Khi nỗi nhớ chưa nguôi
Tôn Thất Bách (1946-2004): Phó giáo sư, chuyên gia đầu ngành về tim mạch của Việt Nam. Ông còn là Nhà giáo Nhân dân, Viện sĩ Viện hàn lâm Ngoại khoa Pháp, Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học New York, Tiến sĩ Danh dự Đại học Lille (Pháp), Tiến sĩ Danh dự Đại học Odessa (Ukraina), thành viên Hội Ngoại khoa quốc tế.
Ông từng giữ các chức vụ Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, Đại biểu Quốc hội Việt Nam các khoá IX, X và XI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội Việt Nam khoá XI.
Bác sĩ Tôn Thất Bách (người ngồi giữa, hàng đầu) năm 1965, khi tiễn bạn đi bộ đội.
Nhân 15 năm ngày mất của ông, xin đăng lại bài viết của ông Đoàn Mạnh Giao - một người bạn từ thời trẻ, vào dịp 49 ngày ông đi xa.Thấm thoắt 49 ngày qua đi, kể từ lúc Tôn Thất Bách đi xa, tôi vẫn ngỡ Bách đang ở đâu đây, lát nữa sẽ gọi điện thoại rủ nhau đến chỗ nào đó, có thể là uống cà phê trong một phố quen, giữa lòng Hà Nội đang rấm rứt vào hè. Có gì đó thôi thúc tôi và cả những bạn bè quen chung với Bách cũng vậy, muốn hồi tưởng về Bách vào dịp này cho đỡ nhớ, đỡ xót xa… Và chắc hẳn là không chỉ thêm một lần! Với lối sống thủy chung, quý mến bạn bè, Bách vẫn sống mãi trong hồi ức của chúng tôi, với những kỉ niệm đẹp, nhớ đời.
Đối với xã hội, với đất nước, Tôn Thất Bách là Phó giáo sư, Bác sĩ, Viện sĩ, Nhà giáo Nhân dân, Đại biểu Quốc hội Hà Nội và còn nhiều chức danh khác, xứng đáng phẩm chất và năng lực của anh. Bách là người đã thành danh, là một nhân vật của nhân dân. Nhưng với chúng tôi, những bạn bè thân quen từ hàn vi, đồng trang lứa, Bách vẫn vậy thôi, không hề khách sáo, câu nệ gì, cứ “mày tao chi tớ” như thuở nào.
Tôi và Bách quen nhau từ nhỏ, hơn nữa, hai gia đình cùng là người gốc Huế, có những người cha là trí thức đi theo cách mạng. Có một thời, chúng tôi cùng học dưới mái trường Phổ thông III Hà Nội, nay là THPT Việt Đức. Nhớ lại ngày đó, bọn tôi hay rủ nhau chơi bóng rổ, bóng đá ở chỗ vườn hoa Pax-tơ, sau giờ học. Mồ hôi nhễ nhại, mấy đứa học trò nghịch ngợm đó chơi xong lại rủ nhau đi uống cà phê đá hay kéo về nhà nhau. Có lần ở số nhà số 9 Lê Thánh Tông, chúng tôi còn hút trộm thuốc lá, bị Giáo sư Tôn Thất Tùng, cha của Bách, bắt được, rầy la cho một trận.
Năm 1965, có lần tôi và Bách tiễn hai người bạn đi B, cả bọn kéo nhau ra hiệu ảnh Quốc tế ở phố Hàng Khay, chụp ảnh kỷ niệm. Không ngờ, bức ảnh có tôi và Bách, mỗi đứa vớ lấy một cái mũ kê-pi ở tiệm ảnh để chụp cho vui ấy, lại là bức ảnh “cứu tinh” của tôi sau này. Số là đầu năm 1973, tôi đang giảng dạy ở trường Đại học Kỹ thuật Quân sự thì được cử vào Tây Nguyên, tới Bộ tư lệnh B3 đóng ở Kon Tum, để tham gia một nhiệm vụ. Chúng tôi đi bộ suốt theo đường 559 ở phía tây Trường Sơn. Đến binh trạm 73, vùng ngã ba biên giới, thuộc tỉnh A-tô-pư của Lào, tôi bị sốt rét ác tính đến bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, tôi biết mình sốt rất nặng, tưởng “đứt”, anh em khiêng đến quân y, được bác sĩ Quang, Trưởng trạm Quân y, hết sức tận tình cứu chữa mới thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. Lúc đó, tôi thấy bác sĩ Quang đến bên gường bệnh, đưa lại cho tôi bức ảnh chụp chung với Bách và nói: “Tôi là bạn thân, học ở Đại học Y với Tôn Thất Bách”. Bác sĩ Quang cho biết, có lúc tưởng tôi không thể qua khỏi, phải lục túi xem kỷ vật còn gì để chuẩn bị hậu sự, thấy được tấm ảnh này, như tiếp thêm quyết tâm, không thể chịu bó tay. May mà, số phận đã mỉm cười với tôi. Sau này, khi ra Bắc, kể chuyện lại với Bách, Bách rất vui và khen ngợi bác sĩ Quang. Chúng tôi hẹn nhau lúc nào vào TPHCM sẽ đi tìm người bạn quý này. Không biết anh Quang giờ này ở đâu?
