Lãng phí tài nguyên đất ở các nông, lâm trường: Kỳ cuối: Mấu chốt là ở cơ chế

Nguyễn Chung 14/08/2019 08:00

Việc có nên bàn giao lại cho địa phương quản lý đất nông, lâm trường hay không lại là một vấn đề khác, rất cần được xem xét, bàn bạc một cách nghiêm túc, thấu đáo. Nhiều ý kiến cho rằng, quan trọng nhất là tháo gỡ được những gì cản trở từ chính cơ chế quản lý đất nông, lâm trường.

Lãng phí tài nguyên đất ở các nông, lâm trường: Kỳ cuối: Mấu chốt là ở cơ chế

Mạnh dạn thay đổi cơ chế quản lý để phát huy tiềm năng của đất tại các nông, lâm trường.

Địa phương đòi đất

Có vẻ như vấn đề các nông, lâm trường “ôm” một diện tích lớn đất sản xuất nhưng không đem lại hiệu quả đang khiến dư luận tại Thanh Hóa khá bức xúc. Đặc biệt là tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa 17, trong phiên chất vấn, đa số lãnh đạo tại các địa phương có nhiều nông, lâm trường đang đứng chân đều đề cập đến vấn đề này một cách khá gay gắt. Hầu hết đều đề nghị thu hồi lại đất của các nông, lâm trường và bàn giao cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, vấn đề bàn giao hay không bàn giao lại không phải là chuyện của riêng tỉnh Thanh Hóa.

Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Xuân Hồng- Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho biết: Theo định mức về đất sản xuất, hiện nay toàn huyện có 2.242 hộ dân đang nằm trong diện thiếu đất sản xuất. “Tôi đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các nông, lâm trường sau khi rà soát lại toàn bộ diện tích đang quản lý thì chuyển giao một phần đất cho địa phương, giúp người dân có đất sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo”- ông Hồng bày tỏ quan điểm.

Tương tự, ông Trương Văn Lịch- Chủ tịch HĐND huyện Bá Thước cho biết: Hiện địa phương rất thiếu quỹ đất canh tác cũng như đất để bố trí tái định cư cho người dân. Nếu được giao lại toàn bộ diện tích mà Cty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc đang quản lý, huyện sẽ chuyển hơn 300 hộ dân vùng có nguy cơ bị lũ lụt, sạt lở ra, vừa tái định cư vừa bố trí được đất sản xuất. Số diện tích còn dôi dư, huyện sẽ quy hoạch vùng nguyên liệu, tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. “Nên giao lại cho địa phương quản lý. Thực tế trong suốt nhiều năm qua, Ban Quản lý lâm trường, Cty đều không có quy hoạch rõ ràng, không đầu tư, người dân mạnh ai nấy làm. Việc quản lý lỏng lẻo của lâm trường đã xảy ra tình trạng người này thuê đất không sử dụng, cho người khác thuê lại… dẫn đến sử dụng đất không đúng mục đích”- ông Lịch bức xúc nói.

Là địa phương có 4 nông, lâm trường đang hoạt động trên địa bàn và sở hữu một diện tích lớn đất sản xuất, bà Bùi Thị Mười- Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thành cũng tham gia nhiều ý kiến khá gay gắt trong phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa vừa qua. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt lịch làm việc về nội dung liên quan đến những ý kiến mà bà đã chất vấn trên nghị trường, bà Mười lại nói: “Tôi không có ý kiến gì cả”(!)

“Dư luận vẫn mặc định là nông, lâm trường đang hoạt động không hiệu quả và chiếm đất của dân, nhưng nói như vậy là không đúng. Hầu hết diện tích mà chúng tôi quản lý, sử dụng đều do các công nhân khai hoang phục hóa mà có được. Chưa kể đến việc các nông lâm trường đều được thành lập và hoạt động theo chủ trương và vốn của Nhà nước. Đồng thời, lâm trường của chúng tôi vẫn hoạt động rất hiệu quả”- ông Phạm Văn Hồ, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Thạch Thành khẳng định.

