Khuyến học ở đất học
Tham luận về công tác khuyến học tại Đại hội MTTQ tỉnh Nam Định mới đây, ông Nguyễn Phú Hậu, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh đã mượn và “ngâm” hai câu thơ của thi sỹ Nguyễn Bính (người con quê hương) để khái quát về tinh thần hiếu học của người Nam Định: “Nhà ta quý chữ hơn vàng/Coi tài hơn cả giàu sang trên đời”. Khi ông “ngâm” thơ cũng là lúc báo chí đồng loạt đăng tải thông tin thí sinh Nam Định đứng đầu cả nước về kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019...
Trò chuyện với ông Nguyễn Phú Hậu, chúng tôi được hiểu rõ hơn truyền thống hiếu học, đỗ đạt, thành tài của người Nam Định. Theo thống kê của Hội, từ năm 1075 đến 1919, các triều đại phong kiến Việt Nam đã tổ chức tổng cộng 183 khóa thi cấp đại khoa để chọn hiền tài. Trong các cuộc thi ấy, tỉnh Nam Định ngày nay có tới 88 người thi đỗ. Trong đó, Nguyễn Hiền (người xã Nam Thắng-huyện Nam Trực ngày nay) được cho là người đầu tiên trong lịch sử khoa bảng phong kiến Việt Nam thi đỗ Trạng Nguyên, lại thi đỗ khi mới có 13 tuổi. Trong tâm thức người Nam Định, tên tuổi các vị Trạng nguyên Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Trần Bích San, Trần Văn Bảo, Đào Sư Tích... luôn hiện hữu, nhắc nhớ về sự quan trọng, cần thiết của việc phải nỗ lực học hành.
Theo ông Nguyễn Phú Hậu, nhân kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội khuyến học tỉnh đã về Hà Nội, tổ chức Lễ báo công, dâng bác, trong đó đã lựa chọn, báo cáo 100 điển hình về hiếu học và khuyến học ngày nay của tỉnh. Đọc những thông tin về 100 điển hình này, thật sự thấy khâm phục tinh thần, nỗ lực học tập và thành quả đỗ đạt của các gia đình, dòng họ, cộng đồng làng, xã ở Nam Định. Có những gia đình như gia đình ông Vũ Trọng Nguyên ở thôn Đỗ Xá, xã Điền Xá (Nam Trực) nuôi dạy 4 người con thành Tiến sỹ. Có những dòng họ như họ Trần ở xã Hải Phúc (Hải Hậu) có 1 người có học hàm Phó Giáo sư, 5 người có học vị Tiến sỹ, 28 người là Thạc sỹ, 181 người có bằng cử nhân, 1 người là Nhà giáo Nhân dân, 2 người được phong Nghệ sỹ ưu tú, 2 người được phong Thầy thuốc ưu tú. Dòng họ không có hộ nghèo, quỹ khuyến học của dòng họ có hơn 200 triệu đồng. Có những làng như Làng Cố Bản, xã Đại Thắng (Vụ Bản) có 1 Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, 19 Tiến sỹ, 7 Thạc sỹ, hàng trăm cử nhân, hàng chục doanh nhân thành đạt. Quỹ khuyến học của làng có tới hơn 800 triệu đồng. Nổi danh, rạng rỡ nhất là làng Hành Thiện ở xã Xuân Hồng (Xuân Trường). Không kể thời phong kiến, ở thời hiện đại, tính đến nay làng có tới 204 người có học hàm, học vị Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ. Có 3 người được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh (Giáo sư Vũ Khiêu, Giáo sư Đặng Văn Hỷ, Tiến sỹ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thụ).
