Giảm nghèo bền vững: Bứt phá từ nội lực - Bài 2: Sức bật mới từ những quyết sách

Lê Bảo 14/08/2019 07:00

Câu chuyện tại xã vùng 135 huyện Yên Thủy, Hòa Bình chỉ là một trong số minh chứng cho thấy, hệ thống chính sách giảm nghèo đã thực sự đi đúng hướng, việc hỗ trợ có điều kiện đã khơi dậy được ý chí vươn lên của người nghèo. Từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước và cộng đồng cho giảm nghèo, diện mạo của các huyện, xã thoát nghèo, hộ gia đình thoát nghèo đã có bước thay đổi rõ nét.

Giảm nghèo bền vững: Bứt phá từ nội lực - Bài 2: Sức bật mới từ những quyết sách

Cà gai leo đang là hướng đi sản xuất bền vững cho người dân nghèo ở Hòa Bình.

Không để người nghèo gặp khó vì chính sách

Với những nỗ lực của mình ngay từ năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGS) về xóa nghèo, về đích trước 10 năm so với thời hạn (năm 2015). Mặc dù vậy công tác xóa đói, giảm nghèo (XĐGN) luôn là một trong những mục tiêu lớn, xuyên suốt được Đảng, Nhà nước quan tâm đề ra và bảo đảm các nguồn lực thực hiện gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Chính vì vậy Chính phủ đã đề ra Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2016-2020), với số vốn 41.449 tỷ đồng, ngoài ra, Nhà nước còn bố trí 44.214 tỷ đồng để thực hiện chính sách giảm nghèo thường xuyên, hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng.

Cùng với nguồn lực nói trên việc thiết kế khung chính sách để giảm nghèo bền vững “Không ai bị bỏ lại phía sau” cũng được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Và ngày 19/11/2015, một thay đổi có tính đột phá là Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 59/2015/QĐ-TTg về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Theo đó xác định chuẩn nghèo mới thay thế cho chuẩn nghèo cũ với các tiêu chí thoát nghèo cao hơn. Cùng với đó đã xác định rõ 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Từ 10 chỉ số này để xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận đối với 5 dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.

Đáng chú ý để nâng cao hiệu quả của chính sách, Chính phủ đã gộp các chương trình xóa đói, giảm nghèo lại thành một chương trình là “Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020” (Theo Quyết định 1722-QĐ/TTg, ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ), với một đầu mối quản lý chung nhất là Bộ LĐTBXH. Trong đó bao gồm 5 dự án thành phần là: Chương trình 30a (giảm nghèo nhanh và bền vững cho các huyện nghèo); Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi); Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.

Từ những quyết sách, sự chỉ đạo của Trung ương, Bộ ngành đã tạo đà cho những đột phá giảm nghèo đầy bứt phá. Cụ thể tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 5,35%. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 35%. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4% so với năm 2017. Đáng ghi nhận đến nay, đã có 8 huyện thoát nghèo trong tổng số 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP. 14 huyện không còn được hưởng cơ chế của Nghị quyết 30a.

Những mô hình từ sự quyết tâm

Tại Hội nghị biểu dương những mô hình, tập thể, hộ gia đình thoát nghèo tiêu biểu tổ chức cuối năm 2018 khi đánh giá về công tác giảm nghèo, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung nói: Để đạt được tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 5,35% là cả sự nỗ lực cũng như quyết tâm của cả hệ thống chính trị và xã hội. Trong đó sự nỗ lực, quyết tâm của chính người dân đã tạo lên những “kỳ tích” về giảm nghèo.

Dẫn chứng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ là huyện mới thành lập, không có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp xây dựng như các huyện trung du, đồng bằng. Đây là địa phương có địa bàn rộng, địa hình bị sông suối chia cắt, nguy cơ sạt lở, lũ quét; trong khi tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa thực sự bền vững; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ còn nhỏ lẻ; đời sống một bộ nhân dân còn nhiều khó khăn, nguy cơ tái nghèo cao.. Nhưng với quyết tâm không để tụt lại phía sau huyện lấy lợi thế về đồi rừng đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng dịch vụ thương mại, vận tải, các nghề chế biến nông - lâm sản, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp khác đã giúp cho tỷ lệ nghèo của huyện giảm còn 22% cuối năm 2017- giảm gần 40% so với 10 năm trước.

Có thể khẳng định, cùng với hệ thống chính sách giảm nghèo từng bước được hoàn thiện theo hướng hỗ trợ có điều kiện, khơi dậy được ý chí vươn lên của người nghèo, từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước và cộng đồng cho giảm nghèo, diện mạo của các huyện, xã thoát nghèo, hộ gia đình thoát nghèo đã có bước thay đổi rõ nét. Đáng ghi nhận người nghèo được tiếp cận dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe thuận tiện hơn; nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế cho tổ nhóm người nghèo theo hướng tự quản từng bước được hình thành để khai thác các tiềm năng, thế mạnh, phù hợp với đặc điểm, tập quán dân cư, từng bước chuyển đổi từ sản xuất nhỏ sang sản xuất hàng hóa, tiếp cận thị trường.

(Còn nữa)

Lê Bảo