Chuẩn cho sữa học đường
Chương trình quốc gia sữa học đường đã chính thức triển khai tại 15 tỉnh, thành phố trên cả nước. Dù Bộ Y tế đã có nhiều cuộc họp lấy ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng và doanh nghiệp, song việc bổ sung thêm bao nhiêu vi chất dinh dưỡng vào sữa học đường để đem lại sự phát triển tốt nhất cho học sinh đến nay vẫn chưa có văn bản quy định chính thức nào, dẫn đến việc mỗi địa phương thực hiện một kiểu.
Từ những nghiên cứu và thực tiễn triển khai ở nhiều nước trên thế giới đã chứng minh, chương trình sữa học đường là một trong những yếu tố quan trọng giúp giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng, tăng chiều cao của trẻ em. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai ở các địa phương trong cả nước, câu hỏi đặt ra là căn cứ vào đâu để lựa chọn chính xác loại sữa nào đáp ứng tốt cho nhu cầu phát triển của trẻ?
Đơn cử như tại Hà Nội, chương trình sữa học đường đã chính thức triển khai từ ngày 2/1/2019 với gần 90% học sinh mầm non và tiểu học tham gia. Trong đó, theo thông tin in trên vỏ hộp sữa học đường tại Hà Nội, sản phẩm được bổ sung 14 vi chất và có hạn sử dụng là 8 tháng.
Tại tỉnh Khánh Hòa, theo Quyết định số 3298/QĐ-UBND về việc ban hành đề án cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần phát triển thể lực, tầm vóc người Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020, loại sữa học đường được lựa chọn là sữa dinh dưỡng tiệt trùng có đường 180 ml (110ml) với thành phần gồm: nước, sữa bột, đường tinh luyện, chất béo sữa, dầu thực vật, chất ổn định, hương liệu tổng hợp dùng cho thực phẩm, khoáng chất, vitamin.
Tương tự, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và tỉnh Hà Nam, loại sữa học đường được lựa chọn cũng là sữa tiệt trùng có đường 110 ml/hộp và 180 ml/hộp, thời gian sử dụng 6 tháng...
Như vậy, so với sữa học đường của Hà Nội, sữa học đường của Khánh Hòa, Hà Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu... không có thêm 14 vi chất và hạn sử dụng là 6 tháng.
Chọn sữa tiệt trùng, sữa dinh dưỡng tiệt trùng, hay sữa tươi nguyên chất của nhà thầu nào là câu chuyện riêng của mỗi địa phương. Đặc biệt, việc quyết định bổ sung thêm 14 vi chất vào sữa học đường của Hà Nội đến nay mặc dù đã triển khai được một học kỳ nhưng vẫn còn những quan điểm trái chiều, chưa thể đồng thuận.
Nếu căn cứ trên các văn bản quy định về sữa học đường từ phía Bộ Y tế hiện mới dừng lại ở Quyết định số 5450 về Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường. Trong các văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Chương trình sữa học đường, Bộ Y tế nhấn mạnh, về nguyên liệu phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Nguyễn Đức Vinh-Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) cho biết: Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng và ban hành các quy định hướng dẫn về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình không phải ban hành quy chuẩn. Thế giới và Việt Nam đều không có quy chuẩn sữa tươi. Việt Nam đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng (QCVN 5-1: 2010/BYT) và Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5450 như đã đề cập.
Như vậy, việc lựa chọn sữa học đường của các địa phương cần căn cứ theo Quyết định số 5450 của Bộ Y tế và Quyết định số 1340/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ, trong đó yêu cầu sữa học đường cần đáp ứng 30% nhu cầu sắt, Vitamin D, canxi thêm của trẻ đến năm 2020.
Quy định là vậy, nhưng từng địa phương lại có những lựa chọn khác nhau. Mới đây, chính đại diện của Bộ Y tế cũng thừa nhận cơ quan này đang “loay hoay” với quyết định bổ sung 3 hay 21 hay 18 vi chất vào sữa học đường. Bởi việc bổ sung bao nhiêu vi chất cần phải dựa trên các nghiên cứu khoa học, ý kiến của doanh nghiệp, các nhà khoa học, làm sao để khi ban hành quy định đảm bảo tính khả thi, tính thực tiễn, phù hợp quốc tế.
Trở lại với các địa phương, khi Bộ chưa ban hành quy chuẩn sữa học đường đã đưa vào thực hiện thì cơ sở nào để đảm bảo đó là sự lựa chọn tốt nhất cho sự phát triển của hàng triệu học sinh tham gia chương trình sữa học đường? Nhất là khi có ý kiến lo ngại việc bổ sung vi chất vào sản phẩm sữa tươi vốn đã giàu vitamin và khoáng chất cần có các nghiên cứu đối chứng lâm sàng hết sức thận trọng, nếu không sẽ gây dư thừa hoặc có các ảnh hưởng không mong muốn đối với sức khỏe trẻ em.
Thận trọng nhưng cũng cần kịp thời là mong muốn chính đáng của xã hội đối với việc Bộ Y tế sớm ban hành quy chuẩn sữa học đường để các địa phương có cơ sở thực hiện, các cơ quan quản lý, xã hội và người dân có thể giám sát. Nếu để mỗi nơi thực hiện một kiểu như hiện nay, mục đích cao nhất của chương trình sữa học đường là đem lại cho hàng triệu học sinh Việt Nam những ly sữa đảm bảo an toàn và chất lượng, giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng cũng như tầm vóc thể lực theo đúng Quyết định của Thủ tướng sẽ khó đạt hiệu quả.