Nhớ lại lần được trò chuyện cùng thầy giáo Nguyễn Đăng Hùng, Trưởng Ban Khuyến học của làng Hành Thiện, ông lý giải sở dĩ thời nào khoa danh ở Hành Thiện cũng rạng rỡ là vì trong làng có tư tưởng trọng chữ hơn trọng giàu, trọng người đỗ đạt hơn người làm quan. Lo nghèo chữ nên cả làng ai cũng học, coi học là nghề bên cạnh nghề làm ruộng và dệt vải. Đã học, ai cũng quyết tâm! Có những người như ông Nguyễn Trọng Trù cảnh nhà hàn vi, nhờ tranh thủ học trong những lúc đi cày, đi bừa, giã gạo mà đỗ tú tài năm 19 tuổi, đỗ cử nhân năm 25 tuổi. Đã theo, theo đến cùng! Ví như ông Nguyễn Đăng Thiện, đỗ tú tài năm 19 tuổi nhưng vẫn miệt mài theo đuổi đèn sách đến tận năm 60 tuổi để thi đỗ cử nhân; ông Đặng Vũ Trường 4 lần đi thi chỉ đỗ tú tài vẫn không nản, quyết tâm theo đuổi đến năm 53 tuổi thì đỗ cử nhân, được bổ nhiệm làm tri huyện rồi vẫn ham học để đi thi nhưng theo quy định ngày ấy làm quan rồi thì không được phép dự thi, ông sẵn sàng từ quan để đến năm 64 tuổi tiếp tục xách bút nghiên đi thi hội. Những tấm gương hiếu học như vậy ở Hành Thiện kể không hết được. Khi đỗ đạt rồi, người trước quay lại dạy người sau. Ông dạy bố, bố dạy con, con dạy cháu… cứ thế tiếp nối. Có một chuyện sử làng vẫn lưu truyền: Ông Đặng Xuân Bảng (ông nội đồng chí Trường Chinh) nhà nghèo không có tiền theo học thầy, chỉ học cha là Đặng Viết Hoè mà đỗ Tiến sỹ năm 29 tuổi. Khi dự yến vua ban, được vua Tự Đức hỏi học ai, ông tâu chỉ học cha mình, vua cảm phục ban cho bố ông bốn chữ “Giáo tử đăng khoa” (Dạy con thi đỗ). Như một dòng chảy không ngừng nghỉ, truyền thống hiếu học, trọng chữ, trọng hiền tài của cha ông được thế hệ người Hành Thiện hôm nay trân trọng, lưu truyền, không ngừng phát huy trong thời đại đất nước đổi mới, hội nhập...
Chia sẻ về hoạt động khuyến học ở tỉnh, ông Nguyễn Phú Hậu cho rằng ngoài thuận lợi về truyền thống hiếu học của quê hương, công tác khuyến học ở Nam Định còn có nhiều thuận lợi khác, trong đó Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách về công tác này, đặc biệt chủ trương xây dựng xã hội học tập đã và đang ngày càng thấm sâu, lan tỏa với tinh thần “mọi người làm giáo dục, giáo dục cho mọi người”. “Liên quan đến chủ trương này, Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành tới 6 văn bản để chỉ đạo. Chương trình thống nhất hành động từng nhiệm kỳ và từng năm giữa MTTQ tỉnh và Hội Khuyến học, giữa Hội Khuyến học và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận, việc phối hợp phát động, triển khai các phong trào, hoạt động khuyến học luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng. Đây là những nền tảng, cơ sở quan trọng giúp phong trào khuyến học ở Nam Định luôn phát triển”, ông nhìn nhận.
Theo đó, Hội Khuyến học tỉnh Nam Định là hội cấp tỉnh được thành lập sớm nhất cả nước (ngày 12/3/1997), chỉ sau khi Hội Khuyến học Việt Nam thành lập khoảng 5 tháng. Toàn tỉnh có 229 xã, phường, thị trấn, 10 huyện, thành phố nhưng đến tháng 6/2019 đã thành lập, duy trì hoạt động 244 Hội khuyến học (gồm cả các hội trong các trường ĐH, CĐ trên địa bàn), với 5.385 chi hội, 5.984 Ban khuyến học. Hội viên Hội khuyến học các cấp hiện chiếm tới 24,9 % dân số toàn tỉnh. Ngoài xây dựng, phát triển mô hình “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ khuyến học”, nhiều năm qua, tỉnh Nam Định có sáng kiến và tập trung thực hiện xây dựng mô hình Cụm dân cư, thôn, làng, tổ dân phố, trường học, nhà chùa, xứ họ đạo khuyến học. Với những mô hình rộng khắp này, chăm lo việc học hành của con em không chỉ là việc riêng của các gia đình, nhà trường mà đúng nghĩa là của toàn xã hội...
