Nhiều địa phương công bố hết dịch tả lợn châu Phi

Nhóm phóng viên 20/08/2019 17:00

Sau 6 tháng xuất hiện vi rút dịch tả lợn châu Phi đầu tiên trên địa bàn tỉnh và là địa phương thứ hai xuất hiện dịch của cả nước, đến nay nhiều xã, phường, thị trấn của tỉnh Thái Bình đã công bố hết dịch. Bước đầu tỉnh đánh giá dịch bệnh đang dần được kiểm soát với trên 43% số xã hết dịch.

Nhiều địa phương công bố hết dịch tả lợn châu Phi

Cơ quan chức năng khuyến cáo bà con chưa nên tái đàn ngay thời điểm này.

Theo Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Thái Bình, đến nay toàn tỉnh có 121 xã, phường, thị trấn thuộc 6/8 huyện, thành phố công bố hết dịch. Ngoài ra, trong vòng 30 ngày qua trên địa bàn có 50 xã không phát sinh thêm lợn ốm, chết và đang trong quá trình được các ngành chuyên môn thẩm định điều kiện công bố hết dịch.

Riêng huyện Hưng Hà là địa phương xuất hiện dịch đầu tiên của tỉnh Thái Bình, dịch bệnh vẫn rải rác phát sinh tại một số xã. Hiện địa phương này mới chỉ có 13/35 xã, thị trấn công bố hết dịch.

Mặc dù công tác phòng chống, dập dịch được đánh giá có dấu hiệu khả quan song hiện nay dịch bệnh vẫn tiếp tục xuất hiện rải rác tại một số hộ chăn nuôi.

Trong ngày 6/8, tỉnh Thái Bình phát hiện thêm 11 xã phát sinh lợn ốm, chết, nghi do mắc dịch tả lợn châu Phi tại 4 huyện Vũ Thư, Hưng Hà, Tiền Hải và huyện Đông Hưng.

Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh, tỉnh Thái Bình xác định không thể lơ là công tác phòng chống dịch, ngay cả những xã đã công bố hết dịch cũng không chủ quan vì vi rút dịch tả lợn châu Phi vẫn còn lưu hành trong môi trường, nguy cơ tái phát dịch rất cao. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết nắng nóng bất thường, người chăn nuôi cần tiếp tục chủ động, duy trì các biện pháp vệ sinh chuồng trại và tăng sức đề kháng cho đàn lợn, hạn chế nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, thời điểm này dịch bệnh đã được kiểm soát tại nhiều địa phương và có xu hướng giảm mạnh tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tại các trang trại chăn nuôi tập trung, dịch bệnh phát sinh rải rác với số lượng rất ít và nhanh chóng được khống chế. Tuy nhiên, sau 6 tháng hoành hành, dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi của tỉnh Thái Bình với tổng số lợn tiêu hủy trên 371.400 con, tổng trọng lượng trên 18.537 tấn.

Còn tại Tiền Giang, theo Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu - Phó Chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh, tính tới thời điểm hiện tại, tỉnh đã tiêu hủy gần 69 nghìn con lợn mắc dịch tả lợn châu Phi với khối lượng trên 4.500 tấn.

Tình hình diễn biến dịch tả lợn châu Phi diễn biến khá nhanh, kể từ khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận trên 2.800 hộ có lợn mắc bệnh với tổng đàn gần 87 nghìn con tại 88 xã của 10/11 huyện, thành, thị.

Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn diễn biến khá phức tạp bởi hoạt động vận chuyển, giết mổ, mua bán lợn và sản phẩm từ lợn tạo nhiều đường lây nhiễm virus dịch. Cùng với đó, việc sử dụng nguồn nước mặt sông, kênh rạch để chăn nuôi, các điểm tắm lợn dọc theo các tuyến đường chưa quản lí thực sự tốt cũng dẫn đến tình trạng dịch lây lan, phát sinh nhanh chóng.

Để quyết liệt phòng, chống dịch, tỉnh Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhằm nâng cao nhận thức của người dân, không giấu dịch, không vứt xác lợn ra kênh, rạch, nguồn nước.

Nhóm phóng viên