Sẵn sàng cho Lễ trao giải 'Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí' lần thứ hai

Hương Diệp 14/08/2019 18:30

Để biểu dương những tác giả có tác phẩm tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ trao Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ hai, năm 2018-2019.

Sẵn sàng cho Lễ trao giải 'Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí' lần thứ hai

Lễ trao Giải sẽ được truyền hình trực tiếp trên Kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam vào lúc 20h, ngày 15/8/2019, tại Cung Văn hóa lao động Hữu nghị Việt - Xô.

Vinh danh 35 tác phẩm tiêu biểu

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở "Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần, kiệm, liêm, chính để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc''. Trong bài nói chuyện với cán bộ và nhân dân Hà Bắc tại cuộc mít tinh ngày 17/10/1963, Người kêu gọi ''Phải chống tham ô, lãng phí, quan liêu”. Ngày mùng Một Tết Đinh Mùi (1967) khi về thăm cán bộ và nhân dân Hà Bắc, Bác nói: “Quan liêu là nói cán bộ,… Phải loại trừ cho nhanh chừng nào tốt chừng ấy các tệ nạn quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lãng phí''.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn thực hiện lời căn dặn của Người, luôn coi trọng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng đặc biệt trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã khẳng định: Quá trình tự phê bình và phê bình đã góp phần đấu tranh với những suy nghĩ và hành vi sai trái nhằm cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện và tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”.

Tại Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ sáu (khóa VIII) năm 2017, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội phải phát huy vai trò giám sát của mình, của nhân dân, báo chí và công luận; xây dựng và thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ảnh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Mặt trận cần phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch. Mặt trận phải là nơi để người dân có thể phản ảnh, tố giác tội phạm tham nhũng, tố giác những người có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân…

Đây chính là tiền đề quan trọng để phát động Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” và là động lực để Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên cùng vận động, phát huy sức mạnh, tạo sự đồng tình, đồng thuận của nhân dân trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Tính đến hết ngày 21/6/2019, Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ hai, năm 2018 - 2019 đã nhận được 1.002 tác phẩm hợp lệ của 4 thể loại: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình của trên 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương. Hội đồng chung khảo đã chọn được 35 tác phẩm xuất sắc để trao 4 giải A, 9 giải B, 10 giải C và 12 giải khuyến khích.

Các tác phẩm tham gia dự Giải lần này sát với chủ đề, có chất lượng nghiệp vụ tốt, thông tin sắc bén, trung thực, được đầu tư công phu, thể hiện rõ trách nhiệm, tinh thần dấn thân của nhà báo và theo đúng tiêu chí của Thể lệ Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Mỗi tác giả đều quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm để có được các tác phẩm báo chí hay, có tính chiến đấu cao và tính nhân văn sâu sắc.

Tiếp thêm động lực cho báo chí đấu tranh phòng chống tham nhũng

“Ai để SABECO bán rẻ đất vàng” là tựa đề chung loạt 3 tác phẩm Báo in của nhóm tác giả Trần Vũ Nghi, Hoàng Điệp, Thân Hoàng, được đăng trên Báo Tuổi trẻ là một trong những tác phẩm được Hội đồng chung khảo đánh giá cao.

Tác giả Trần Vũ Nghi chia sẻ, trong quá trình thực hiện loạt bài, điều khó khăn nhất là việc tìm kiếm các tài liệu, văn bản, quyết định có liên quan đến vụ việc từ nhiều cấp, lẫn bộ ngành. Vì dự án từ lúc "thai nghén" cho đến khi "nên hình nên vóc" kéo dài hơn 10 năm, nên việc tìm kiếm các văn bản, hợp đồng ký kết, quyết định thành lập lẫn thoái vốn khỏi dự án, là vô cùng gian nan, không hề dễ dàng.

