS.VS Phạm Minh Hạc- nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nguyên Chủ tịch Hội đồng chức danh GS nhà nước, cho rằng để đảm bảo thực chất cả “lượng” và “chất” GS,PGS trước những băn khoăn của dư luận, cần phải xem tất cả hội đồng các cấp đã làm đúng quy trình hay chưa. Để rà soát cho chính xác và thiết thực, nên lấy ý kiến anh em trong giới cán bộ giảng dạy ĐH thì tốt hơn. Tức là khoanh vùng đúng đối tượng làm chuyên môn để mình ghi nhận ý kiến tham vấn phản biện. Lâu nay quy trình phong danh GS,PGS hợp lý, quy chế chặt chẽ, nhưng những người thực hiện không chặt chẽ, mà họ còn quá linh hoạt. Nhiều người thực hiện không nắm vững các tiêu chuẩn xét phong GS,PGS, dễ dãi trong việc xét duyệt hồ sơ. Thậm chí có phản ánh từ dư luận là những hiện tượng tiêu cực đã quá phổ biến rồi, giờ đây những tiêu cực ấy đã xâm nhập vào hội đồng chức danh giáo sư ở cả 3 cấp. Tất nhiên vấn đề này vừa phức tạp, vừa nhạy cảm, nhưng khi rà soát thì không thể không lắng nghe những phản ánh từ dư luận. Theo GS.VS Phạm Minh Hạc, những phản ứng dữ dội từ dư luận về “lượng” và “chất” GS,PGS thời gian qua cũng ít nhiều cho thấy từ lâu nay xã hội đã mất lòng tin hoặc đã không còn tin tưởng vào các tiêu chuẩn và quy trình xét duyệt chức danh GS,PGS. Người mang hàm GS phải là người có uy tín lắm, cho nên đây là việc xã hội rất quan tâm.
Theo phân tích từ nhiều chuyên gia giáo dục, bây giờ điều đáng lưu ý trong quá trình rà soát phong chức danh GS,PGS cần lưu tâm đến giờ giảng thực tế và chất lượng công trình nghiên cứu khoa học. Tránh để khi đã xảy ra sự cố - thiếu các tiêu chí quan trọng trong hồ sơ ứng viên, thì Hội đồng nhà nước đổ cho Hội đồng ngành, Hội đồng ngành đổ cho Hội đồng cơ sở. Còn Hội đồng cơ sở khi hỏi các trường thì các trường bảo ấy là chúng tôi cứ đề nghị như thế thôi, còn có 2 Hội đồng bên trên sẽ loại ra nữa. Và các trường xác nhận thì lý giải, họ cứ xin chẳng lẽ chúng tôi lại từ chối. Vậy là cứ đổ lỗi cho nhau. Thậm chí lâu nay có không ít trường hợp ứng viên đi xin giờ giảng. Trường cho rằng xin thì xác nhận cho họ. Theo TS Lê Viết Khuyến- nguyên Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GDĐT), nếu cứ GS,PGS chung chung mãi thì rất không ổn. Mà chức danh GS phải gắn liền hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo cụ thể.
Cổ nhân cũng đã nói “chiếc áo không làm nên thầy tu”. Trong câu chuyện này, tài năng, nhân cách, những công trình khoa học và sự cống hiến, đặc biệt là đối với sự nghiệp phát hiện, bồi dưỡng thế hệ trẻ sẽ làm nên tên tuổi và lưu danh tên tuổi của những người truyền đạt tri thức. Vì thế mới nói “y phục xứng kỳ đức”, tức là khi ai đó khoác trên mình tấm áo mà bản thân không xứng với nó, thì không chỉ làm xấu chính mình, mà còn làm hoen ố chiếc áo, hạ giá phẩm hàm.