Mua bao xi măng cũng phải đấu thầu
Ngày 22/8, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đã tổ chức hội thảo cho ý kiến về dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều. Nhiều ĐB cho rằng, luật cần phải “mềm mỏng”, chứ nếu quy định cứng nhắc vì thủ tục hành chính mà không cứu hộ kịp thời là có lỗi với dân.
Khắc phục hậu quả mưa lũ.
Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, trong nội hàm của phòng chống thiên tai, danh sách đưa vào tương đối đầy đủ gồm cả nước dâng, xâm nhập mặn, mưa đá, sương muối nhưng nội hàm của thiên tai lại chưa cụ thể hóa trong dự thảo luật. Theo ông Thành tiếp cận của dự thảo luật vẫn trên cơ sở phòng chống bão lũ nhiều hơn. Do đó trong công bố thiên tai, luật cần quy định rõ công khai thông tin này để nhân dân, chính quyền được biết vì liên quan tới quy hoạch và quản lý.
“Mỗi người dân muốn đến nơi nào đó sinh sống nhưng có thông tin cảnh báo thiên tai người ta sẽ không đến nữa. Điều này cần quy định rõ trong luật vì liên quan nhiều tới quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội”-ông Thành cho hay.
Theo ông Nguyễn Hữu Nhung, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, luật nặng về trách nhiệm của Nhà nước là chính nhưng để huy động cả cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, tổ chức, công tư, xã hội hóa thì chưa rõ nét. Đi kiểm tra, địa phương nào cũng nói về Qũy phòng chống thiên tai nhưng có địa phương thu 10%, có nơi thu 14%, có địa phương chỉ thu 3%. Tuy nhiên chi thì rất khó vì không quy định chi. “Có doanh nghiệp thu hàng tỷ đồng nhưng địa phương khác không thu được đồng nào. Cuối cùng thành tồn đọng chi được vài phần trăm, đóng băng hàng mấy ngàn tỷ đồng. Do đó nên có thêm quỹ ở trung ương để điều tiết xuống địa phương. Bởi có địa phương thu nhiều nhưng thiên tai ít xảy ra”-ông Nhung kiến nghị.
Đại tá Nguyễn Anh Dũng- Trưởng phòng Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị, phải đảm bảo nguồn lực cho phòng chống thiên tai vì hiện nay chưa có nguồn lực bố trí trong ngân sách Nhà nước. Ông Dũng đưa ra phân tích: “Ví dụ Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai trực thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn là cơ quan thường trực thì ngân sách đó là của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, ngân sách của Bộ Quốc phòng chưa có phần nào dành cho phòng chống thiên tai nên trong quá trình xử lý nhiệm vụ rất bất cập”.
Phát biểu tại phiên họp, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, việc cứu hộ cứu nạn phải làm ngay, trong khi luật quy định phải xét duyệt cấp này nọ, đấu thầu, mua bao xi măng cũng phải đấu thầu thì “chết dở” vì giá ở miền ngược khác với giá miền xuôi do đó phải giao quyền chủ động cho địa phương. “Vì thủ tục phiền hà mà không cứu hộ kịp thời có khi có tội với người dân”-ông Dũng nói.
Liên quan đến các công trình chống sạt lở quy định 1m kè, chắn ống bao nhiêu tiền, ông Dũng cho rằng quy định như vậy là không đúng vì phụ thuộc vào vùng đất xoáy, sạt lở thế nào, độ sâu ra sao? “Luật cứng nhắc thì cũng rất khó huy động được nguồn lực của doanh nghiệp, của dân”-ông Dũng nhìn nhận.