Sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu: Doanh nghiệp khó hội nhập

Minh Phương 23/08/2019 08:00

Một trong những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp (DN) có thể nâng sức cạnh tranh đó là việc đầu tư, sử dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, phần lớn các DN vừa và nhỏ hiện nay vẫn đang sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, chỉ khoảng 5% trong số 700.000 DN có đầu tư và sử dụng công nghệ mới.

Công nghệ mới nâng sức cạnh tranh

Việt Nam đã và đang ký kết 12 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó, hai Hiệp định lớn nhất có tác động mạnh nhất đến nền kinh tế chính là Hiệp định Đối tác toàn diện Xuyên Thái Bình Dương (TPCPP) và Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Trong bối cảnh đó, để các DN Việt Nam có thể hội nhập vào sân chơi toàn cầu, yêu cầu đặt ra là phải nâng cấp trang thiết bị sản xuất, kinh doanh để có thể tiết giảm được nhiều loại chi phí, đặc biệt là chi phí về tiêu hao năng lượng, như vậy mới có thể nâng sức cạnh tranh. Nắm bắt được xu hướng này, một số DN đã chủ động thay đổi dây chuyền công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Mặc dù thuộc ngành công nghiệp nặng là sản xuất thép, nhưng Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương đã chủ động trong việc đầu tư vào công nghệ cao, đưa các dây chuyền sản xuất hiện đại vào hoạt động để giảm thiểu việc tiêu tốn năng lượng. Công ty cũng đang thực hiện các giải pháp cơ bản nhằm tiết kiệm năng lượng như: Thay đổi công nghệ, đầu tư thiết bị tốt, đầu tư biến tần chạy cho các động cơ lớn có tải thay đổi nhiều…

“Bên cạnh đó, Hòa Phát còn tận dụng hơi quá nhiệt cho việc nấu ăn cho các bếp ăn. Sử dụng hơi nước quá nhiệt (được sản sinh trong công đoạn luyện thép và cán thép) có nhiệt độ trên 150-200 độ C và áp lực 6.5 bar dẫn tới các bình tích, từ đây hơi nước ngoài việc dẫn tới một số công đoạn nhằm phục vụ sản xuất như Thiêu kết, vê viên… thì nó còn được giảm áp lực xuống 4 bar để dẫn về các bếp ăn của khu liên hợp thép Hòa Phát phục vụ cho việc nấu nước cho 5000 cán bộ công nhân viên trong khu liên hợp” – ông Dũng nói và cho biết thêm, với việc tận dụng hơi quá nhiệt cho việc nấu ăn của các bếp ăn, công ty hạn chế sử dụng khí gas, do đó giảm hẳn chi phí cho việc sử dụng khí gas, lại an toàn, không có nguy cơ cháy nổ.

Nhiều DN khác trong lĩnh vực công nghiệp nặng như Tôn Hoa Sen… cũng đã chủ động thay thế các công nghệ lạc hậu để đưa vào trong sản xuất những máy móc công nghệ tiên tiến, không ngoài mục đích giảm chi phí năng lượng, nâng sức cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay.

Loại bỏ dần công nghệ lạc hậu

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn ít DN mạnh dạn đầu tư thay đổi công nghệ, phần lớn các DN, đặc biệt là khu vực DN nhỏ và vừa vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu, cũ kỹ. Theo số liệu điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên 60% DN hiện nay vẫn đang sử dụng công nghệ cũ có tuổi đời ngoài 6 năm. Điều này đang làm giảm sức cạnh tranh của DN.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, thực trạng trình độ công nghệ và máy móc thiết bị của các DN trong các ngành chế biến chế tạo hiện nay cho thấy sự cần thiết phải thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ tại các DN, đẩy lùi, loại bỏ dần các thiết bị công nghệ cũ.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần đưa ra các hoạt động cụ thể nhằm hỗ trợ các DN đầu tư giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng thay đổi dây chuyền, công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ tiên tiến hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng; xây dựng quy chuẩn và tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với các thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng, hiệu suất thấp. Bởi lẽ, bản chất cuối cùng của tiết kiệm năng lượng là đổi mới công nghệ và nâng cao năng suất.

“Trong đó, đổi mới, nâng cấp, cải tiến sắp xếp lại dây chuyền sản xuất là ba yếu tố quan trọng. Nếu các DN thực hiện tốt sẽ mang lại hiệu quả cao, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm” – ông Đỗ Hữu Hào nhấn mạnh.

Minh Phương