Bất cập trong xử lý vi phạm hành chính: Mức phạt phải đủ sức răn đe
Thời gian qua, đã có không ít vụ việc liên quan đến việc xử lý vi phạm pháp luật khiến dư luận băn khoăn. Điển hình như việc xử lý, phạt hành chính người có hành vi sàm sỡ trong thang máy ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, hay người có hành vi to tiếng xúc phạm nhân viên hàng không ở sân bay Tân Sơn Nhất vừa qua. Dư luận cho rằng mức phạt 200.000 đồng, không đủ sức răn đe người vi phạm.
Đình chỉ công tác 30 ngày đối với nữ công an gây rối ở sân bay.
Những vụ việc gây bất bình dư luận
Ngày 22/8, trên nhiều trang mạng xã hội, báo điện tử có đăng tải các bài viết và đoạn video với nội dung: Nữ hành khách mắng chửi nhân viên tại quầy làm thủ tục hành lý tại sân bay Tân Sơn Nhất. Trong clip thể hiện việc một nữ hành khách gây náo loạn tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) với những lời lẽ rất khiếm nhã, thô tục, thậm chí vu vạ bị lực lượng an ninh sân bay đánh. Video này ngay sau đó được chia sẻ với tốc độ “chóng mặt” và khiến dư luận bức xúc.
Ngày 23/8, Công an quận Đống Đa xác nhận, người xuất hiện trong video là Đại úy Lê Thị Hiền (36 tuổi), hiện là cán bộ của Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an quận Đống Đa (Hà Nội). Theo Công an quận Đống Đa, qua báo cáo xác định, ngày 11/8, bà Lê Thị Hiền có bay từ TP Hồ Chí Minh về Hà Nội, trong quá trình làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất, do không được giải quyết yêu cầu về việc gửi hành lý nên đã xảy ra cãi vã giữa bà Hiền với nhân viên làm thủ tục và lực lượng an ninh hàng không. Bà Hiền sau đó do không có thẻ lên máy bay nên tiếp tục xảy ra cự cãi và đã bị dừng chuyến bay.
Xung quanh vụ việc, Đồn Công an Tân Sơn Nhất đã ra quyết định xử phạt hành chính 200.000 đồng đối với bà Hiền, theo Điểm b, Khoản 1, Điều 5 Nghị định 167 về hành vi “Gây mất trật tự ở khu vực Cảng hàng không”. Thông tin bà Hiền gây “náo loạn” tại sân bay Tân Sơn Nhất chỉ bị xử phạt 200.000 đồng đã khiến dư luận “dậy sóng” vì cho rằng mức phạt quá nhẹ so với hành vi bà Hiền gây ra.
Trước đó, một vụ việc gây xôn xao dư luận khác, sau đó cũng chỉ bị xử phạt 200.000 đồng khiến dư luận phản ứng gay gắt. Cụ thể, khoảng 22 giờ ngày 4/3/2019, sau khi đi dạo với người quen về, chị P.H.V. (20 tuổi, sinh viên một trường đại học trên địa bàn Hà Nội) đi vào thang máy của tòa chung cư Golden Palm, thuộc địa bàn phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân để lên phòng. Lúc này, người đàn ông đi cùng thang máy là Đỗ Mạnh Hùng (SN 1982, Hải Phòng) xin số điện thoại của chị V. để làm quen. Tuy nhiên, chị V. không đồng ý và nói với Hùng rằng mình đã có gia đình để không bị tiếp tục làm phiền. Khi thang máy đến tầng có căn hộ nhà chị V. thì Hùng chặn cửa và không cho chị ra. Chưa dừng lại ở đó, Hùng còn có những hành vi động chạm đến cơ thể, sàm sỡ chị V. Sau đó, chị V. đã cố gắng vùng vẫy, kêu la để thoát khỏi bàn tay của Hùng trong thang máy, khiến chị bị trầy xước ở mũi và tay, tinh thần hoảng loạn…Sự việc được báo lên cơ quan công an và sau đó, cơ quan công an quyết định xử phạt hành chính đối với Đỗ Mạnh Hùng với số tiền 200.000 đồng.