Ở thể loại phát thanh, loạt bài: “Giải bài toán lãng phí đất đai Khu công nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long” của nhóm tác giả Trần Trung Hiếu, Nguyễn Chu Trinh, Phan Văn Ánh (Cơ quan Thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Cửu Long) được đầu tư công phu và thể hiện với chất lượng âm thanh tốt, cách thức làm tương đối hiện đại.

Tác giả Trần Trung Hiếu cho biết, sau khi loạt bài được phát sóng trên VOV1, trong một cuộc họp của UBND thành phố Cần Thơ, vấn đề này đã được nêu ra để đề nghị có biện pháp sớm khắc phục, tránh làm ảnh hưởng kéo dài đến cuộc sống người dân. HĐND thành phố đề nghị phía chính quyền đưa ra giải pháp và UBND thành phố Cần Thơ cũng cho biết sẽ nỗ lực giải quyết những tồn tại nói trên; khẳng định sẽ kiên quyết thu hồi lại những diện tích đất không triển khai dự án từ các công ty, chủ đầu tư được giao đất nhưng không thực hiện.

“Tôi rất mừng là phía chính quyền địa phương ghi nhận những phản ánh từ loạt bài để có những động thái xử lý. Cần Thơ là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có điều kiện thuận lợi nhất để phát triển kinh tế - xã hội tuy nhiên vẫn bị vướng mắc rất nhiều trong vấn đề quy hoạch khu công nghiệp. Giải Báo chí là sự ghi nhận, đánh giá những nỗ lực, là động lực to lớn của anh em phóng viên trong quá trình làm nghề”, anh Trần Trung Hiếu bày tỏ.

Trong số nội dung của các tác phẩm dự giải năm nay, Ban tổ chức đánh giá cao các tác phẩm về đề tài nhân vật điển hình trong phòng chống lãng phí, thực hành tiết kiệm. Không chỉ đơn thuần là tác phẩm báo chí phản ánh sự việc, con người, quá trình thực hiện phóng sự “Người cựu chiến binh trên mặt trận chống tiêu cực” của nhóm tác giả Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Phúc Thành (Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội) đã để lại ấn tượng cho anh Nguyễn Thanh Tùng về sự kiên trì, tâm huyết của người cựu chiến binh hơn 10 năm đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đó là ông Nguyễn Trung Dật (cán bộ quân đội đã nghỉ hưu, đảng viên; trú tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội) trong nhiều năm đã có đơn thư phản ánh, tham gia đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng đất đai, kinh tế ở địa phương.

Sau quá trình kiên trì phản ánh của ông Nguyễn Trung Dật, tháng 2/2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc giải quyết, tố cáo của ông về vấn đề vi phạm đất đai tại huyện Thạch Thất, trong đó có việc huyện này giao 200 lô đất ở tại xã Canh Nậu không qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.

Tác giả Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, vai trò, sự ủng hộ, tham gia tích cực của người dân trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí rất quan trọng. Do đó, những tấm gương điển hình trong lĩnh vực đấu tranh này cần được lan tỏa, biểu dương nhiều hơn nữa để tiếp tục khơi dậy tinh thần phòng chống tham nhũng, lãng phí của cộng đồng, vốn là nhân tố ảnh hưởng sâu rộng tới hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí của cả nước.

Với 35 tác phẩm tiêu biểu được vinh danh tại Lễ trao giải, những người làm báo trên cả nước đều hy vọng Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tiếp tục duy trì Giải, như một cách để các phóng viên trong cả nước có được cơ hội đưa ra công chúng các vấn đề, vụ việc ở nhiều lĩnh vực hiện vẫn còn tồn tại không ít uẩn khúc, sai phạm. Những tình trạng này cần được xử lý, giải quyết, từ đó mới hy vọng các vấn đề gây bức xúc trong xã hội sẽ dần bị đào thải, nhường chỗ cho những điều tốt đẹp, những điều mang lại giá trị cốt lõi trong cuộc sống ngày một lan tỏa nhiều hơn, xa hơn.

Hương Diệp