Giảm nghèo bền vững: Bứt phá từ nội lực - Bài 3: Nhanh nhưng phải bền vững
Bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn rất nhiều câu hỏi đặt ra trong công tác giảm nghèo thời gian qua, trong đó nổi lên là: Tại sao cùng một cơ chế, cùng một chính sách, con người, nguồn lực như nhau, nhưng có nơi tốc độ giảm nghèo nhanh, có nơi rất chậm, thậm chí số người nghèo phát sinh rất lớn?
Công tác giảm nghèo đã có nhiều chuyển biến, nhưng tỷ lệ tái nghèo vẫn ở mức cao.
Nhiều địa phương thụ động
Là người có nhiều năm gắn bó với công tác giảm nghèo, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia giảm nghèo Ngô Trường Thi cho biết, đến hết năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 5,35%, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 35%. Đáng ghi nhận đến nay, đã có 8 huyện thoát nghèo trong tổng số 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP; 14 huyện không còn được hưởng cơ chế của Nghị quyết 30a. Nhưng công tác giảm nghèo vẫn còn rất nhiều trăn trở.
Phân tích về những trăn trở trong công tác giảm nghèo, ông Thi nói: Chúng ta đã có được một dấu ấn đáng ghi nhận là chuyển cách thức hỗ trợ người nghèo. Từ cách thức hỗ trợ theo hình thức áp đặt từ trên xuống, chúng ta chuyển hướng sang tạo hành lang pháp lý, tạo cơ chế hướng dẫn thực hiện và giao phân cấp mạnh cho địa phương, cộng đồng tổ chức thực hiện. Nhưng công tác giảm nghèo của chúng ta phát sinh những thách thức, khó khăn mới khi thực hiện nghèo theo tiêu chí đa chiều.
“Hai năm vừa qua thiên tai liên tục xảy ra tại các địa phương như Sơn La, Lạng Sơn nhưng mà tỷ lệ tái nghèo không lớn, song tỷ lệ phát sinh nghèo lại tương đối lớn gần 23% trên tổng số hộ thoát nghèo. Nguyên nhân đối với hộ tái nghèo do thiên tai, rủi ro trong cuộc sống. Nhưng hộ phát sinh nghèo lại nằm rất nhiều ở những khu vực đông dân. Mặc dù tỷ lệ địa bàn này không nhiều nhưng quy mô số hộ nghèo lại lớn và nhu cầu tách hộ là nhu cầu rất bình thường của người dân; do những rủi ro như thảm họa, thiên tai trong cuộc sống, do sản xuất kinh doanh. Đây là những nguyên nhân chủ yếu, điều này cho thấy việc giảm nghèo của chúng ta không bền vững”- ông Thi dẫn chứng.
Cùng với đó một nguyên nhân nữa khiến công tác giảm nghèo chưa được bền vững theo ông Thi là cùng một cơ chế, cùng một chính sách, con người, nguồn lực như nhau, nhưng có nơi tốc độ giảm nghèo nhanh, có nơi rất chậm, thậm chí số người nghèo phát sinh rất lớn. “Ở những vùng “lõi” nghèo phần lớn người dân vẫn còn tâm lý “thích” được nghèo, ngại đổi mới sản xuất, chăn nuôi và học nghề trong khi đó ở nhiều địa phương hầu như không có “ sáng kiến” để giúp người dân mình thoát nghèo, Nhà nước cấp nguồn lực, kinh phí bao nhiêu giải ngân bấy nhiêu. Hệ lụy là đã tạo cho người dân thói quen ỉ lại không có khát vọng vươn lên thoát nghèo. Bởi nếu thiếu gạo đã có gạo cứu trợ, con đi học đã không phải lo học phí, đi khám bệnh đã có bảo hiểm miễn phí... Đáng nói là ở một số địa phương mời dân tham gia một số dự án, đi họp hay đi học nghề người dân cũng được nhận phong bì”- ông Thi cho biết.
Tạo sự gắn kết trong giảm nghèo
Dù những xã vùng 135 của huyện đã có nhiều khởi sắc, người dân bước đầu hình thành được tư duy tự chủ trong thoát nghèo bằng chính nội lực của mình nhưng chia sẻ về công tác giảm nghèo bền vững, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình) Bùi Huyên không giấu được trăn trở cho biết, giảm nghèo nhanh trước mắt không khó nhưng làm sao để bền vững cả là một bài toán nan giải, nhất là với huyện Yên Thủy. Với lợi thế có tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền với thủ đô Hà Nội, trong những năm qua huyện luôn đổi mới phương thức cây trồng, vật nuôi như bưởi, bí xanh, nuôi gà, bò, dê… Chăn nuôi và trồng trọt đều theo phương thức VietGap, sản phẩm làm ra đáp ứng tiêu chuẩn sạch, an toàn nhưng lại “tắc” đầu ra vì chưa có sự liên kết, gắn kết đầu ra cho sản phẩm. Rất nhiều hộ dân vay vốn sản xuất với quy mô lớn nhưng chỉ sau vài vụ phải đóng cửa vì sản phẩm không tiêu thụ được.
Tái nghèo, thậm chí phát sinh hộ nghèo mới vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được không chỉ là câu chuyện của riêng Yên Thủy mà là câu chuyện chung hiện nay của không ít địa phương. Nói về những khó khăn trong công tác giảm nghèo, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) Lò Văn Thắng cho biết, cùng với nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, địa phương, công tác giảm nghèo rất cần sự huy động nguồn lực xã hội hóa. Khi có nguồn lực hỗ trợ sẽ tạo chất xúc tác để người dân phát triển kinh tế. Năm 2008, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 30a, trong đó có chủ trương xã hội hóa công tác giảm nghèo bền vững, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo của huyện Bá Thước đã giảm mạnh từ 50% năm 2009 nay chỉ còn 13,3% theo chuẩn nghèo mới. Tuy nhiên cũng giống như trăn trở của đại diện huyện Yên Thủy (Hòa Bình), ông Thắng cho biết để giảm nghèo bền vững vẫn là thách thức lớn đối với huyện nghèo Bá Thước nhất là khi đây là địa bàn thường xuyên phải gánh chịu hậu quả của thiên tai, bão lũ. Và câu chuyện sau một đêm bị thiên tai phải quay trở về hộ nghèo không còn là câu chuyện hiếm ở Bá Thước.
Thực tế đánh giá về kết quả giảm nghèo, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, kết quả giảm nghèo thời gian qua chưa vững chắc, chênh lệch giàu- nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Việc làm được xem là nhân tố quan trọng góp phần giảm nghèo bền vững song chính sách pháp luật về việc làm đối với đồng bào dân tộc thiểu số còn dàn trải, thiếu đồng bộ và thường bị lồng ghép chung với với chính sách giảm nghèo và giáo dục nghề nghiệp. Vẫn còn có sự trùng lặp về cơ chế, đối tượng dẫn đến sự khó khăn trong lồng ghép và triển khai cho địa phương. Ngoài ra hiệu quả tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao. Các dự án cho vay vốn tạo việc làm chủ yếu là dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu làm tăng thêm thời gian lao động. Chất lượng việc làm vẫn còn thấp, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp còn nhiều bất cập…
“Nếu không có những cú hích mang tính chất quyết liệt và đột phá thì đừng bao giờ hi vọng miền núi bắt kịp miền xuôi. Phải làm sao để khoảng cách giữa 2 vùng rút ngắn dần đi và vùng khó khăn được lớn nhanh hơn”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trăn trở.
(Còn nữa)