Cây mới trên đất Mộc Châu
Vào độ này, người Mộc Châu (Sơn La) lại bước vào thu hoạch bơ. Đã nhiều năm qua, cây bơ bén rễ trên mảnh đất thảo nguyên này, cho năng suất cao, chất lượng thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng. Trái bơ Mộc Châu đã khẳng định được thương hiệu, mang lại nguồn thu không nhỏ cho người dân.
Bơ sáp - một loại bơ được thị trường đón nhận.
Ở tiểu khu Pa Khen 1, thị trấn Nông trường Mộc Châu, cách đây chừng 10 năm, nhiều hộ gia đình đã bắt đầu trồng bơ- loại cây mới mẻ đối với vùng đất này. Tuy là loài cây “lạ”, nhưng bơ đã nhanh chóng bén rễ với Mộc Châu. Bởi vùng đất này có khí hậu mát mẻ, ôn hòa, không quá nóng mà cũng không quá lạnh. Với khoảng 1 ha đất trồng cây bơ, mỗi năm có thể thu về được 200 triệu đồng. Cùng với cây mận hậu, cây bơ đã dần trở thành cây chủ lực đối với bà con nơi đây.
Tại Hợp tác xã hoa quả Thành Đạt (xã Chiềng Hắc, Mộc Châu), tới nay cây bơ cũng đã quen thuộc cùng với cùng với xoài, nhãn, bưởi, hồng giòn. Được biết hiện hợp tác xã trồng hơn 80 ha cây ăn quả các loại, trong đó có trên 20 ha trồng cây bơ (4 ha đã cho thu hoạch). Mùa bơ năm nay, dự kiến thu 100 tấn quả. Với giá bán trên thị trường hiện nay dao động từ 20-35 nghìn đồng/kg, người trồng sẽ có thu nhập khá.
Cây bơ vốn xuất xứ từ miền Nam, nhưng lại sinh trưởng tốt ở thảo nguyên Mộc Châu. Tới nay, bơ được trồng nhiều ở thị trấn Mộc Châu, thị trấn Nông trường Mộc Châu và các xã Đông Sang, Mường Sang, Nà Mường, Hua Păng, Phiêng Luông, Tân Lập, Chiềng Hắc, Tà Lại... Từ khi bắt đều gieo hạt, hơn 4 năm sau bơ đã cho vụ thu hoạch đầu tiên. Còn nếu chiết ghép, thì chỉ hơn 2 năm là ra trái. Năm 2018, toàn huyện Mộc Châu có 386 ha bơ (khoảng 100 ha cho thu hoạch), năng suất bình quân đạt 28 tấn quả/ha, sản lượng gần 2.800 tấn quả. Năm 2019, diện tích cây bơ tăng lên 405 ha. Bơ Mộc Châu có trọng lượng trung bình từ 300-500 gam/quả, nếu chăm sóc tốt, quả bơ có thể nặng tới 1-1,2 kg/quả. Trên thị trường trong nước, nhất là với một số tỉnh thành phía Bắc, bơ Mộc Châu được ưa chuộng. Sắp tới, địa phương tìm cách xuất khẩu loại trái cây ngon lành, giàu dinh dưỡng này.
Từ việc cây bơ miền Nam bén duyên với thảo nguyên Mộc Châu ở miền núi phía Bắc, có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý khi chọn lựa, phát triển giống cây mới cho mỗi địa phương. Trước hết đó là cách nghĩ mạnh dạn, dám làm, dám thử nghiệm giống cây trồng mới. Điều đó phụ thuộc vào người làm vườn nhưng cũng phụ thuộc vào thái độ ủng hộ của chính quyền, sự vào cuộc của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp. Nhận ra nguồn lợi không khó, nhưng nếu không có cách nghĩ mới, không có sự hợp tác chặt chẽ thì cũng không thể phát triển giống cây trồng mới.
Người dân trong vùng cho biết, để một giống cây mới phát triển, trong dó có cây bơ, thì trước hết nông dân phải có vốn. Vốn ở đây phần quan trọng trông đợi vào nguồn từ ngân hàng nhà nước cho vay với lãi suất thấp. Việc thứ hai là phải được sự giúp sức của cán bộ kỹ thuật, bởi bản thân người trồng chưa hề có kinh nghiệm, cần phải được hướng dẫn, giúp đỡ trong tất cả các giai đoạn phát triển của cây. Và điều thứ ba, đó chính là việc móc nối để tìm đầu ra cho sản phẩm. Việc này, tự người trồng phải lo trước tiên, nhưng về lâu về dài rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc quảng bá, xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.