Như vậy có thể thấy quan điểm của bà Bùi Thị Mười và ông Phạm Văn Hồ “vênh” nhau hoàn toàn. Bà Mười phản ánh tại kỳ họp HĐND tỉnh mới đây là không đúng sự thật hay ông Hồ đang cố tình bao biện cho trách nhiệm của mình?

Mạnh dạn tháo gỡ

Vậy, đâu là nguyên nhân khiến các nông, lâm trường không phát huy hiệu quả trong suốt mấy chục năm qua? Trở lại thời điểm “khởi thủy”, khi các nông, lâm trường được ra đời. Ngay sau khi kết thúc cuộc chiến với thực dân Pháp, giai đoạn từ 1954-1958, các đơn vị bộ đội được đưa về các đồn điền của Pháp để tiếp quản, với mục tiêu tạo dựng lại kinh tế. Đến giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, các nông, lâm trường đã phát huy được tối đa tác dụng khi là nơi cung cấp một lượng lớn lương thực, vật tư cho các chiến trường. Điều này có thể khẳng định, trước đổi mới, các nông, lâm trường đã hoạt động rất hiệu quả. Bước vào khoán 10, trong khi người dân thì được giao đất còn các nông, lâm trường vẫn giữ nguyên hình thức Nhà nước quản lý. Có mới chăng là các nông, lâm trường đã giao khoán lâu dài cho công nhân, theo chu kỳ, mùa vụ và cũng theo tình hình cụ thể của từng đơn vị mà có hình thức thu khoán khác nhau.

Trong khi người nông dân được giao trích lục, miễn thuế đất, hỗ trợ phí thủy lợi, làm nhiều hưởng nhiều thì các công nhân tại các nông, lâm trường chỉ được nhận giao khoán, vẫn phải nộp các loại thuế nông nghiệp, khi muốn vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất vẫn phải vay qua các ban quản lý nông lâm trường. Thêm vào đó, do bước vào thời kỳ đổi mới, cơ chế quản lý của các nông, lâm trường là doanh nghiệp (DN) nhà nước trở nên lạc hậu, không có điều kiện chăm lo đến đời sống của công nhân viên nên lao động không hiệu quả, thu nhập không cao, làm nhiều hưởng ít, thậm chí không làm vẫn được hưởng dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”… Chính điều này đã tạo ra sự khác biệt trong hiệu quả sử dụng đất giữa người nông dân và các nông, lâm trường.

Là người có thời gian dài công tác tại lâm trường Thạch Quảng, ông Ngô Hoàng Kỳ- Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa lại có góc nhìn khác. Theo ông Kỳ: Hiện nay Nhà nước đang khuyến khích tích tụ ruộng đất, thực tế, các nông, lâm trường đã làm từ lâu và hiện nay họ đều sở hữu mảnh, thửa lớn. Vấn đề ở đây không phải là chuyện chuyển hay không chuyển cho người dân mà là cơ chế quản lý các nông, lâm trường. Nếu các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư, sản xuất, chế biến tốt, sử dụng được nguồn lao động dôi dư của địa phương thì nên khuyến khích họ vào đầu tư, thay thế mô hình doanh nghiệp quốc doanh. “Còn nếu chúng ta không tính toán cụ thể mà cứ ồ ạt bàn giao đất lại cho địa phương quản lý, đất lại sẽ quay về với manh mún, nhỏ lẻ”- ông Kỳ chia sẻ.

Đưa ra quan điểm của mình về vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Quyền- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng khẳng định: “Phải đưa DN vào để họ tổ chức sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến để tiến tới phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao”.

Như vậy có thể thấy, mấu chốt của vấn đề không nằm ở việc bàn giao đất lại cho các địa phương hay các nông, lâm trường vẫn giữ đất mà mấu chốt nằm ở cơ chế quản lý. Chúng ta phải mạnh dạn tháo gỡ cơ chế, giao lại cho tư nhân quản lý, thay vì hình thức quản lý của DN nhà nước lâu nay tại các nông, lâm trường. Đây có thể xem như là giải pháp tối ưu, để giải quyết tận gốc những vấn đề về sử dụng đất vẫn tồn tại lâu nay tại các nông, lâm trường.

Nguyễn Chung