Tổng thống Nga cảnh báo Mỹ về vụ thử tên lửa
Vụ thử lớp tên lửa từng bị cấm theo quy định của INF sẽ gây ảnh hưởng tới an ninh toàn cầu - Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/8 cảnh báo. Ông chủ Điện Kremlin nói, vụ thử cho thấy Washington từ lâu đã không còn hứng thú gì với việc tuân thủ Hiệp ước mà họ mới rút khỏi.
Theo Tổng thống Putin, vụ thử nghiệm tên lửa mới cho thấy Mỹ đã phát triển tên lửa từ lâu trước khi rút khỏi INF (Nguồn: RT).
Ảnh hưởng an ninh toàn cầu
"Người Mỹ đã thử nghiệm tên lửa này quá nhanh chóng - quá nhanh sau khi tuyên bố rằng họ rút khỏi thỏa thuận này" - ông Putin nói - "Bằng việc đó, chúng tôi có đủ mọi lý do để tin rằng việc phát triển để biến nó trở thành một tên lửa phóng từ mặt đất đã bắt đầu từ lâu trước khi Mỹ tìm lý do để rút khỏi thỏa thuận".
Vũ khí mới được thử nghiệm đã được Lầu Năm Góc xác nhận là biến thể của tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ biển, thường được trang bị cho các chiến hạm và tàu ngầm. Vụ thử xuất hiện chỉ 2 tuần sau khi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) chính thức hết hiệu lực vào ngày 1/8 vừa qua.
Tên lửa trên đã đáp trúng mục tiêu ở khoảng cách 500 km - là tầm bắn từng bị cấm theo thỏa thuận mà hai nước ký kết năm 1987, trong đó cấm mọi loại tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn trong khoảng 500 - 5.500 km.
Cho rằng vụ thử trên sẽ chỉ gây "gia tăng" bất ổn an ninh trên thế giới, ông Putin cảnh báo châu Âu rằng Washington có thể không thông báo cho các đồng minh về phần mềm mà họ lên kế hoạch cài đặt trong các tên lửa mới.
"Tôi quan ngại rằng tên lửa mới được thử nghiệm có thể được phóng từ các địa điểm đặt ở Romania và sớm được lên kế hoạch lắp đặt ở Ba Lan. Nó chỉ cần thay đổi phần mềm" - ông Putin nói.
Động thái như vậy rõ ràng là "nguy hiểm" đối với Nga, theo ông Putin. Để đối diện với thách thức đó, Moscow sẽ buộc phải đưa ra "các biện pháp phản ứng", trong đó gồm phát triển các tên lửa tầm trung và tầm ngắn phóng từ mặt đất. Cùng lúc, ông Putin nói rằng Điện Kremlin sẽ không phải bên đầu tiên triển khai các vũ khí như vậy sát châu Âu hay bất cứ nơi nào khác, trừ khi Mỹ làm như vậy đầu tiên.
Washington đã công bố quyết định rút khỏi INF từ 6 tháng trước vụ thử vừa qua, tức từ tháng 2 năm nay, cùng lúc cáo buộc Nga phát triển một hệ thống tên lửa vi phạm Hiệp ước này.
Moscow liên tục bác bỏ các cáo buộc, thậm chí còn mời giới thanh sát viên quốc tế tới xem hệ thống vũ khí của họ, nhưng không ai tiếp nhận đề xuất này. Nga cho rằng Mỹ chỉ đơn giản là đang tìm cớ để rút khỏi Hiệp ước từng được xem là cột mốc đánh dấu sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh.
Rủi ro chạy đua vũ trang
Ngày 20/8, Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan D McCarthy tuyên bố, Washington đang tìm cách phát triển loại tên lửa siêu thanh trang bị đầu đạn hạt nhân bay nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh sau khi Mỹ rút khỏi INF với Nga.
Phát biểu trên của ông McCarthy được đưa ra tại Quỹ Quốc phòng Dân chủ ở thủ đô Washington D.C khi đề cập đến sự sẵn sàng và nỗ lực hiện đại hóa của Mỹ. Tuyên bố mới nhất này được đưa sau khi Lầu Năm Góc thử nghiệm một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất.
Trước đó, hôm 21/8, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng lặp lại quan điểm của ông Putin, qua đó khẳng định vụ thử nghiệm tên lửa của Mỹ gây tổn hại cho an ninh toàn cầu và châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang mới.
Theo ông Lavrov, Nga đang nỗ lực nhằm thuyết phục Mỹ duy trì Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START) chuẩn bị hết hạn vào năm 2021. Đây vốn được coi là hiệp ước trụ cột cuối cùng giữa Nga và Mỹ nhằm ngăn cản 2 quốc gia này cạnh tranh về mặt vũ khí chiến lược.
Rất nhiều quan chức Mỹ, trong đó có Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton, đã nhiều lần khẳng định rằng, Washington nhiều khả năng không gia hạn New START do đây là Hiệp ước lỗi thời và cần phải được thay đổi.