Ông Vũ Trọng Nguyên, thôn Đỗ Xá (Điền Xá-Nam Trực)-người cha của 4 Tiến sỹ, 1 trong 100 điển hình hiếu học ở Nam Định mới đây được Hội Khuyến học tỉnh báo công dâng Bác- chia sẻ rằng: từ năm 1995, với mục đích động viên, hỗ trợ con em học hành, dòng họ Vũ của ông đã thành lập Ban khuyến học để thực hiện việc ý nghĩa này. Từ nguồn đóng góp của các hộ gia đình, mấy chục năm qua, họ Vũ duy trì nền nếp: cứ vào dịp giỗ tổ 21-6 Âm lịch hằng năm con cháu xa gần lại tề tựu. Sau các nghi lễ tri ân, tưởng nhớ tổ tiên cả họ cùng thực hiện việc biểu dương, khen thưởng con em có thành tích trong học tập. Phần thưởng không nhiều, chỉ là mươi cuốn vở viết, một hai trăm ngàn nhưng rất có ý nghĩa trong việc động viên con em trong họ học hành, phấn đấu; nhắc nhở các gia đình trong họ bên cạnh việc làm kinh tế phải quan tâm, chăm lo việc học hành của con em. “Qua hoạt động khuyến học anh em, con cháu trong họ đoàn kết, gắn bó hơn. Nền nếp gia phong, tôn ti trật tự, truyền thống trên kính dưới nhường của dòng họ nhờ vậy được giữ gìn”, ông Nguyên chia sẻ.
Báo cáo tại Đại hội MTTQ tỉnh mới đây, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nguyễn Phú Hậu nêu lên những con số thật ấn tượng. Theo đó, tính đến nay, Quỹ khuyến học toàn tỉnh đạt hơn 168 tỷ đồng, bình quân số quỹ khuyến học trên đầu người đạt hơn 90.000 đồng/người, cao nhất cả nước về tổng số quỹ và số quỹ bình quân đầu người, trong đó có 157 đơn vị khuyến học có số quỹ từ 100 triệu đồng đến 4 tỷ đồng. Trong nhiệm kỳ, toàn tỉnh đã vận động, quyên góp để khen thưởng, giúp đỡ con em đạt thành tích cao, con em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập với tổng số tiền gần 95 tỷ đồng, trong đó riêng tỉnh hội đã trao 11,5 tỷ đồng và 5000 chiếc xe đạp. Đặc biệt, nhiều năm qua, tỉnh duy trì hoạt động Quỹ khuyến học-khuyến tài Lương Thế Vinh (do UBND tỉnh trực tiếp quản lý), với hoạt động ý nghĩa phối hợp tổ chức tuyên dương, khen thưởng học sinh, thầy cô giáo trong toàn tỉnh đạt thành tích cao trong dạy và học trước thềm năm học mới...
Nói về hoạt động khuyến học ở địa phương, ông Đoàn Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định chia sẻ: “Mặt trận chủ trì hiệp thương, thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên. Mặt trận chỉ mạnh khi các tổ chức thành viên mạnh, phối hợp hành động hiệu quả. Rất mừng là trong mái nhà chung Mặt trận Nam Định, Hội khuyến học tỉnh luôn là một tổ chức vững mạnh về mọi mặt. Qua nhiều hoạt động thiết thực, Hội thực sự là nòng cốt, đưa phong trào khuyến học của tỉnh phát triển rộng khắp; góp phần quan trọng duy trì truyền thống hiếu học cũng như phát triển sự nghiệp giáo dục ở địa phương. Trên hết là góp phần củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết để chung sức thực hiện các mục tiêu chung của tỉnh”.