Một ngày, hai lễ đậm tính nhân văn
Rằm tháng 7 âm lịch, khắp nơi trên đất nước ta tổ chức lễ Vu Lan báo hiếu và Lễ xá tội vong nhân. Hai nghi lễ này tuy có khác biệt nhưng đều đậm tính nhân văn để tỏ lòng biết ơn và thương xót với người đã khuất. Từ đó răn dạy con người ta sống hướng thiện hơn…
Lễ Vu Lan báo hiếu ở chùa Ngọa Vân tỉnh Quảng Ninh Ảnh: N.V.
Lễ Vu Lan báo hiếu mới phổ biến ở miền Bắc nước ta mấy chục năm nay. Còn trước đó, mỗi dịp tháng 7 âm lịch là người dân lại tổ chức lễ cúng xá tội vong nhân. Lễ cúng được tổ chức ở trước cửa nhà, trước sân hay ở chùa. Còn với lễ Vu Lan báo hiếu thì người dân cúng ở bàn thờ gia tiên và trong chùa.
Về nghi lễ xá tội vong nhân, theo tín ngưỡng dân gian, lễ cúng xá tội vong nhân là lễ cúng cho những vong hồn không nơi nương tựa, không người thờ cúng. Những vong hồn này lang bạt nơi trần gian chưa về với cõi âm sẽ được bắc cầu cho siêu độ. Cũng có quan điểm cho rằng đây là ngày cõi âm mở cửa địa ngục để các linh hồn được siêu thoát, về cõi trần để tái sinh. Để cho các vong hồn này không quấy nhiều đời sống và có thể siêu thoát thì người ta cúng cháo loãng, gạo, bỏng, muối… Vì thế lễ cúng ở ngoài sân và ở chùa chứ không cúng trong nhà. Khi cúng thì cúng ban ngày chứ không phải ban đêm. Trước đây, khi lễ cúng xong thì cho trẻ em “tranh cướp”. Nhưng nay thì tán lộc. Còn chút gạo muối, cháo hoa tung rải khắp ngoài đường. “Văn tế thập loại chúng sinh” của đại thi hào Nguyễn Du được sáng tác trên phong tục tập quán này của dân tộc. Toàn bài văn tế là dòng tâm trạng xót thương, thấm đẫm tính nhân văn. Dù là thập loại chúng sinh trên dương thế dù chức cao vọng trọng hay nghèo hèn thì mà khi mất không ai cúng giỗ, trở thành “cô hồn” thì đều thảm thương:
Thương thay thập loại chúng sinh,
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.
Hương khói đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lữa đêm đen,
Còn chi ai quí ai hèn,
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu?
Tiết đầu thu lập đàn giải thoát
Nước tĩnh bình rưới hạt dương chi
Muôn nhờ đức Phật từ bi,
Giải oan, cứu khổ, hồn về tây phương.
Rằm tháng 7 năm nay, tuy trời nóng nực, không mưa sùi sụt não nề như lời văn của Nguyễn Du nhưng với những tấm lòng đa cảm, con người ta vẫn thấy có chút “lành lạnh” trong tâm can khi nghĩ về những vong hồn vất vưởng. Trước đây, với những người cô quạnh hay giàu có mà không có con trai nối dõi tông đường, thờ cúng sau khi mất, thường người ta sẽ chọn cách vào chùa xin “gửi hậu”. Tức là dâng cúng ruộng cho chùa, để nhà chùa trồng cấy sau lấy thóc gạo chi dùng, cúng giỗ mình ở ban thờ các vong linh gửi hậu. Nhiều tấm bia có dòng chữ “hậu phật bi ký” chính là ghi danh những người gửi hậu vào chùa.
Mấy chục năm trở lại đây, ngoài xá tội vong nhân, người miền Bắc còn làm lễ Vu Lan báo hiếu như người miền Nam.
