Loại bỏ chạy chọt, vận động trong quy hoạch cán bộ
Ngày 15/8, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã ký ban hành Kết luận số 55-KL/TW về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng. Trước đó, ngày 13/8, tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp Ban Bí thư để cho ý kiến về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng.
Làm thế nào để làm tốt công tác cán bộ? Đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên không phải tự nhiên mà có, nó không phải từ trên trời rơi xuống, mà do tu dưỡng, rèn luyện hàng ngày mà thành. Cùng với đó, cần hoàn thiện các khung khổ pháp lý để quản lý tốt cán bộ đảng viên, cần có những quy định để cán bộ đảng viên không muốn làm trái, không dám làm trái.
1. Ngày 15/8, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã ký ban hành kết luận số 55-KL/TW về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng.
Công tác cán bộ xưa nay vẫn được Đảng ta coi trọng và quan niệm đó là khâu then chốt của then chốt, bởi, mọi việc thành công hay thất bại đều phụ thuộc vào công tác cán bộ. Trong giai đoạn hiện nay, khi mà tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp thì việc đào tạo cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới là khâu quan trọng. Kể từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều nghị quyết, quy chế, quy định để chấn chỉnh, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ theo hướng: Chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung; bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch, kịp thời, hiệu quả nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, sơ hở trong công tác cán bộ; đẩy mạnh phân công, phân cấp trên cơ sở xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu và các cá nhân liên quan; tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm.
Thực tế, thời gian qua, Đảng ta đã đẩy mạnh về lý luận và thực tiễn trong công tác cán bộ, nhiều văn bản đã được ban hành để đảm bảo sự chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác quan trọng này. Tuy nhiên, theo như đánh giá trong kết luận của Ban Bí thư, thì qua nắm tình hình, ý kiến phản ánh của một số cấp uỷ, tổ chức Đảng và thực tiễn công tác cán bộ những nhiệm kỳ vừa qua cho thấy: Mỗi khi đến thời điểm chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp, công tác cán bộ lại xuất hiện biểu hiện “tư duy nhiệm kỳ”, “cục bộ”, “thân quen”, “lợi ích nhóm”, mất dân chủ, thiếu gương mẫu, “nể nang, dễ dãi”, “chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau” trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, thăng cấp bậc hàm, thực hiện chính sách đối với cán bộ...
2. Năm nay, chúng ta kỷ niệm 50 năm ngày thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bản Di chúc rất ngắn gọn, nhưng đầy đủ các vấn đề, khi nói về Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.”
Trong một tham luận trình bày tại tọa đàm về 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, PGS.TS Mạch Quang Thắng - Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: Trong 50 năm qua (1969-2019), Đảng tích cực triển khai công tác xây dựng Đảng đạt được một số thành tựu, song không ít vấn đề còn ở phía trước. Mà một trong những vấn đề mà PGS.TS Mạch Quang Thắng nói đến đó là việc Đảng ta thường xuyên chú ý, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có vấn đề tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng theo hệ quy chiếu tư tưởng, tấm gương sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì thời gian vừa qua, cấp uỷ, tổ chức Đảng các cấp đã nghiêm túc thực hiện các quy định của Trung ương, nhờ đó, công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ đã có chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp và chặt chẽ hơn; ngăn chặn, khắc phục được nhiều sơ hở, yếu kém, tiêu cực trong công tác cán bộ. Việc bổ nhiệm, đề bạt, điều động, luân chuyển, xét thăng cấp bậc hàm, thực hiện chính sách đối với cán bộ... đã bám sát tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình theo quy định; chất lượng cán bộ được nâng lên một bước, góp phần quan trọng vào việc lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của các địa phương, cơ quan, đơn vị; củng cố, tăng cường niềm tin, uy tín của Đảng đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhưng thực tế, như đánh giá của Ban Bí thư vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã không thật sự là những cán bộ vừa hồng, vừa chuyên.
