Dạy học phát triển năng lực: Hành lý gọn, dễ mang vác
Triển khai Chương trình GDPT mới tới đây, việc dạy học phát triển năng lực được quan tâm đặc biệt. Bộ GDĐT cũng rất chú trọng tổ chức tập huấn giáo viên, nhằm đổi mới kỹ thuật, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của học sinh.
Lớp 1, khởi đầu quan trọng của mỗi một con người. Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Kiến thức là nguyên liệu, không phải là mục tiêu
Trong Chương trình GDPT hiện hành, kiến thức vẫn được xác định là mục tiêu, chính vì vậy mọi hoạt động kiểm tra đánh giá vẫn dựa vào kiến thức, cụ thể là vào SGK. Học sinh (HS) tiếp thu kiến thức, nhưng khi vận dụng còn rất hạn chế. Thực ra, cái đích của việc học phải là áp dụng được kiến thức vào thực tiễn, phục vụ cho cuộc sống, từ đó hình thành năng lực, phẩm chất. Một số người hiểu nhầm rằng khi chuyển sang giáo dục phát triển năng lực, kiến thức không còn quan trọng nữa. Thực tế, kiến thức luôn là “nguyên liệu” để có thể hình thành năng lực. Nói thì có vẻ to tát, nhưng thực tế, để hình thành năng lực cho HS, chỉ cần thay đổi những điều rất cụ thể, như phải xác định rằng mục tiêu của bài học sẽ không còn là khối lượng kiến thức nào đó trong SGK, mà là việc HS làm được điều gì sau khi tiếp thu kiến thức đó. Khi đó, SGK sẽ trở thành phương tiện để HS vận dụng vào thực tế, để từ đó hình thành năng lực.
Mặt khác, nhiều người nhận định Chương trình hiện hành nặng. Nặng một phần do tính logic của nội dung, do sự liên thông giữa các môn: Nhiều kiến thức nằm trong nhiều môn khác nhau, ví dụ như kiến thức điện phân có cả trong các môn Hóa học, Vật lí và Công nghệ.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT), Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP), PGS.TS Nguyễn Xuân Thành ví von một cách hình ảnh: “Kiến thức trong Chương trình GDPT giống như đồ đạc của một du khách. Nếu biết sắp xếp thì sẽ gọn gàng, hợp lý, nếu không biết sắp xếp thì sẽ cồng kềnh, thậm chí trở nên nặng nề, khó mang vác”.
Những nút thắt cần tháo gỡ
Về phương pháp dạy học, giáo viên (GV) cũng đã được đào tạo phương pháp dạy học tích cực từ rất lâu. Nhiều nhà trường đã triển khai các phương pháp dạy học tích cực như “bàn tay nặn bột”, “Trường học mới VNEN”,... Tuy nhiên, cũng nhiều trường hợp chưa được áp dụng triệt để, có những trường chỉ tổ chức dạy học tích cực trong các hội giảng một cách hình thức...
Vấn đề đặt ra là cần tìm câu trả lời cho vấn đề: Vì sao đã được tập huấn các phương pháp dạy học tích cực, nhưng thực tế nhiều thầy cô không áp dụng? Có thể lý giải một phần vì nếu GV muốn áp dụng phương pháp dạy học tích cực thì phải tổ chức các hoạt động học. Một bài học phải có ít nhất 4 đến 5 hoạt động học, với khoảng thời gian một tiết phải gói gọn trong 45 phút như hiện nay, thì GV buộc phải ép thời gian, tính toán từng phút, điều này khiến nhiều hoạt động không đủ thời gian để thực hiện một cách trọn vẹn. Việc quy định thời gian “cứng” cho mỗi tiết học cũng dẫn đến những sự lãng phí lớn: Thầy cô Lý, Hóa, Sinh phải chuẩn bị rất công phu để làm thí nghiệm, nhưng thời gian chỉ đủ để “cưỡi ngựa xem hoa”, HS không đủ thời gian để thực hành, quan sát...
Cũng chính cách thiết kế tiết học gói gọn trong 45 phút càng khiến GV phụ thuộc vào SGK. Một số chủ đề trong chương trình được chia thành một số tiết học, khi triển khai dạy học, GV chỉ chăm chăm tránh “cháy giáo án”, không thể tự do sáng tạo hoặc dạy ngoài SGK.
Một ví dụ khác về hạn chế của GV trong dạy học: Mặc dù Bộ GDĐT đã chỉ đạo “Tăng cường hướng dẫn HS tự nghiên cứu SGK để tiếp nhận, vận dụng kiến thức, dành nhiều thời giờ trên lớp để HS trình bày, báo cáo, trao đổi, thảo luận”, nhưng trong nhiều trường hợp, khi GV yêu cầu HS đọc sách, thì các em không thực hiện. Đó là do khi hướng dẫn các em đọc, GV đã không nói rõ: Đọc để làm gì? HS chưa nắm được mục tiêu, yêu cầu cụ thể của việc đọc, thì nếu có đọc cũng chỉ là hình thức mà thôi. Thêm vào đó, GV có xu hướng mong muốn HS trả lời đúng câu hỏi, không chấp nhận những câu trả lời sai. Điều này làm thui chột khả năng sáng tạo, tính tự tin của các em.
Như một “guồng quay”, khi GV đến trường, vào lớp, mọi thứ đều phải tuân thủ một cách cứng nhắc theo thời gian biểu, nội dung SGK cũng cố định, viết sao dạy vậy, cấp trên bảo gì làm nấy. Như vậy, tính sáng tạo, chủ động của nhà giáo bị hạn chế. Vì vậy, dù là dạy Chương trình hiện hành hay Chương trình GDPT mới, người thầy cũng đều cần phải thay đổi.
Ngày 14/8, tại Quảng Ninh, Bộ GDĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 đối với giáo dục Tiểu học. Ông Thái Văn Tài- Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cho biết: Trong năm học 2019- 2020, giáo dục Tiểu học sẽ tập trung hoàn thành các điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa GDPT mới từ năm học 2020-2021 với một số nhiệm vụ trọng tâm như: Thực hiện rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp; tăng cường cơ sở vật chất các trường học đáp ứng điều kiện thực hiện Chương trình GDPT mới ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018; nâng cao chất lượng đội ngũ GV và cán bộ quản lý giáo dục; chuẩn bị SGK theo Chương trình GDPT mới… P.V. |