Lỗi từ phía con người là rất lớn

Bắc Phong 15/08/2019 08:00

Việc đê bao Quảng Điền (đoạn qua xã Quảng Điền, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) bị vỡ hơn 10 m, nước ồ ạt đổ vào 1.000 ha lúa hè thu sắp cho thu hoạch, đã dấy lên nỗi lo ngại thực sự trong mùa mưa bão năm nay.

Trước đó, từ ngày 6 đến ngày 10/8, do mưa lớn, nước sông Krông Ana dâng cao tràn qua đê bao Quảng Điền, người dân và chính quyền phải dùng hàng nghìn bao cát đắp cao 0,5 m, dài trên 2 km dọc tuyến đê để ngăn nước. Nhưng rồi cũng thúc thủ.

Lỗi từ phía con người là rất lớn

Nước chảy như thác ở Phú Quốc trong đợt mưa lũ vừa qua.

Cũng trong đợt mưa lớn vừa qua, nhiều nơi bị lũ lụt đe dọa. Thủy điện Đắk Kar (tỉnh Đắk Nông) có nguy cơ bị vỡ đập, phải sơ tán đến hàng trăm hộ dân, đe dọa an toàn dân cư khu vực hạ du 3 tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng. Tại thành phố cao nguyên Đà Lạt, mưa lớn làm nước suối Cam Ly dâng cao tràn vào khu dân cư gây ngập nhiều tuyến đường phường 5. Còn tại huyện đảo Phú Quốc, có tới 63 km đường giao thông bị ngập sâu từ 0,7m đến hơn 2m. Tổng số nhà bị ngập nước và hư hỏng tài sản là 8.424 căn. Với Cà Mau, khoảng 300m đê biển Tây (huyện Trần Văn Thời) bị sóng và triều cường đánh sạt lở, nguy cơ vỡ đê rất cao…

Đi tìm nguyên nhân, trước hết là do tại… ông Trời. Tác động xấu của biến đổi khí hậu cộng với diễn biến thất thường, cực đoan của thời tiết (mang tính thời điểm) đã khiến nhiều vùng phải hứng chịu hậu quả. Nguyên nhân khách quan này có thể nói là “khó đỡ”, vì nó diễn ra trên phạm vi toàn cầu, không một quốc gia nào, một địa phương nào có thể tự chống đỡ được. Trong kịch bản biến đổi khí hậu toàn cầu, nước ta (nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long) bị tác động rất mạnh. Có chăng, để hạn chế thiệt hại thì việc dự báo thời tiết (nhất là mưa lũ) trong ngắn hạn và trung hạn cần phải được tăng cường, càng ngày càng phải tiệm cận được với diễn biến thực tế của hiện tượng khí tượng thủy văn bất thường đang nhen nhóm. Dự báo sai, không đánh giá được mức độ nguy hiểm của thời tiết sẽ đưa tới hậu quả nặng nề. Ngược lại, “nhỏ nói thành lớn để trừ hao, tránh trách nhiệm”, nhiều lần sẽ khiến thiên hạ sinh nhờn, dẫn đến mất cảnh giác khi có bão lớn thật sẽ không xoay trở được.

Nếu như với nguyên nhân khách quan khó lường có thể tạm chấp nhận, thì nguyên nhân chủ quan lại là việc cần phải được nhìn nhận nghiêm túc, để từ đó chủ động khắc phục, nhằm xóa đi nỗi ám ảnh của người dân cũng như hạn chế thấp nhất hậu quả xảy đến.

Việc vỡ một đoạn đê bao ở Quảng Điền trên thực tế là đã được báo trước. Nhưng có thể nói việc gia cố đoạn xung yếu đã không được chính quyền địa phương lưu tâm đúng mức. Mà cũng không chỉ ở Quảng Điền, những năm qua mỗi khi mùa mưa bão tới, các địa phương có đê đều lo lắng. Tất nhiên sự lo lắng là cần thiết, nhưng quan trọng hơn phải xóa được nỗi lo ấy bằng cách kiểm tra thường xuyên, phát hiện và xử lý ngay những đoạn đê yếu. Nhiều nơi, ngay sát chân đê cũng bị lấn chiếm xây nhà, làm vườn, tập kết vật liệu. Khi nước lên cao uy hiếp, lúc bấy giờ mới vội vã huy động cả ngàn người hộ đê, thì có thể nói không phải là giải pháp gốc rễ.

Trở lại với vụ đập thủy điện Đắk Kar suýt vỡ. Việc chủ đầu tư đưa ra nguyên nhân là do gỗ từ đầu nguồn về làm tắc van xả là không thuyết phục. Van xả lũ là để dùng trong lúc nguy cấp, vậy sao không bảo đảm nó có thể hoạt động được khi cần? Đổ lỗi cho yếu tố bất ngờ có lẽ là dễ nhất trong nhiều trường hợp, nhưng với việc sự vụ có thể làm chết người, đưa tới hậu họa lớn thì không thể nói là do thủ phạm có tên là “bất ngờ” được.

Còn tại Phố Núi Đà Lạt, sau khi nước rút, người ta rất băn khoăn và đã cố tìm nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân nổi bật nhất được cho là do tốc độ xây dựng ở đô thị này quá mạnh, có quá nhiều nhà kính trồng rau, trồng hoa khiến cho nước không kịp ngấm, kịp rút. Công tác quy hoạch đã không đón đầu được tình huống. Với việc ngập lụt nặng nề ở Phú Quốc, người ta cũng kinh ngạc vì sao nước có thể nhanh chóng thoát ra biển nhưng vẫn bị ngập nặng. Nguyên nhân cũng lại là quy hoạch, khi mà Đảo Ngọc phát triển nóng, đã bị bê tông hóa quá nhiều.

Nhìn lại một số vụ việc như trên để thấy lỗi từ phía con người là rất lớn. Từng ngày từng ngày một, khi không thấy tác hại gì từ hành động của mình thì nó sẽ tích tụ dần để đến lúc gây hậu họa. Nhưng tiếc thay, với kiểu lỗi này (cụ thể là vỡ đê, ngập lụt) dù rằng rất lớn nhưng lại không quy được trách nhiệm cho ai. Thiệt hại là có thật nhưng lại không biết ai là người gây ra thiệt hại, đó là chuyện kỳ lạ. Không chủ động gia cố đê để đến nỗi bị vỡ, ai chịu? Để nước ngập Phố Núi, ngập đảo do quy hoạch, ai chịu? Chắc chắn phải có người được giao nhiệm vụ coi sóc đê, làm quy hoạch- họ được hưởng thu nhập từ công việc đó, vậy nhưng khi tai họa xảy ra lại không tìm ra một “địa chỉ” cụ thể nào cả. Hóa ra, lỗi lại do ông Trời, còn về phía con người thì là lỗi tập thể.

Nếu vẫn còn kiểu tư duy, cách hành xử như vậy thì nỗi lo đê điều, ngập lụt… vẫn còn đó. Không lẽ mãi mãi phải sống trong lo âu? Mà muốn “quẳng gánh lo đi mà vui sống” thì không cách nào khác phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, khi để xảy ra hậu quả thì nhất định phải có người chịu trách nhiệm chứ không thể dồn hết lỗi một cách vu vơ cho tập thể. Mà nếu lỗi của tập thể thật, thì tập thể đó cũng phải bị xử lý.

Bắc Phong