Công tác cán bộ của nhiều nhiệm kỳ cho thấy, cứ gần đến cuối nhiệm kỳ thì lại có một cuộc chạy đua ngầm theo hướng “cục bộ”, “thân quen”, “lợi ích nhóm”. Điều này dẫn đến sự mất dân chủ, thiếu gương mẫu, và tệ hại hơn, nó làm cho mỗi kỳ Đại hội trở thành một cuộc “định giá” theo kiểu “chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau” trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, thăng cấp bậc hàm, thực hiện chính sách đối với cán bộ... Nghĩa là, diễn ra một cuộc đổi chác, mặc cả để đôi bên cán bộ thì có lợi, chỉ có Đảng và Nhân dân là thiệt thòi khi phải buộc chấp nhận sự đã rồi. Đã thế, nhiều cấp ủy thì lo giữ mình, giữ ghế nên né tránh, ngại va chạm, thấy sai không nói, thấy đúng không ủng hộ vì sợ “mất phiếu”, ảnh hưởng đến bản thân, gây ra sự trì trệ trong xử lý, giải quyết công việc chung. Tất cả những điều ấy đã khiến công tác cán bộ của Đảng gặp không ít khó khăn.
3. Vậy làm thế nào để làm tốt công tác cán bộ? Câu hỏi đó luôn được các cấp có thẩm quyền đặt ra và câu trả lời luôn là phải giáo dục thật tốt cho cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng. Mà, đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên không phải cứ tự nhiên mà có, nó không phải từ trên trời rơi xuống, mà do tu dưỡng, rèn luyện hàng ngày mà thành.
Cùng với đó, cần hoàn thiện các khung khổ pháp lý để quản lý tốt cán bộ đảng viên, quan trọng là ban hành các quy định, quy chế nhằm khơi gợi tính tự giác của cán bộ, đảng viên và để thấy rõ cái lợi, cái bất lợi khi không thực hiện đúng đủ các quy định của Đảng trong tu dưỡng, đạo đức. Nói tóm lại, đó cần là những quy định để cán bộ đảng viên không muốn làm trái, không dám làm trái. Có khung khổ pháp luật rõ ràng minh bạch, kết hợp với việc giáo dục đạo đức thường xuyên, liên tục để cán bộ ý thức được trách nhiệm của mình trước Đảng, trước Nhân dân. Bởi, vẫn theo PGS.TS Mạch Quang Thắng: “Cán bộ, đảng viên nếu đứng vị trí cao của quyền lực, nếu không như vậy, sẽ có lúc tự mình đứng trên luật pháp, tự mình cho mình cái quyền được làm những điều mà quy định không cho phép, tự mình tách ra khỏi tổ chức Đảng để trở thành ông hoàng, bà chúa, không trở thành đày tớ thật trung thành của nhân dân như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Di chúc. Những hình ảnh phản cảm đã và sẽ diễn ra hằng ngày trong con mắt của dân chúng khi những người đó không tự răn mình”.
Cùng với sự kết hợp giữa luật pháp và giáo dục đạo đức cách mạng, cũng cần tăng cường giám sát của nhân dân để kịp thời chấn chỉnh các biểu hiện lệch chuẩn của cán bộ. Bên cạnh đó, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm các quy chế, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ.
Công tác cán bộ của nhiều nhiệm kỳ cho thấy, cứ gần đến cuối nhiệm kỳ thì lại có một cuộc chạy đua ngầm theo hướng “cục bộ”, “thân quen”, “lợi ích nhóm”. Điều này dẫn đến sự mất dân chủ, thiếu gương mẫu, và tệ hại hơn, nó làm cho mỗi kỳ Đại hội trở thành một cuộc “định giá” theo kiểu “chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau” trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, thăng cấp bậc hàm, thực hiện chính sách đối với cán bộ... Nghĩa là, diễn ra một cuộc đổi chác, mặc cả để đôi bên cán bộ thì có lợi, chỉ có Đảng và Nhân dân là thiệt thòi khi phải buộc chấp nhận sự đã rồi.
Cần hoàn thiện các khung khổ pháp lý để quản lý tốt cán bộ đảng viên, quan trọng là ban hành các quy định, quy chế nhằm khơi gợi tính tự giác của cán bộ, đảng viên và để thấy rõ cái lợi, cái bất lợi khi không thực hiện đúng đủ các quy định của Đảng trong tu dưỡng, đạo đức. Nói tóm lại, đó cần là những quy định để cán bộ đảng viên không muốn làm trái, không dám làm trái.