Phòng chống bệnh lao: Vẫn trống bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh
Ngày 15/8, Bộ Y tế phối hợp với Chương trình chống lao quốc gia đã tổ chức Hội thảo “Hướng dẫn kiện toàn tổ chức đơn vị chống lao tuyến tỉnh tại 15 tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa lao/bệnh phổi”.
Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Tuyến tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam hiện đứng thứ 16/30 nước có gánh nặng về bệnh nhân lao cao nhất trên thế giới và xếp thứ 15/30 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất trên toàn cầu.
Bệnh lao được biết đến là nguyên nhân gây tử vong thứ hai trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 1,6 triệu người tử vong do lao. Theo ước tính, mỗi ngày, có 4.500 người chết bởi bệnh lao và gần 30.000 người mắc bệnh. Chính vì vậy, bệnh lao không chỉ là mối đe dọa lớn đến sức khoẻ của người dân mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của từng gia đình và của cả đất nước.
Thời gian qua, Chương trình chống lao quốc gia Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể. Trong 10 năm qua, dựa trên các nghiên cứu điều tra toàn quốc lần 1 năm 2007 và lần 2 năm 2017 và các nghiên cứu phụ trợ, bệnh lao ở Việt Nam đã giảm được 31%, trung bình 3,8% một năm. Những năm gần đây, tốc độ đã giảm nhanh hơn, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Bên cạnh đó, tính đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã làm chủ được các kỹ thuật phát hiện, chẩn đoán, điều trị với kết quả cao, đồng thời, xây dựng được một hệ thống mạng lưới mạnh từ trung ương cho tới địa phương. Đây là một kết quả rất đáng mừng nếu so sánh với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tới năm 2030 cơ bản chấm dứt bệnh lao thì cần phải có những hoạt động cụ thể và mạnh mẽ hơn nữa.
Thực tế cho thấy, mặc dù mô hình tổ chức chống lao tuyến tỉnh hiện nay phần lớn do Bệnh viện (BV) chuyên khoa lao/phổi chịu trách nhiệm (đã có 48 BV chuyên khoa lao/bệnh phổi) tuy nhiên vẫn còn 15 đơn vị chống lao tuyến tỉnh chưa có BV chuyên khoa đang trong quá trình sát nhập theo mô hình Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh. Sự thay đổi này đang gây ra những biến động lớn về tổ chức, nhân lực và hiệu quả của công tác chống lao tại 15 tỉnh. Từ đó, sẽ gây khó khăn trong quá trình đảm bảo công tác chống lao cho người dân.
Chủ động phòng chống lao
TS Kidong Park- Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam cho hay, Việt Nam đang trên con đường tiến tới chấm dứt bệnh lao. Việt Nam đã hội tụ đầy đủ các yếu tố để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Tuy nhiên, Việt Nam cần duy trì bền vững tất cả những điều kiện hiện nay, đồng thời, thách thức vô cùng quan trọng đó là sự vào cuộc và hưởng ứng của cộng đồng, chủ động tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh lao, vượt qua mọi rào cản từ phía người bệnh cũng như thầy thuốc và xã hội.
Có thể thấy, để phòng, chống bệnh lao có hiệu quả không chỉ cần sự vào cuộc, chung tay của cả cộng đồng mà mỗi người dân cần phải chủ động tầm soát bệnh lao sớm. Hoạt động tầm soát lao sớm và chủ động giúp người dân hiểu hơn về nguyên nhân, triệu chứng của bệnh lao, chủ động khám bệnh, từ đó chẩn đoán sớm và điều trị đúng, tránh tình trạng bệnh lây lan trong cộng đồng và hạn chế được lao kháng thuốc.
Mục tiêu Chiến lược Quốc gia phòng chống lao của Việt Nam đã xác định đến năm 2030 giảm số người mắc lao trong cộng đồng xuống dưới 131/100.000 người dân; khống chế số người mắc bệnh lao đa kháng thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện. Tầm nhìn đến năm 2030 tiếp tục giảm số người mắc lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 người dân và giảm số người chết do bệnh lao, hướng tới mục tiêu để người dân Việt Nam sống trong môi trường không còn bệnh lao.
Để thực hiện thành công mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, cần đặc biệt quan tâm đến nhận thức của người dân về bệnh lao. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đảm bảo nguồn lực tài chính bền vững lâu dài, đồng thời, tăng cường hợp tác đa ngành trong công tác phòng, chống lao.