Tăng giờ làm thêm để làm gì?
“Nhà tôi cách công ty chừng 40 km nhưng tháng nào nhiều thì về thăm con được 4 ngày, nhưng vào tháng cao điểm có khi 3 tháng không thăm con. Cả hai vợ chồng đều là công nhân, lương thấp nên khi có đơn hàng chúng tôi tranh thủ làm thêm. Làm thêm về có hôm chỉ kịp gặm cái bánh mì rồi ngủ để lấy sức sáng hôm sau đi làm cho kịp…”.
Ảnh minh họa.
Trên đây là chia sẻ của chị Nguyễn Hoàng Quyên công nhân may tại Thái Nguyên. Chia sẻ về việc làm thêm Quyên không khỏi ngậm ngùi nói, đúng là đi làm thêm có thêm thu nhập nhưng rất mất sức, thế nên mọi người thường nói vui là “thân trâu ngựa nên phải đi “cày đêm”.
Câu chuyện cũng như chia sẻ của Quyên không còn là câu chuyện mới mà nó đã được truyền thông phản ánh từ nhiều năm nay. Và cũng có không ít câu chuyện buồn xảy ra tại các doanh nghiệp khi công nhân làm quá sức vì phải làm thêm triền miên. Bởi vậy tại Hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp “Góp ý sửa đổi Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)” do VCCI tổ chức mới đây, đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã không ngần ngại cho rằng: Giảm giờ làm từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần nghe cứ nghĩ chuyện đùa. Chúng tôi không đồng ý.
Lý giải cho ý kiến của mình, đại diện VASEP cho rằng, doanh nghiệp thủy sản không thể tháng nào cũng sản xuất giống tháng nào. Việc siết quy định giờ làm thêm theo tháng, theo tuần sẽ ảnh hưởng đến các đơn hàng của doanh nghiệp này. “Khung giờ làm được khống chế theo cả ngày, tháng, năm là không có cải cách gì cả. Để hội nhập chúng ta cần mở khung giờ làm thêm trong khoảng 400 – 500 giờ/năm để có dung sai cho các doanh nghiệp thực hiện đơn hàng mùa vụ, có ngưỡng để không vi phạm pháp luật. Hiện doanh nghiệp dệt may, thủy sản đều bị những hạn chế về sử dụng nguồn lực khi đối chiếu theo Bộ luật Lao động và DN bị mất đơn hàng là do những vấn đề như vậy” – đại diện VASEP nhấn mạnh.
Còn tại Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ LĐTB&XH và Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức mới đây, nhiều đại biểu thẳng thắn cho rằng, nhu cầu làm thêm giờ của số đông NLĐ là có thật, song bản chất ở đây là do tiền lương và thu nhập của họ chưa bảo đảm trang trải cuộc sống. Việc kéo dài thời giờ làm thêm cũng đi ngược lại với xu hướng tiến bộ, đặc biệt là khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, trình độ quản trị của DN đã được cải thiện, tay nghề NLĐ được nâng cao. Ở góc độ khác, nếu phân tích kỹ sẽ thấy việc tăng giờ làm thêm sẽ có lợi cho người sử dụng lao động hơn, bởi không phải tuyển thêm lao động mới, mua BHXH. Chưa hết, việc tăng thời giờ làm thêm nếu không được các cơ quan chức năng giám sát triệt để sẽ dẫn đến tình trạng người sử dụng lao động lợi dụng khai thác sức lao động, dẫn đến NLĐ bị suy kiệt sức khỏe. Làm thêm giờ quá nhiều cũng sẽ khiến NLĐ không có thời gian chăm sóc gia đình, lo cho tương lai của mình.
“Đã đến lúc thực hiện giảm giờ làm việc cho người lao động để họ có thời gian chăm sóc bản thân, gia đình… được tốt hơn. Cụ thể, cần sửa đổi theo hướng giảm thời giờ làm việc bình thường xuống còn không quá 44 giờ trong một tuần, thay vì 48 giờ/tuần như hiện nay. Thời giờ làm việc cần hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, khả năng tái tạo sức lao động...” - ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh.
Từ thực tế ở công ty, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam cho biết, thực tế hiện nay, nhu cầu tăng ca phần lớn là từ chủ doanh nghiệp để chạy cho kịp thời gian theo đơn đặt hàng, chứ không phải là nhu cầu muốn tăng thêm thu nhập từ người lao động.
Có một thực tế không thể phủ nhận đó là về trước mắt việc quy định thời gian làm thêm giờ lên tối đa 400 giờ/năm sẽ đáp ứng nguyện vọng của đông đảo công nhân, nhằm kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống đồng thời, cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tìm kiếm các hợp đồng kinh tế mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp. Chính vì vậy cơ quan soạn thảo cần lấy ý kiến của người lao động và có những đánh giá tác động để từ đó đề xuất những quy định dựa trên nguyện vọng chính đáng của người lao động.
Cho ý kiến xung quanh đề xuất tăng giờ làm thêm tại phiên họp thứ 36 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức vào ngày 14/8, khi cho ý kiến về nới rộng khung giờ làm thêm trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động tới từng đối tượng; Chính phủ và các bộ ngành cần tiếp thu ý kiến của ĐB QH để đánh giá thấu tình đạt lý, thuyết phục. Về việc này cần lấy ý kiến nhân dân để tạo sự đồng thuận trong xã hội.
“Khối Nhà nước làm việc 40 giờ/ tuần, nghỉ thứ 7, chủ nhật. Còn khối ngoài Nhà nước là 48 giờ/tuần, nghỉ chủ nhật. Cho nên mục tiêu hướng tới giảm xuống 44 giờ/tuần là tiến bộ. Hiện chưa giảm được mà lại tính tăng thêm giờ làm. Xã hội văn minh mà giờ chúng ta ngồi tính tăng thêm thời gian lao động là việc cần hết sức cân nhắc. Quan điểm cá nhân tôi là không đồng ý”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.