Lễ Vu Lan bắt nguồn từ tích chuyện về lòng hiếu thảo của Đức Phật Mục Kiền Liên - Một đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca. Phật Mục Liên tu được sáu phép thần thông. Khi thành chính quả, nhớ tới mẹ xưa, bằng huệ nhãn của mình, ngài nhìn thấy mẹ mình vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sinh làm quỷ đói nơi địa ngục. Bị đói khát và hành hạ khổ sở, thân hình tiều tụy, bụng ỏng đầu to. Quá thương cảm xót xa, ngài Mục Kiền Liên đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Nhưng khi bưng bát cơm đưa lên miệng thì những hạt cơm biến thành than đỏ rực, không thể ăn được. Ngài Mục Liên tầm vấn Đức Phật, xin được chỉ dạy cách cứu mẹ. Đức Phật dạy rằng: Vì nghiệp chướng từ nhiều kiếp nên bà phải đầu thai làm loài quỷ đói. Dù Mục Kiền Liên có thần thông quảng đại hay tận hiếu đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ mà phải nhờ đến uy đức của chúng tăng khắp các nẻo cùng cầu xin cứu rỗi mới được. Đức Phật dạy Mục Kiền Liên phải thành kính đi rước chư tăng khắp mười phương về. Nhờ công đức cầu nguyện của các vị này mà vong linh mẹ Mục Liên mới thoát khỏi khổ đạo. Rằm tháng 7 là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng nên hãy sắm lễ vào ngày đó. Mục Kiền Liên làm đúng như lời Phật dạy, quả nhiên vong mẫu của ông được thoát kiếp quỷ đói, về với cảnh giới lành.
Cách thức cúng cầu siêu của ngài Mục Kiền Liên sau này được gọi là Vu Lan bồn pháp, lễ cúng đó gọi là Vu Lan bồn bội và bộ kinh ghi chép sự tích trên đây gọi là Vu Lan bồn kinh.
Trong sách “Đại Việt Sử ký toàn thư” sử gia Ngô Sĩ Liên còn ghi hai việc liên quan đến việc báo hiếu vu lan. Đó là sự kiện vua Lý Nhân Tông (1072-1127) đã bãi dịp Trung nguyên yến tiệc chúc tụng của bách quan văn võ đối với mình để làm lễ Vu Lan Bồn cầu siêu cho thân mẫu. Và vua Lý Thần Tông (1128-1138) cũng bỏ yến tiệc của bách quan văn võ vào dịp trung nguyên để thiết lễ Đại trai đàn, cầu siêu cho phụ hoàng là vua Lý Nhân Tông.
Hơn mười năm trước, vào ngày 1/7/2005, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn số 235-CV/HĐTS, đề nghị Thủ tướng Chính phủ về việc làm lễ cầu siêu cho đồng bào và chiến sĩ trận vong tại khắp các tỉnh thành trong cả nước. Đề nghị của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và từ đó đến nay cứ vào dịp tháng 7 nhiều địa phương tổ chức lễ cầu siêu (có xuất xứ từ Lễ Vu Lan) để tri ân - báo ân đối với các anh hùng, liệt sĩ và người có công nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, hoà cùng các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”.
Khi thực hiện lễ Vu Lan báo hiếu, người dân đã gắn hoa hồng lên áo. Nếu là hoa hồng đỏ thì người đó còn cha mẹ. Nhưng nếu là hoa hồng trắng thì cha mẹ đã khuất núi. Người gắn hoa hồng trắng thì tỏ lòng thương cảm về đức sinh thành. Với người còn cha mẹ thì phải biết trân trọng và báo hiếu ngay trong những ngày tháng hiện tại…
Trong tiết tháng 7 diễn ra hai nghi lễ xá tội vong nhân và báo hiếu này, đi đến nhiều chùa, chúng ta đều được nghe những bài ca ngợi về cha mẹ, về tấm lòng từ bi. Và ngay cả mạng xã hội cũng lan truyền nhiều bài ca như thế.