Mỗi xã, phường một sản phẩm - nhìn từ Quảng Ninh

Nhã Phương - Lê Na 18/08/2019 07:30

Chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) đã được cấp ủy, chính quyền và MTTQ các cấp tỉnh Quảng Ninh thực hiện có hiệu quả; góp phần khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế vùng nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân.

Mỗi xã, phường một sản phẩm - nhìn từ Quảng Ninh

Nhân rộng chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Quảng Ninh.

Chủ động tham gia OCOP

Với đặc điểm là địa phương đầu tiên trong cả nước được chọn thí điểm chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” nên thời gian đầu tỉnh Quảng Ninh gặp khá nhiều khó khăn. Để triển khai chương trình bảo đảm hiệu quả, tránh những lãng phí không cần thiết, Quảng Ninh đã cử những cán bộ chủ chốt dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu các chuyên đề quốc tế về phong trào OCOP tại các nước khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Phi… Đồng thời, tỉnh cũng tổ chức đoàn công tác học tập kinh nghiệm của Nhật Bản, Thái Lan; nghiên cứu, xem xét, đánh giá hiệu quả các chương trình hỗ trợ sản xuất, các chính sách hiện hành, hiệu quả của các mô hình đã triển khai tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, bám sát đặc điểm của địa phương thực hiện chương trình OCOP, tỉnh Quảng Ninh đã xác định 2 đối tượng quan trọng là sản phẩm và tổ chức, trong đó tập trung vào HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chương trình OCOP được xây dựng theo hướng tạo thuận lợi để các chủ thể sản xuất có sự chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, xúc tiến thương mại.

Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQ, Trưởng ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Quảng Ninh - cho biết, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh được triển khai thường xuyên, liên tục, gắn với sự đổi mới, khác biệt của mỗi vùng miền, từng địa phương; phát huy vai trò chủ thể của doanh nghiệp, người dân dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành, định hướng, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền và sự chủ động vào cuộc của MTTQ, các đoàn thể nhân dân. Chính vì vậy, 10 năm triển khai CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh đã luôn gắn kết chặt chẽ với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và lợi thế đặc trưng của từng địa phương trong tỉnh để phát triển du lịch, dịch vụ trở thành khu vực kinh tế quan trọng hàng đầu của tỉnh.

Quảng Ninh có đường biên giới đất liền và trên biển với nước bạn, nguy cơ hàng hóa thẩm lậu qua đường biên giới khá cao nếu không có sự quản lý tốt. Trong xu hướng hội nhập quốc tế, cũng như các địa phương khác trong cả nước, phần lớn người tiêu dùng Quảng Ninh đã được tiếp cận dễ dàng hơn với nhiều mặt hàng ngoại, có mẫu mã đa dạng, chất lượng tin cậy, phù hợp với thị hiếu và thỏa mãn được tâm lý “ưa chuộng hàng ngoại”. Tuy nhiên, xu hướng trên chỉ phổ biến với bộ phận người tiêu dùng có điều kiện kinh tế, có thu nhập cao. Với đặc thù ở Quảng Ninh, một bộ phận người dân ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo điều kiện kinh tế còn khó khăn, vẫn phải tìm đến các nguồn hàng giá rẻ trôi nổi trên thị trường, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ để sử dụng. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất tại địa phương lại chưa thực sự quan tâm đến chất lượng, mẫu mã, giá thành sản phẩm nên chưa thu hút được người tiêu dùng.

Trước tình hình đó, tỉnh đã gắn CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh do Trung ương chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều giải pháp tích cực, trong đó đầu tư xây dựng chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Với mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế ở các địa bàn xã, phường, thị trấn góp phần tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Quảng Ninh đi theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; thông qua việc phát triển sản xuất tại địa bàn nông thôn góp phần tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho nhân dân, hạn chế di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội.

