Đồ uống trong cuộc cạnh tranh

Thanh Giang 20/08/2019 08:00

Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, bình quân một người Việt Nam tiêu thụ trên 23 lít nước giải khát mỗi năm. Dự kiến, vào năm 2020 Việt Nam sẽ nằm trong top 3 quốc gia châu Á có tỷ lệ tăng trưởng ngành đồ uống cao nhất.

Đồ uống trong cuộc cạnh tranh

Thị trường đồ uống phong phú và đa dạng nước ngọt, nước trái cây.

Nhận thức rõ thị trường tiềm năng cho sản phẩm đồ uống, vì vậy nhiều sản phẩm đồ uống từ nước ngoài liên tục thâm nhập vào Việt Nam. Đối với mặt hàng đồ uống có cồn, bia ngoại lấn át hẳn về số lượng, nổi trội về mẫu mã. Sản phẩm bia từ các nước châu Á đến châu Âu thi nhau hội tụ. Riêng bia, phải kể đến Weidmann, Beck (Đức); Bỉ có bia Leffe nâu, Hoegaarden; bia Hàn Quốc là Hite, OB; bia Royal Dutch (Hà Lan); Peroni (Ý), Cooper Pale Ale (Úc); Asiha (Nhật Bản), Singha (Thái Lan…

Theo các nhà đầu tư nước ngoài, lượng chi tiêu cho đồ uống có cồn ở Việt Nam vượt xa so với đồ uống không cồn, trong đó sản phẩm bia là chủ yếu. Đồ uống lên men, rượu vang tăng trưởng nhanh cũng phản ánh thị hiếu của khách hàng ngày càng đa dạng.

Nằm trong thức uống, dòng nước trái cây nhập khẩu cũng đang chiếm lĩnh thị trường, với nước nho, táo từ Tây Ban Nha, Thái Lan, Malaysia… Hay là Soda Sangaria Nhật vị dưa lưới, Soda Welch’s Mỹ vị trái cây, hồng sâm Hàn Quốc… Đáng chú ý, Việt Nam nổi tiếng với xứ sở dừa tươi nhưng đến thời điểm này lại đang nhập khẩu nước dừa đóng hộp của Indonesia và Thái Lan.

Như vậy, thời gian qua ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam là một trong những ngành tăng trưởng nhanh nhất, đạt trung bình 16,1% kể từ năm 2016 đến nay.

Trước làn sóng thâm nhập thị trường của nước giải khát ngoại nhập, DN nội buộc phải vào thế cạnh tranh. Nhằm thắng thế trong cuộc so găng gay gắt, nhiều DN đồ uống trong nước đã lựa chọn sự khác biệt, thị trường ngách để phát triển. Theo một sô schur DN đồ uống, điều quan trọng DN trong nước cần đưa ra thị trường sản phẩm tốt nhất tới người tiêu dùng. Ghi nhận trên thị trường cho thấy, nước giải khát trái cây đang bùng nổ với các loại như nước trái cây cam, chanh, nho, yến nha đam,… được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Đa phần người tiêu dùng cho rằng, họ rất quan tâm và sẵn sàng chi trả sản phẩm tốt cho sức khỏe, nguồn gốc từ thiên nhiên chứ không phải nước ngọt có ga. “DN nào chú trọng đến những sản phẩm gắn liền với thiên nhiên, an toàn cho sức khỏe sẽ được người tiêu dùng đón nhận”- bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ.

Cũng về vấn đề này, ông Ramesh Anand- Chủ tịch Hội DN Ấn Độ tại Việt Nam cho rằng: Việt Nam là quốc gia với nền nông nghiệp nhiệt đới có thể cung cấp nhiều loại nguyên liệu cho ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống trong nước. Ngoài ra, chiến dịch quảng bá, tiếp thị được triển khai trong những năm gần đây giúp các nhà sản xuất trong nước quảng bá thương hiệu và củng cố chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường nội địa.

Thống kê của ngành công thương cho biết, hiện cả nước có hơn 1.800 DN hoạt động trong lĩnh vực nước giải khát. Những năm gần đây, ngành đồ uống Việt Nam đã đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, tạo ra gần nửa triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp. Tuy nhiên, trước áp lực đến từ bên ngoài, ngành đồ uống trong nước cần chủ động hơn nữa để giữ vững và mở rộng thị phần ngay trên sân nhà.

Thanh Giang