Cẩm Thủy (Thanh Hóa): Cuộc sống người dân ngày càng nâng cao
Trước đây, cuộc sống của nhiều người dân tại huyện miền núi Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn do tập quán sản xuất nông nghiệp lạc hậu, giá thành sản phẩm nông nghiệp luôn bấp bênh.
Người Dao ở xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy tăng gia sản xuất để nâng cao thu nhập.
Ông Hà Thanh Sơn - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Thủy cho biết, để khắc phục tình trạng này, huyện miền núi Cẩm Thủy đã vận động người dân thực hiện mô hình phát triển kinh tế trang trại và sản xuất các loại thực phẩm an toàn.
Anh Đặng Xuân Đô, thôn Trường Ngọc, xã Cẩm Sơn cho biết, năm 2013, anh quyết định phát triển kinh tế bằng cách xây dựng mô hình trang trại nuôi ong sạch kết hợp trồng cây hái quả, trồng rừng. Khi mới vào nghề, anh gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn không có nhiều anh phải vay vốn ngân hàng, người thân. Sau đó, anh xây dựng mô hình nuôi ong lấy mật theo hướng sản xuất thực phẩm an toàn.
Để các đàn ong phát triển tốt, anh đã tìm hiểu các kỹ thuật mới về nuôi ong lấy mật, do nghề này chủ yếu dựa vào thiên nhiên nên phải thực hiện theo đúng quy trình, nắm vững các kĩ thuật nuôi, chăm sóc và sự di chuyển, ăn, xây tổ, chia đàn của ong. Đồng thời, anh cũng luôn vệ sinh thùng nuôi ong bởi đây là khi các loài cây ra hoa, ong sẽ đi tìm thức ăn mang mật về và đây là thời điểm tốt nhất để khai thác mật. Sau đó, anh kiểm tra chất lượng mật rồi cho vào đóng chai mang đi bán.
Nhờ cố gắng trong phát triển sản xuất, tới nay trang trại nuôi ong sạch kết hợp trồng rừng của anh đã được mở rộng hơn 2 ha; trong đó, anh đang có 750 đàn ong lấy mật, gần 1 ha rừng trồng cây keo, 0,5 ha trồng các loại cây hái qủa như cam, bưởi. Hiện thu nhập bình quân của gia đình anh đạt 800 triệu/năm, anh còn tạo việc làm cho 8 lao động là người địa phương với mức lương 4 triệu/người/tháng. Ngoài ra trang trại nuôi ong sạch của anh đã được UBND huyện Cẩm Thủy cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm vào năm 2018 và có tem, mã vạch đảm bảo nguồn gốc, sản phẩm mật ong của anh được đóng chai bán trong và ngoài tỉnh.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, thôn Bùi, xã Cẩm Thạch cho biết, anh sinh ra trong một gia đình nghèo, tuổi thơ anh Tuấn đã phải chịu nhiều vất vả với những lần chạy lũ. Năm 2014, anh vay vốn người thân để phát triển kinh tế trang trại tổng hợp, anh mua các giống cây cam, bưởi, rau màu và giống lợn, bò để phát triển kinh tế. Khởi đầu gian nan, có những lúc giống cây trồng, vật nuôi của anh bị dịch bệnh hoặc bị nước lũ cuốn trôi hết mất trắng, nhưng anh vẫn kiên trì làm lại từ đầu.
Năm 2017, anh chuyển sang chăn nuôi gà sạch, kết hợp nuôi lợn rừng, trồng rau, cây hái quả và trồng rừng. Nhờ chịu khó trong công việc, tới nay trang trại anh đã ngày càng mở rộng với hơn 1.000 con gà, mỗi năm sản xuất ra 3.000 gà con và gần 1 ha trồng hoa màu, 1 ha trồng cây keo. Hiện, thu nhập bình quân của gia đình anh đạt 750 triệu/năm, anh tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với mức lương 3,5 triệu/người/tháng.
Ông Phạm Văn Thắng - Phó chủ tịch UBND xã Cẩm Thạch cho biết, xã đã chỉ đạo người dân chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế trang trại, gia trại trồng trọt, chăn nuôi an toàn. Nhờ đó, cuộc sống bà con đã được thay đổi, thu nhập ngày càng nhân lên, hiện thu nhập bình quân đầu người toàn xã tới nay là 29 triệu/người/năm, số hộ nghèo tính đến nay chỉ còn 129 hộ. Từ nay đến cuối năm 2019, xã sẽ tiếp tục vận động người dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại để vươn lên thoát nghèo, phấn đầu giảm, phấn đầu giảm hộ nghèo xuống còn 47 hộ.