Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G7: Từ Amazon tới thương chiến Mỹ-Trung
Pháp mong đợi Thượng đỉnh G7 sẽ là cơ hội để xốc lại chủ nghĩa đa phương, kiểm soát tiến trình toàn cầu hóa và khẳng định vai trò dẫn dắt của G7.
Hội nghị Thượng đỉnh G7 khai mạc ngày hôm nay (24/8) tại Biarritz, thị trấn nghỉ dưỡng ở vùng duyên hải phía Nam nước Pháp. (Ảnh: Reuters).
Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) chính thức khai mạc hôm nay (24/8) tại Biarritz, thị trấn nghỉ dưỡng ở vùng duyên hải phía Nam nước Pháp. Diễn ra trong bối cảnh G7 đang trải qua một giai đoạn khó khăn, với sự trỗi dậy của “các cường quốc mới” và sự chia rẽ nội bộ ngày càng sâu sắc, Pháp - nước chủ trì hội nghị mong đợi sự kiện sẽ là cơ hội để xốc lại chủ nghĩa đa phương, khuyến khích dân chủ và kiểm soát tiến trình toàn cầu hóa, từ đó khẳng định vai trò dẫn dắt của G7.
Câu hỏi mà giới truyền thông quốc tế đặt ra trong suốt những ngày qua là “Liệu G7 có thể hiện được vai trò của mình trong giải quyết các cuộc khủng hoảng lớn hiện nay hay không?” Đó cũng là lý do dẫn tới quyết định của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mời các quốc gia khác tham dự sự kiện hàng năm của G7, trong đó có Ấn Độ. Theo nhà lãnh đạo Pháp, thay vì đàm phán về một tuyên bố chung, G7 sẽ cố gắng thúc đẩy liên minh giữa các quốc gia có thiện chí. Ông cũng hi vọng có thể tránh được kết quả không mong muốn như tại Hội nghị Thượng đỉnh hồi năm ngoái ở Canada khi Tổng thống Donald Trump từ chối thông qua bản tuyên bố chung.
“Sự tham gia của Ấn Độ tại G7 là rất quan trọng. Bởi nước này là một phần của sự phục hồi hệ thống quốc tế. Bởi chúng ta sẽ không giải quyết được những thách thức về khí hậu,bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ quyền tự do trong không gian kỹ thuật số nếu không có những nước như Ấn Độ”, ông Macron nói.
Tuy nhiên, một loạt thách thức đang chờ đợi Tổng thống Pháp và các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản, Canada và Italy trong 3 ngày họp này.
Đây sẽ là Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế đầu tiên của tân Thủ tướng Anh Boris Johnson và diễn ra chỉ vài tuần trước thời hạn dự kiến Anh sẽ phải rời Liên minh châu Âu (31/10). Những tuyên bố của nhà lãnh đạo mới của nước Anh về cuộc chia tay với Liên minh châu Âu dự kiến sẽ được theo dõi rất sát tại kỳ Hội nghị G7 này, nhất là khi ông dự kiến sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump, với những tuyên bố chỉ trích ngày càng tăng nhằm vào Liên minh châu Âu.
Liệu Hội nghị Thượng đỉnh này có chứng kiến sự nổi lên của trục Mỹ - Anh, với những tác động dây chuyền tới một loạt hồ sơ ngoại giao khác hay không, dù theo một nhà ngoại giao Anh, sẽ không có sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận của nước Anh.
Những vụ cháy rừng lan rộng trong nhiều ngày qua tại rừng rậm Amazon, nơi được coi là “lá phổi của hành tinh” cũng được đưa vào chương trình nghị sự khẩn cấp của hội nghị vào phút chót. Tổng thống Pháp cũng hi vọng nhận được từ lãnh đạo các nước đồng minh những động thái có thể làm dịu cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran nhằm cứu vãn thỏa thuận quốc tế năm 2015. Trước đó ngày hôm qua (23/8), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Iran Javad Zarif và khẳng định mọi thứ đang đi đúng hướng.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là vấn đề phủ bóng kỳ họp năm nay của G7 khi những tác động của nó đã không chỉ dừng lại ở hai nước liên quan trực tiếp. Ngay trước thềm hội nghị, Tổng thống Donald Trump đã tăng thuế đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc.
Có thể nói, cái bóng của Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm ngoái tại Canada vẫn chưa thể xóa nhòa khi Tổng thống Donald Trump từ chối ký bản thông cáo chung. Năm nay, chính phủ Pháp cũng có thể phải chuẩn bị tinh thần với những diễn biến tương tự khi muốn đưa vào Hội nghị Thượng đỉnh những mục tiêu đầy tham vọng của mình, nhất là khi những rạn nứt và quan ngại từ hàng loạt những sự kiện như vậy đã làm suy yếu sức mạnh ngoại giao của một nhóm nước mà mới cách đây ba thập kỷ chiếm tới 70% GDP của cả thế giới. Ngày nay, các nước G7 chỉ chiếm 50% GDP toàn cầu.