Điểm tựa của người nghèo

Hữu Vinh-Nguyễn Quốc 21/08/2019 08:00

Gần 40 năm qua, các thành viên trong Ban Chung sự Hiếu đạo Giáo xứ chính tòa Phủ Cam (thuộc Tổng giáo phận Huế),vẫn âm thầm thực hiện những nghĩa cử cao đẹp tại TP Huế, chia sẻ gánh nặng với những gia đình gặp cảnh sinh ly tử biệt.

''Biết khóc với người khóc"

Bất kể trời nắng hay mưa, khi hay tin có người vừa qua đời dù là giáo dân hay lương dân, nếu gia đình cần sự giúp đỡ, các thành viên trong Ban chung sự Hiếu đạo sẵn sàng chung tay cùng với gia đình để lo hậu sự cho người đã khuất một cách chu toàn nhất có thể.

Có những ngày, ông Phạm Văn Kết Trưởng ban Chung sự Hiếu đạo nhận được thông tin từ người thân vừa qua đời ở phường Phước Vĩnh, TP Huế muốn cậy nhờ Ban Chung sự Hiếu đạo giúp đỡ, ông Kết liền thông báo ngay cho phụ trách một phiên khác trong Ban tập hợp anh em đến nắm tình hình, cũng như phối hợp với gia đình để dựng rạp, chuẩn bị các vật dụng cần thiết để lo tang ma theo đúng phong tục truyền thống của địa phương, mà không một chút nề hà.

Với các thành viên trong Ban, việc chung tay, giúp đỡ những gia đình khó khăn trong lúc khốn khó, tang thương không chỉ thể hiện tình cảm tương thân tương ái mà còn là“trách nhiệm”của người ở lại đối với người đã khuất.

Ban Chung sự Hiếu đạo hiện có trên 400 thành viên, được chia làm 6 phiên, mỗi phiên có 60-70 người chuyên lo hậu sự cho người quá cố trong giáo xứ. Riêng phiên 7 có khoảng 64 người, là những thành viên của các phiên kia tình nguyện tham gia. Phiên 7 này chuyên lo việc phục vụ tống táng cho những gia đình lương dân hoặc cả những gia đình cán bộ công chức có hoàn cảnh khó khăn tại Thừa Thiên-Huế. Có những gia đình lương dân cũng thấy được việc làm đầy tinh thần trách nhiệm và đầy nhiệt thành của Ban Chung sựHiếu đạo nên đã xin tham gia.

Hầu hết các thành viên trong Ban Chung sự đều là những lao động chính trong nhà, hằng ngày họ làm đủ mọi công việc như kéo xe ba gác, phụ hồ, làm thuê…song họ vẫn âm thầm làm những công việc thiện nguyện với phương châm:“Biết khóc với người khóc, chia sẻ gánh nặng cho những gia đình gặp cảnh tang sầu tử biệt”.

Xây dựng tình đoàn kết

Sau ngày đất nước thống nhất, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn bởi chiến tranh tàn phá. Nhiều gia đình càng trở nên khốn khổ hơn khi trong nhà có người thân qua đời, bởi sẽ tốn rất nhiều khoản chi phí như âm công, quan tài, xe tang...

Nhìn thấy được điều ấy, cố linh mục Phaolô Nguyễn Kim Bính- Tổng đại diện Tổng Giáo phận Huế, Quản xứ Chính tòa Phủ Cam, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Trị Thiên lúc bấy giờ, đã cùng với Hội đồng Giáo xứ bàn bạc và quyết định thành lập Ban Chung sự Hiếu đạo (vào năm 1982), chuyên lo việc khâm liệm và chôn cất người chết không vụ lợi và không nhận bất kì một khoản chi phí nào.

Không những thế, Giáo xứ chính tòa Phủ Cam còn kêu gọi mỗi gia đình trong giáo xứ đóng góp 2.000 đồng khi có người chết, để giúp cho mỗi tang gia 2 triệu đồng.Vàothời điểm đó, số tiền ấy đủ để mua được quan tài, giải quyết khâu đầu tiên cho tang gia.

Cụ Mathêô Nguyễn Đình Lục- nguyên Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Phủ Cam, một trong những thành viên đầu tiên của Ban chung sự Hiếu đạo kể rằng, mỗi khi đưa tang,thường từ 3 giờ sáng, anh em Chung sự viên đã gọi nhau dậy để đi phục vụ, mỗi người sử dụng một cây đuốc bằng lốp xe đạp cũ để soi đường. Có những đám tang khi đưa ra nghĩa trang gặp lúc trời mưa bão, đường đi trơn trượt, lại phải leo dốc rất khó đi nhưng anh em trong Ban Chung sự đều động viên nhau cố gắng làm sao cho mọi việc được chu toàn nhất có thể.

Linh mục An tôn Nguyễn Văn Tuyến chia sẻ: “Tuy cuộc sống của đồng bào Công giáo ở Giáo xứ chính tòa Phủ Cam còn nhiều khó khăn, song công việc phục vụ thiện nguyện của anh em Chung sự hiếu đạo Giáo xứ Phủ Cam vẫn luôn được duy trì với mong muốn được chia sẻ phần nào nỗi khổ của bà con lương giáo bạn nhằm xây dựng tình đoàn kết tốt đời, đẹp đạo trên mảnh đất xứ Huế này”.

Hữu Vinh-Nguyễn Quốc