Hàng nghìn công trình chưa thẩm định về Phòng cháy, chữa cháy đã đi vào hoạt động: Xác định rõ trách nhiệm

H.Vũ 17/08/2019 00:00

Đó là vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014-2018. Nhiều đại biểu đã đề nghị làm rõ trách nhiệm của việc vẫn còn gần 2.700 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu…

Hàng nghìn công trình chưa thẩm định về Phòng cháy, chữa cháy đã đi vào hoạt động: Xác định rõ trách nhiệm

Cảnh sát Phòng cháy trước giờ làm nhiệm vụ.

Dùng trực thăng để chữa cháy có khả thi?

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, tình hình cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp. Mặc dù công tác tuyên truyền PCCC đã quán triệt xuống nhiều địa phương, nhiều nơi đã có cách làm hay nhưng hiệu quả chưa cao. Nhất là kỹ năng của người dân khi xảy ra cháy thì không biết thoát hiểm thế nào? Còn chủ đầu tư, doanh nghiệp lại không nghiêm túc thực hiện PCCC. Nhưng điều ông Thanh quan ngại nhất chính là thiết bị phục vụ cho công tác PCCC, trên thực tế có đến 50% thiết bị cũ trên 20 năm, khi xảy ra cháy không vận hành chữa cháy được.

Ngoài ra, có một thực tế là hiện có nhiều nhà cao tầng trên 75m ­và đây là vấn đề đáng lo ngại. Ông Thanh cũng đặt vấn đề: Còn 2.662 các công trình đưa vào hoạt động nhưng chưa thẩm duyệt PCCC, hay 110 chung cư người dân đã vào ở mà chưa nghiêm thu về PCCC. Vậy khi xảy ra cháy trách nhiệm thuộc về ai? Vấn đề này cần phải chỉ rõ trách nhiệm.

Liên quan đến đề xuất dùng trực thăng để chữa cháy, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng dùng trực thăng cũng không giải quyết được hết vấn đề. Từ thực tế năm 2010 cháy rừng Phanxipan, Bộ Quốc phòng đã dùng trực thăng xuống hồ Sa Pa lấy nước. Nếu bay thấp thì cháy máy bay, còn bay cao nước chưa xuống đến rừng đã bốc hơi hết, ông Tỵ cho rằng, quan trọng là hóa chất để xử lý cháy. Do đó nếu dùng trực thăng để phun nước thì không hiệu quả.

“4 tại chỗ” chưa hiệu quả

Theo Báo cáo kết quả giám sát, trong thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy, trong đó tập trung xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ mà lực lượng dân phòng giữ vai trò nòng cốt tại địa bàn dân cư theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ).

Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ thành lập lực lượng phòng cháy chữa cháy ở cơ sở còn thấp so với quy định (đội dân phòng đạt tỷ lệ 23%; đội phòng cháy chữa cháy cơ sở đạt tỷ lệ 66%; đội phòng cháy chữa cháy chuyên ngành đạt tỷ lệ 63%). Các đơn vị Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ chưa được bố trí đầy đủ theo yêu cầu nhiệm vụ, bán kính hoạt động xa, số lượng cơ sở lớn so với quy định đã hạn chế hiệu quả hoạt động.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, hiện số vụ cháy dập tắt tại chỗ chỉ chiếm 26%, điều đó cho thấy hiệu quả hoạt động của lực lượng tại chỗ đang yếu, phương châm “4 tại chỗ” chưa hiệu quả. Cho nên cần đánh giá sâu thêm nguyên nhân do đâu? Giải pháp thế nào?

Ông Chiến cũng cho rằng, nhiều khu dân cư trong nội đô mật độ dân cư đông, nhiều nhà cải tạo cơi nới dây điện chằng chịt, chưa kể vào ngõ ngách chật hẹp, người và xe máy đông đúc nên thoát hiểm đã khó chưa nói đến việc lực lượng chức năng có thể tiếp cận hiện trường để dập lửa.

Hàng nghìn công trình chưa thẩm định về Phòng cháy, chữa cháy đã đi vào hoạt động: Xác định rõ trách nhiệm - 1

Diễn tập phòng cháy.

Nhấn mạnh cháy nổ tại các khu chung cư, nhà cao tầng, cháy rừng, tàu thuyền, ô tô xe máy, khu trung tâm thương mại, khu công nghiệp đang rất phức tạp, do đó Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, nghị quyết của Quốc hội sau giám sát nên tập trung vào phần giải pháp gắn với trách nhiệm của từng cấp. Theo ông Uông Chu Lưu, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương là vô cùng quan trọng, nhất là trách nhiệm của các chủ đầu tư. “Nhiều nơi cắt xén, thậm chí không bố trí đủ thiết bị PCCC thì phải chỉ rõ trách nhiệm. Ở đây có sự yếu kém, buông lỏng của cơ quan quản lý nhà nước trong phê duyệt, thẩm định về công tác PCCC. Thanh tra, kiểm tra sao lại để xảy ra như thế? Trách nhiệm cụ thể trong quản lý nhà nước là ai?”- Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Là thành viên đoàn giám sát, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, các bộ có liên quan trực tiếp đến công tác PCCC phải nghiêm túc trong vấn đề này. Bởi khi đoàn giám sát đến làm việc lúc cử Thứ trưởng này làm việc, lúc cử Thứ trưởng khác làm việc, trong khi có Thứ trưởng lại không phụ trách mảng này. Cùng với đó phải công khai các doanh nghiệp bán nhà không đảm bảo an toàn về PCCC để người dân biết.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, có biểu hiện tiêu cực trong thanh tra, kiểm tra. Do đó, nếu thanh tra kiểm tra còn tiêu cực cần làm rõ có hiện tượng “phạt cho tồn tại hay không”? 2.662 công trình chưa thẩm định về PCCC đã cho người vào ở vậy trách nhiệm thuộc về ai? “Phát hiện vi phạm mà vẫn cho tồn tại là ảnh hưởng đến mạng sống cho nhiều người dân cho nên phải làm rõ để kịp thời chấn chỉnh. Đồng thời cần công khai 2.662 công trình không đảm bảo PCCC để dân biết để có cách phòng chống an toàn cho mình - bà Hải lưu ý.

* 57% nguyên nhân cháy là do điện: Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết: Nguyên nhân cháy do sử dụng điện dẫn đến chập điện chiếm 57% . Cho nên cần xem lại Luật Điện lực, và giám sát các quá trình đi dây diện lắp đặt thiết bị thế nào? Ngoài ra, một giải pháp quan trọng là cần nâng cao nhận thức của mọi người. Phải lấy phòng là chính vì tuyên truyền là gốc, trang bị nhiều xe để chữa cháy chưa chắc đã đáp ứng được yêu cầu trong khi xe rất đắt, có xe gần 100 tỷ đồng. Như vụ cháy ở Cầu Giấy hơn 10 xe đến nhưng chỉ vào được 3 xe vì ngõ nhỏ. Cho nên phương châm “4 tại chỗ” mới là vấn đề chính.

H.Vũ