Thế hệ chúng tôi sinh ra trong Cách mạng Tháng Tám. Hồi còn nhỏ, tôi và Bách cũng có thời gian cùng gia đình ở An toàn khu (ATK), nay thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Sau này, tôi có dịp trở lại đây, được cán bộ huyện, xã cho biết: bác sĩ Tôn Thất Bách có nhiều lần lên đây, thăm hỏi và giúp đỡ đồng bào ATK, nhất là trong lĩnh vực y tế cộng đồng. Sống thủy chung, có trước có sau là cái chất của con người Bách.
Sinh ra trong một gia đình dòng dõi, trí thức lớn, được cha mình là một nhà khoa học lớn dạy dỗ, Tôn Thất Bách có một sự say mê, tận tụy với nghề nghiệp. Anh còn là chàng trai đa tài, hào hoa: Bách không chỉ chơi bóng rổ, bóng đá mà còn chơi pi-a-nô, hát và cả làm thơ nữa. Thời ấy, chúng tôi sống thật sôi nổi, nghịch ngợm nhưng đầy hoài bão. Hát những bài ca trữ tình Nga, đọc Pau-xtốp-xki và mê tranh Lê-vi-tan. Pa-ven Coóc-sa-ghin và Ruồi Trâu là thần tượng. Chúng tôi thuộc lòng câu nói nổi tiếng của Ô-xtơ-rốp-xki: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí”… Tôi và Bách cũng có nhiều lúc tâm sự về cuộc sống và sự nghiệp của mình. Chúng tôi quý nhau ở tính cách. Bách là người bộc trực, thẳng tính nhưng ẩn sau là một trái tim nhân hậu, khoan dung. Đây cũng là điều mà những người quen biết, bạn bè của Bách ghi nhận và yêu thương. Khi là Đại biểu Quốc hội, tôi được nhiều lần nghe Bách phát biểu tại hội trường trong những kỳ họp, với một sự phân tích sắc sảo, đi thẳng vào vấn đề của một nhà khoa học, kể cả những vấn đề gai góc, có nhiều ý kiến khác nhau. Có lần trong giờ giải lao, ngồi hút thuốc lá ở hành lang Quốc hội, tôi nói với Bách: ”Những điều ông nói đúng thôi. Nhưng, thái độ phát biểu của ông có thể bớt gay gắt đi một tí”. Bách bảo: “Tôi cũng có ý thức ấy, nhưng khi nói lên bức xúc quá, không kìm được”… Là một người Đại biểu nhân dân, Tôn Thất Bách luôn ý thức được trách nhiệm của mình, luôn trăn trở với những vấn đề bức xúc trong xã hội, liên quan đời sống của nhiều người như các vấn đề y tế, giáo dục, đào tạo, phòng chống ma túy…
Sau khi Bách mất, những người bạn quen chung với Bách, thường nhắc lại về Bách, thương tiếc một tài năng, cảm phục một tấm lòng nhân từ thấm nhuần y đức, một con người tận tụy với nghề và thủy chung với bạn bè. Bách sống giản dị và gần gũi với mọi người. Dù sau này bận rộn với nhiều trọng trách, nhưng với những người bạn cũ, kể cả đạp xích-lô, trông xe, gác cổng… Bách đều cư xử ân cần, tình nghĩa. Qua đấy mới thấm thía, dù anh có thể làm gì, ở cương vị nào, nhưng để sống được trong lòng mọi người, trong lòng bạn bè mới thật là khó, thật là quý.
Trước khi Bách mất một ngày, một cán bộ ở cơ quan tôi biết tôi quen thân Bách có nhờ nói giúp để cho người nhà được mổ sớm ở Bệnh viện Việt Đức. Tôi điện cho Bách, khi ấy đang chuẩn bị đi Lào Cai, và Bách đã xử lý ngay. Đêm hôm đó, anh cán bộ ở cơ quan tôi điện nhiều lần cho Bách để cảm ơn, nhưng không thấy trả lời. Sáng hôm sau, chúng tôi rụng rời khi nghe tin Bách mất… Không những tôi mà nhiều người cho biết, với Bách, nếu giúp ai được cái gì là giúp ngay, không chần chừ, suy tính, rất nhân tình. Đây cũng là điều hiếm trong thời buổi kinh tế thị trường này.
Nhớ hôm tiễn Bách về “thế giới người hiền”, một anh bạn của tôi ở TPHCM nhắn tin vào máy của tôi: “Anh ơi, thắp hộ em nén nhang tiễn đưa anh Bách. Những người tốt không chết!”. Có những người khi mất đi, ta mới thấy hết được giá trị thật của họ. Những khoảng trống vắng quá lớn, Bách là người như vậy. Bởi Bách sống rất đời và rất người, gần gũi, giản dị. Tôi nhớ Bách với những hình ảnh sống động, vui vẻ, trẻ trung và lương thiện. Thật xót xa khi một người hiền tài như Tôn Thất Bách lại ra đi sớm. Trong nỗi tiếc thương bạn, tôi tự nhủ: “Thôi, hãy cố gắng sống tốt như bạn mình vậy”.