Mắc kẹt trong sa mạc Syria
Shukri Shehab cùng vợ mình hiếm khi được ngủ đầy giấc. Suốt 3 tuần qua, cô cháu gái 3 tuần tuổi của họ không ngừng khóc. Cô bé đơn giản là cần thuốc để trị các vết phồng rộp, nhưng thuốc men là thứ xa xỉ ở nơi này.
Khu lều tạm nằm giữa sa mạc ở Rukban, gần biên giới Syria-Jordan (Nguồn: The National).
Shehab sống ở Rukban, một khu định cư không chính thức quy tụ những người dân Syria mất nhà cửa do chiến sự được Mỹ bảo vệ ở miền Nam Syria, chỉ cách một căn cứ quân sự Mỹ chưa đầy 10 dặm. Shehab cùng gia đình đã phải sống ở trong những khu lều tạm nằm giữa vùng sa mạc gần biên giới Syria-Jordan này suốt 1.200 ngày qua. Các nhà hoạt động gọi khu vực này là “Tam giác tử thần”, trong khi LHQ nói rằng điều kiện sống ở đây là “tuyệt vọng, thảm kịch” và “không phải nơi mà dành cho trẻ em”.
Trong suốt nhiều năm liền, những người tị nạn ở Rukban phải sống dựa vào lòng thương của các siêu cường và các phe phái trong cuộc nội chiến, khiến họ không có đủ thực phẩm, hàng viện trợ nhân đạo, trong khi cũng không thể an toàn trở về nhà được.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ từng nói với CNN rằng họ đang làm mọi cách có thể để gửi hàng viện trợ tới Rukban, nhưng đến nay vẫn chưa từng trực tiếp cung cấp hàng viện trợ cho hàng chục nghìn người mắc kẹt ở đây. Mỹ từng yêu cầu gửi hàng viện trợ cho khu vực này, nhưng đề nghị bị chính quyền Damascus bác bỏ, thay vào đó kêu gọi người dân ở vùng này trở lại các khu vực mà Chính phủ kiểm soát.
Ở Syria, hàng viện trợ nhân đạo cần phải chuyển thông qua một nước láng giềng, hoặc thông qua LHQ hay các tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Damascus. Tuy nhiên, nước láng giềng Jordan đã cấm nguồn hàng viện trợ xuyên biên giới từ vài năm nay, nên Chính phủ Syria hoàn toàn kiểm soát các đoàn xe viện trợ nhân đạo mà LHQ cử tới Rukban.
80% là phụ nữ và trẻ em
Phần lớn người dân ở Rukban là những người chạy trốn khỏi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong cuộc nội chiến ở Syria. Nhiều người hy vọng vượt biên sang Jordan, tuy nhiên đường biên giới đã đóng cửa từ năm 2016. Cuối cùng, họ bị kẹt ở vùng sa mạc.
Ngày nay, gần 25.000 người bị “mắc kẹt” ở vùng tam giác nguy hiểm này, trong đó ước tính có tới 80% là phụ nữ và trẻ em. “Tôi cùng gia đình mình cũng giống như bao người khác ở đây, chỉ chờ đợi cho tới khi có một giải pháp nào đó”- ông Shehab nói.
Thế nhưng họ đã chờ lâu đến nỗi 2 con trai lớn trong gia đình đã tổ chức đám cưới ở Rukban. 3 người cháu được sinh ra tại đây. Gia đình ông sống trong một lều tạm có 3 phòng nhỏ: Một phòng dành cho vợ chồng con ông, một cho ông cùng vợ và một cho 3 đứa cháu nhỏ.
Khoảng 1 tháng sau khi IS tuyên bố thành lập Nhà nước “Caliphate” hồi tháng 6/2014, các bức ảnh vệ tinh của Mỹ cho thấy có 90 ngôi lều tạm ở Rukban. Đến tháng 1/2019, số lều tạm ở đây đã lên tới 7.800.
Ở Rukban, việc tiếp cận tới nguồn nước sạch và dịch vụ y tế cực kỳ hạn chế. Không có hệ thống nước thải hay trường học. Các đợt hàng viện trợ luôn ít ỏi và không đủ, và hàng viện trợ đã ngừng hẳn cách đây 5 tháng.
Tiến thoái lưỡng nan
Kể từ sau khi đoàn xe viện trợ cuối cùng đến Rukban, cuộc sống nơi đây đã chuyển từ “tồi tệ sang cực kỳ tồi tệ”- ông Shehab nói.
Sức khỏe của cô cháu gái 3 tuần tuổi của ông Shehab đã được cải thiện trong thời gian gần đây, nhưng giờ ông lại phải đối diện với khó khăn khác. Mẹ của cô bé không có đủ sữa nuôi con, nên ông Shehab phải dốc sức đi tìm một trong những thứ hiếm nhất ở vùng này: Sữa công thức.
Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, ông Shehab cuối cùng mua được 2 hộp sữa với giá 120 USD. Thực phẩm chủ yếu được tuồn vào Rukban thông qua các tuyến đường buôn lậu, và cái giá các mặt hàng như sữa đội lên rất cao. Dù vậy, ông Shehab cho rằng “điều quan trọng nhất là hàng vẫn còn đến được đây”.
Rất khó đoán được số phận của những con người này trong tương lai. Những khu vực như Rukban bị chính quyền Syria từ bỏ, thay vào đó kêu gọi thường dân quay trở lại các khu vực mà Chính phủ kiểm soát, bằng không sẽ bị chết đói. Tuy nhiên, ngay cả việc di chuyển giờ cũng rất nguy hiểm đối với họ, khi mà chiến sự vẫn diễn ra.
“Tôi quyết định không rời khỏi Rukban nữa bởi trở về các khu vực mà Chính phủ kiểm soát là điều rất nguy hiểm. Rõ ràng là không thể có một giải pháp nào sớm cho chúng tôi”- ông Shehab nói.