Thống kê không chính xác, tham nhũng có đất 'dụng võ'
Ngày 21/8, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã làm việc với Cục Thống kê TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách pháp luật về thống kê trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2019. Vấn đề được nhiều ĐB đặt ra là các sở, ngành, đơn vị không thực hiện chế độ báo cáo thống kê sẽ bị xử lý như thế nào?
Báo cáo tại phiên họp, ông Đậu Ngọc Hùng- Cục trưởng Cục Thống kê TP Hà Nội cho biết: Sự quan tâm đối với Luật Thống kê 2015 ở một số sở, ngành địa phương còn hạn chế. Một số cơ quan, đơn vị tuy đã tổ chức hội nghị nhưng còn mang tính hình thức.
Ông Hùng cũng nhìn nhận, xét theo mức độ đáp ứng thông tin, trong tổng số 121 báo cáo đã thực hiện mới có 72,7% số báo cáo có đầy đủ số liệu, đúng biểu mẫu, còn 27,3% báo cáo còn thiếu chỉ tiêu và không đúng biểu mẫu. Kết quả tổng hợp cho thấy hầu hết các đơn vị đều triển khai và thực hiện các chỉ tiêu cấp huyện được phân công. Tuy nhiên vẫn còn nhiều đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các chỉ tiêu…
Nguyên nhân theo ông Hùng là do nhận thức về vai trò của công tác thống kê còn bị xem nhẹ, ý thức chấp hành pháp luật thống kê của một bộ phận tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chưa nghiêm. Một số đối tượng áp dụng Luật Thống kê chưa biết và chưa hiểu rõ các quy định nên thực hiện còn lúng túng.
ĐB Nguyễn Anh Trí cho rằng, số liệu thống kê chuẩn xác không những giúp các nhà làm chính sách biết rõ được tình hình chính xác để đề ra phương hướng phát triển trong giai đoạn tới mà nếu thống kê làm tốt sẽ góp phần phòng chống tham nhũng vì thống kê không chính xác, tham nhũng mới có thể có đất để “dụng võ”.
Còn ĐB Dương Minh Ánh đề nghị làm rõ đối với những nơi thực hiện chưa nghiêm về chế độ báo báo, hay các doanh nghiệp không thực hiện chế độ báo cáo thì Cục Thống kê đã tham mưu như thế nào cho thành phố để tiến hành xử lý.
Bà Bùi Huyền Mai- Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội -Trưởng đoàn giám sát cho rằng, nếu số liệu thống kê không chính xác thì phân bổ nguồn lực bị phân tán. Số liệu thống kê phải độc lập khách quan về chuyên môn nhưng hiện vẫn còn có những băn khoăn về tính hiệu quả của các số liệu và tính minh bạch của số liệu thống kê.
“Nước ta đã hội nhập, tham gia vào sân chơi quốc tế vậy làm sao để cho quốc tế công nhận những số liệu thống kê mà ta đưa ra. Ngay tại phiên họp của Chính phủ, ai cũng quan tâm tới dữ liệu thống kê, nhưng số liệu đăng trên trang Web của Cục thống kê TP Hà Nội về niêm giám cho thấy mới đưa đến năm 2017. Như vậy đến nay đã chậm 2 năm, vậy khi doanh nghiệp muốn khai thác dữ liệu để biết được thông tin còn phát triển sản xuất thì hiệu quả sẽ như thế nào? Trong khi càng công khai minh bạch thì càng hiệu quả”-bà Mai nêu vấn đề.
Giải trình liên quan đến vấn đề xử phạt các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp không báo cáo dữ liệu để phục vụ công tác thống kê, ông Vũ Văn Tấn- Phó Cục trưởng Cục thống kê TP Hà Nội cho rằng, Luật Thống kê 2015 và Nghị định 95 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê, trong đó xác dịnh rõ các hành vi vi phạm và hình thức xử phạt và mức phạt. Nộp báo cáo chậm, không nộp báo cáo, báo cáo sai không đầy đủ theo chế độ báo cáo thống kê thì xử lý theo pháp luật về Cán bộ công chức, viên chức. Còn cơ quan nhà nước thực hiện sai thì bị xử lý theo các văn bản pháp luật hiện hành. Vì vậy ngành Thống kê không được xử phạt mà chỉ được tham mưu cho cấp trên để xử lý. Riêng doanh nghiệp vi phạm cũng chỉ được phép lập biên bản và kiến nghị cấp có thẩm quyền chứ không được xử lý nên tính pháp lý không cao.