Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn

Minh Quân 15/08/2019 07:30

Nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 14/8, tại Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn, 1969 - 2019”.

Hội thảo đã nhận được 102 tham luận của các đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu... Các tham luận tập trung vào 3 chủ đề chính gồm: Bối cảnh ra đời, giá trị và ý nghĩa của Di chúc; Phát huy giá trị của Di chúc trong giai đoạn hiện nay; Thực hiện những lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Chí Thành - Quyền Tổng Biên tập NXB Chính trị Quốc gia Sự thật khẳng định: Bản Di chúc lịch sử được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1965 đến năm 1969 và được Người sửa chữa, bổ sung qua các năm. Nội dung bản Di chúc được Người trù tính thấu đáo, vừa cụ thể, vừa bao quát toàn bộ công việc, từ “việc riêng” cho đến những việc trọng đại của quốc gia, dân tộc, nhân dân. Di chúc đã thể hiện cao độ tinh thần trách nhiệm và tâm huyết của Người đối với Đảng, với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng đất nước; với thế hệ trẻ, với tầng lớp Nhân dân ta; với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; phản ánh tập trung những tư tưởng, đạo đức, tác phong và tình cảm cao đẹp của Người. 50 năm đã qua, Di chúc của Người với những giá trị tư tưởng to lớn và đặc sắc đã trở thành Cương lĩnh hành động của Đảng, toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...

Đồng quan điểm, GS.TS Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, để hiểu được giá trị tư tưởng đổi mới, hội nhập của Người trong Di chúc trước hết phải thấy Người hành động đổi mới dựa trên phương pháp sáng tạo và phong cách thiết thực, chú trọng thực tiễn và hiệu quả, kết hợp hài hòa giữa kế thừa và phát triển, truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế. Đổi mới gắn liền với phát triển, vì mục tiêu phát triển, có nội dung và ý nghĩa sâu xa về văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh qua hoạt động lý luận và thực tiễn của mình đã nhận thức và giải quyết thành công quy luật tiếp biến văn hóa để đổi mới và phát triển, có chủ kiến rõ ràng về con đường hội nhập quốc tế của Việt Nam... Cũng theo GS Hoàng Chí Bảo, với giá trị tầm vóc lớn lao, Di chúc đã trở thành Bảo vật Quốc gia.

Tại Hội thảo, nhìn nhận về việc thực hiện những lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, PGS.TS Ngô Văn Thạo, Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương đã dẫn chứng - đoạn cuối của Di chúc, Người viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Bằng một câu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ, đầy đủ nhiệm vụ của Đảng, nhân dân ta và mục tiêu, đích đến của cách mạng Việt Nam là Hòa Bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ, Giàu mạnh”.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS Trương Ngọc Nam - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: Các ý kiến đóng góp, tham luận, thảo luận của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học tại Hội thảo góp phần khẳng định những giá trị trường tồn của bản Di chúc - văn kiện lịch sử vô giá, một di sản văn hóa, Quốc bảo của Đảng, nhân dân và dân tộc ta. Bên cạnh đó, theo PGS.TS Trương Ngọc Nam, Hội thảo cũng làm sáng tỏ nhiều khía cạnh mới trong nhận thức về nội dung, ý nghĩa của Di chúc trong tiến trình đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng ta. Suy nghĩ về tư tưởng của Bác Hồ, về những dặn dò, tiên lượng của Người chúng ta càng ý thức rõ hơn và cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân quyết tâm thực hiện thắng lợi Di chúc của Người, xứng đáng với nguyện ước của Bác về xây dựng một nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Minh Quân