Và những mức phạt… chưa đủ sức răn đe
Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, tại Điều 3 quy định về hình thức xử phạt thì mỗi hành vi của tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là: Phạt cảnh cáo và phạt tiền, ngoài ra là các hình thức xử phạt bổ sung. Điều 4 quy định về mức phạt: 1. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình đối với cá nhân là 30.000.000 đồng, đối với tổ chức là 60.000.000 đồng; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống tệ nạn xã hội đối với cá nhân là 40.000.000 đồng, đối với tổ chức là 80.000.000 đồng; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng; 2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Điều 5 của Nghị định - vi phạm quy định về trật tự công cộng quy định: 1-Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi: a- Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; b- Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hoá, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác;…
Và như vậy, với hai vụ việc điển hình đã nêu, các cơ quan chức năng đã phạt các đối tượng theo Điều 5 của Nghị định. Nhiều vụ việc khác cũng trong tình trạng tương tự. Theo ý kiến của nhiều người việc xử phạt như trên là chưa thỏa đáng, chưa đủ sức răn đe.
Trên thực tế, cũng hành vi ấy, chỉ quá đà một chút, hoặc phân tích kỹ là đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Như hành vi của Nguyễn Hữu Linh, nguyên Viện phó Viện KSND TP Đà Nẵng. Ngày 23/8, TAND Quận 4 TP Hồ Chí Minh đã xét xử, tuyên Linh phạm tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”, tuyên Linh mức án 1 năm, 6 tháng tù giam. Cũng một hành vi to tiếng nơi công cộng, bị phạt hành chính chỉ 100-300 ngàn đồng, nhưng nếu đủ yếu tố cấu thành tội Gây rối trật tự công cộng thì cũng lại ở mức án phạt tù. Dư luận cho rằng, trong khi chờ sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính thì cần điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh đúng các quy định khác của pháp luật, chứ nếu chỉ xem xét áp quy định của luật hành chính, xử lý như vậy là chưa hợp lý.
“Việc bà Hiền dùng những lời lẽ thô tục mạt sát đã xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của nhân viên làm thủ tục hàng không, có hành động đánh nhân viên an ninh hàng không, chống đối người thi hành công vụ. Hành vi vi phạm của bà Hiền ở mức độ nghiêm trọng”.
Cục trưởng Cục Hàng Không Việt Nam Đinh Việt Thắng
Chỉ bị phạt 200.000 đồng là không đúng Việc bà Lê Thị Hiền chỉ bị phạt vi phạm hành chính 200.000 đồng là chưa đúng với quy định của pháp luật. Theo đó, bà Hiền đã có hành vi gây rối trật tự tại sân bay Tân Sơn Nhất, có những lời lẽ không hay, thô bạo với nhân viên sân bay, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên hàng không. Hành vi này của bà Hiền có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 162/2018/NĐ-CP ngày 30/11/2018: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Về đề xuất của Cảng vụ cảng hàng không xem xét cấm bay với trường hợp của bà Hiền, hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật. Luật sư Nguyễn Thị Thanh Hải (Đoàn Luật sư Hà Nội) |
Mức phạt chưa đủ sức răn đe Trong sự việc này, việc áp dụng Điểm b, Khoản 1, Điều 5 Nghị định 167 để xử phạt với mức phạt 200.000 đồng là chưa chính xác, không đủ sức răn đe và phòng ngừa cho những nơi buộc phải đảm bảo an ninh, trật tự nghiêm ngặt. Hành vi này thuộc lĩnh vực hàng không, do đó phải căn cứ các quy định trong lĩnh vực hàng không dân dụng để xử phạt mới đúng bản chất về việc áp dụng pháp luật. Như vậy căn cứ Điểm a, h Khoản 4 Điều 26 Nghị định số 162/2018/NĐ-CP ngày 30/11/2018 có hiệu lực từ ngày 15/01/ 2019 thay thế Nghị định 147 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng thì: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra hành vi này còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội gây rối trật tự công cộng như: Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật |