Giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình

ThS. Lê Thị Thanh Loan(Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch) 25/08/2019 07:00

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tâm huyết của Người cho công tác xây dựng và phát triển Đảng.

Bác quan niệm: Đoàn kết trong Đảng chính là vấn đề chiến lược, là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng. Đảng có đoàn kết, thống nhất thì mới đủ sức mạnh để lãnh đạo và tập hợp quần chúng nhân dân hoàn thành mục tiêu cách mạng giữ vững độc lập, thống nhất Tổ quốc, phát triển đất nước. Trong bản Di chúc thiêng liêng trước lúc Người qua đời, vấn đề đầu tiên Người đề cập đến cũng là nói về Đảng và về việc giữ gìn, phát triển khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình

Bác Hồ cùng nông dân làm ruộng, tháng 7/1960. Ảnh: Tư liệu.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác phẩm “đặc biệt”, một tài sản vô cùng quý báu Người để lại cho Đảng và cho dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa lịch sử và giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, không chỉ trong quá khứ mà cả trong thời kỳ đổi mới hiện nay. 50 năm là lúc chúng ta cùng nhau nhìn nhận lại, một lần nữa khẳng định tính đúng đắn và giá trị to lớn của những lời Người căn dặn trong Di chúc, đặc biệt là đối với vấn đề củng cố và phát huy sự đoàn kết trong Đảng. Cho đến nay thì đây vẫn là một vấn đề thời sự, mang ý nghĩa quyết định đến sự sống còn mà Đảng đặc biệt quan tâm.

Di chúc ra đời trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta ở vào giai đoạn ác liệt, song đang trên đà thắng lợi. Đế quốc Mỹ sau thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bèn tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, đồng thời leo thang “Chiến tranh phá hoại” miền Bắc lần thứ nhất. Bối cảnh đó đòi hỏi sự đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hai miền Nam - Bắc mà khối đoàn kết trong Đảng để đảm bảo vai trò lãnh đạo là yếu tố quyết định. Đây cũng là nỗi niềm trăn trở và là tâm huyết của Người trước lúc đi xa.

Người viết: “Trước hết nói về Đảng, nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta”.

Từ “đoàn kết” được Bác nhắc lại 3 lần trong đoạn văn trên, qua đó, Người đã khẳng định vai trò to lớn của khối đoàn kết thống nhất trong Đảng. Theo Người, đây là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh của Đảng để lãnh đạo nhân dân ta vượt qua muôn vàn thử thách khó khăn, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu cách mạng. Điều này đã được chứng minh qua thực tiễn đấu tranh và trở thành một truyền thống, một tài sản quý báu của Đảng ta. Đoàn kết trong Đảng được hình thành từ chính truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam thể hiện qua lịch sử hình thành và phát triển dựng nước, giữ nước và được phát triển ngày càng phong phú, khắc hoạ ngày càng đậm nét trong văn hoá, bản sắc dân tộc và là bộ phận hợp thành sức mạnh dân tộc. Trong quá trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã sớm tìm ra nguyên nhân thất bại của các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của các vị tiền bối, chính là đã không phá được âm mưu “chia để trị” mà thực dân Pháp thiết lập ở Việt Nam và Đông Dương. Bằng âm mưu thâm độc ấy thực dân Pháp muốn phá vỡ truyền thống đoàn kết - sức mạnh trường tồn của dân tộc Việt Nam. Hồ Chí Minh đã tìm ra nguồn động lực, sức mạnh giải phóng cho dân tộc ngay trong lòng mọi người dân Việt Nam. Từ truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết của dân tộc đã tạo thành sức mạnh của các phong trào đấu tranh chống ngoại xâm nối tiếp nhau đòi lại nền độc lâp tự do cho Tổ quốc.

Đối với nước ta, thắng lợi trong đấu tranh giành chính quyền, trong đấu tranh dựng nước, giữ nước và những thành quả trong xây dựng CNXH (đặc biệt là những thành tựu của hơn 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới của đất nước), xét đến cùng đều là kết quả của sự đoàn kết thống nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Nói một cách khác, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đoàn kết trong Đảng còn được coi là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Cha ông ta từng nói “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Giữ gìn con mắt được trong sáng là giữ gìn cửa ngõ tâm hồn, giữ gìn con ngươi của mắt cũng chính là giữ gìn cái thiêng liêng, quý giá nhất của mỗi con người. Thông qua hình ảnh ví von ấy, Người muốn nhấn mạnh rằng mỗi cán bộ Đảng viên phải giữ gìn sự đoàn kết vì nó vô cùng thiêng liêng, cao cả. Tuyệt đối không gây mất đoàn kết trong Đảng, vì như vậy là tự mình làm hại đến sức mạnh và truyền thống của Đảng.

Để tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra các yêu cầu và giải pháp nhằm củng cố khối đoàn kết trong Đảng sau khi chiến tranh kết thúc. Trong điều kiện cả nước quá độ đi lên CNXH từ muôn vàn khó khăn do hậu quả của chiến tranh đòi hỏi “Đảng phải mạnh hơn bao giờ hết”. Để làm được điều này, Đảng trước hết phải là một khối đoàn kết thống nhất về tư tưởng và hành động, nhưng muốn đi đến đoàn kết thống nhất, thì: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: “Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Vì vậy, để Đảng tiếp tục làm tròn sứ mệnh tiền phong của mình, nhất định mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Mục đích của tự phê bình và phê bình là để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm của mỗi đảng viên.

Di chúc của Bác cũng nhấn mạnh: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”, là “người lãnh đạo” nhưng đồng thời cũng là “người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Cũng chính vì trọng trách này mà mỗi đảng viên cần phải có ý thức tu dưỡng, rèn luyện bản thân để thực sự “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Có như vậy thì mới giữ gìn được sự tin yêu trong nhân dân dành cho Đảng, bởi theo Người: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa”… Mỗi đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, là tấm gương đối với nhân dân. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, phải làm hết sức mình để phục vụ nhân dân, chăm lo tới cuộc sống của người dân, củng cố bền chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Chỉ có như vậy mới có thể lan tỏa uy tín và ảnh hưởng sâu rộng của Đảng trong xã hội, xây dựng và củng cố niềm tin trong nhân dân, được dân tin tưởng, dân yêu mến, dân ủng hộ, dân giúp đỡ và dân bảo vệ.

Chỉ một đoạn văn ngắn ngủi trong di chúc (khoảng hơn 200 từ) nhưng chứa đựng những tư tưởng lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xây dựng và phát triển Đảng, qua đó Người khái quát được tất cả những điều tâm huyết nhất, đúc kết qua thực tiễn lãnh đạo nhân dân tiến hành cách mạng: Từ khẳng định truyền thống đoàn kết, nhấn mạnh vai trò của đoàn kết trong Đảng và vạch ra phương hướng để củng cố và phát triển khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Cho đến nay sau 50 năm kể từ ngày Bác đi xa, những lời dặn dò tâm huyết đó vẫn là kim chỉ nam trong công tác xây dựng và phát triển Đảng từ trung ương đến các cơ sở.

ThS. Lê Thị Thanh Loan(Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)