Ông Nguyễn Văn Hưởng nhấn mạnh: “Đặc biệt, Quảng Ninh đã thành công trong việc phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia triển khai, nhân rộng chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Với vai trò là tổ chức đại diện cho đối tượng trực tiếp tham gia sản xuất ra sản phẩm OCOP, các tổ chức trong MTTQ đã tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; tập trung quan tâm hỗ trợ đoàn viên, hội viên, nhân dân trong chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Phối hợp chặt chẽ với các ngành nông nghiệp, khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp tổ chức phổ biến, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, hiệu quả trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, bảo quản, chế biến nông sản, kỹ thuật vận hành các loại máy nông nghiệp... Ngoài ra, các tổ chức còn chủ động phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Ninh và trên 30 ngân hàng thương mại trên địa bàn tổ chức thành công nhiều hội nghị kết nối ngân hàng với người sản xuất, nhà nông, chủ trang trại gắn với truyền thông về OCOP”.

Chuyển biến tích cực

Ông Nguyễn Văn Hưởng cho rằng: Sau hơn 5 năm triển khai chương trình OCOP, tỉnh Quảng Ninh đã huy động trên 500 tỷ đồng để phát triển sản xuất thuộc chương trình OCOP, trong đó ngân sách tỉnh chiếm 15,8%, số còn lại là huy động các nguồn lực xã hội. Đến nay, tỉnh đã có 140 tổ chức kinh tế tham gia chương trình; phát triển được 351 sản phẩm, trong đó số sản phẩm đạt sao là 138 (có 7 sản phẩm 5 sao, 56 sản phẩm 4 sao, 75 sản phẩm 3 sao), làm chuyển biến căn bản về nhận thức của người dân, nhất là ở vùng nông thôn, trong việc thay đổi tập quán sản xuất cũ, nhỏ lẻ tự phát; nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước về thương mại trên địa bàn tỉnh, tạo sự chuyển biến căn bản và thực chất trong công tác quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ người sản xuất kinh doanh hàng Việt Nam.

Các doanh nghiệp sản xuất cũng không ngừng nỗ lực để nâng cao chất lượng hàng hóa, hạ giá thành, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời đổi mới các giải pháp nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu. Trong đó, các doanh nghiệp tập trung nghiên cứu để thiết kế dòng sản phẩm đặc trưng nhất mà thị trường không có và xây dựng thương hiệu cho từng sản phẩm; nghiên cứu chất liệu, nguyên liệu phù hợp với thị trường để vừa giảm được chi phí nguyên liệu đầu vào, lại vừa tạo ra các sản phẩm giá trị cao; ứng dụng khoa học công nghệ, tăng tính chuyên nghiệp trong sản xuất để tăng năng suất.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh còn tăng cường tổ chức cho các doanh nghiệp, HTX, cá nhân tham gia trên 100 hội chợ. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 29 trung tâm, cửa hàng, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trong số đó hiện có 10/29 điểm bán hàng OCOP được hỗ trợ từ ngân sách, còn lại đều do các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hệ thống trung tâm, cửa hàng, điểm giới thiệu sản phẩm OCOP.

Theo ông Hưởng: “Để thực hiện tốt hơn CVĐ, Ban chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cấp Trung ương cần nghiên cứu tên gọi của CVĐ cho phù hợp với xu thế hiện nay, bởi hàng Việt không chỉ có người Việt dùng mà nhiều du khách quốc tế đến với Việt Nam cũng ưa chuộng, sử dụng hàng Việt. Có thể lấy tên “Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng”?

Thời gian tới tỉnh Quảng Ninh rất cần sự quan tâm của Trung ương để tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo lập môi trường thực sự thuận lợi cho phát triển chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Trong đó, Quảng Ninh hướng mạnh vào việc tháo gỡ khó khăn về chính sách đất đai, tín dụng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn đồng thời, ưu tiên các giải pháp thiết thực về khoa học công nghệ, thị trường để các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia OCOP có điều kiện thuận lợi nhất trong phát triển sản xuất, mở rộng thị trường và nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội” - ông Hưởng chia sẻ.

Nhã Phương - Lê Na