Ca sỹ Lê Tiến Đạt – ‘Gạt Tàn Đầy’: Vì tôi hay hát sai lời...
Năm 1993, Bùi Quang Huy, Nguyễn Hồng Long, Ngô Đình Hải và Lê Tiến Đạt gặp nhau qua sự giới thiệu để chuẩn bị cho đêm nhạc tưởng niệm John Lennon. Lần đầu tiên, họ chơi rock cùng nhau và tỏ ra ăn ý. Năm 1996, từ ý tưởng chơi rock cho đã, Bùi Quang Huy nảy ra sáng kiến cùng những người bạn thành lập ban nhạc và “Gạt tàn đầy” (cùng cái tên ban đầu là Fulastray) ra đời.
Ca sĩ Lê Tiến Đạt.
Năm 1997, “Gạt tàn đầy” diễn buổi đầu tiên tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, hát lại các bài của The Beatles, CCR, Deep Purple cùng ca khúc mới sáng tác, khi ấy còn chưa có tên, về sau mới được đặt là “Nhớ”. Buổi biểu diễn thành công hơn mong đợi, tạo ra động lực cho ban nhạc tiếp tục theo đuổi con đường Rock. Sau một số thay đổi nhân sự, Doãn Mai Hương thế vị trí chơi trống của Lê Duy Linh, bổ sung vị trí keyboard là Doãn Quốc Anh, “Gạt tàn đầy” có 6 thành viên.
“Ai mang cá đến cho con mèo hoang tàn ác
Ai mang cá đến cho con mèo hoang say mèm
Lang thang dưới gốc cây có một anh chuột nhắt
Lang thang chốn bãi hoang có một cô chuột đồng”
Lời bài hát “Đám cưới chuột” được sáng tác dựa trên cảm hứng từ bức tranh Đông Hồ cùng tên, về đám cưới chuột được êm xuôi thì phải mang cá cho mèo, khá đơn giản như vậy, mà làm nức lòng giới sinh viên Hà Nội thời kỳ đó. Sau năm 2000, tưởng ban nhạc tan rã khi người thì đi Úc, người vào Sài Gòn thì năm 2006, album “Đám cưới chuột” được phát hành, gây bất ngờ cho công chúng yêu nhạc và giới chuyên môn. Tháng 10 năm 2006, xuất hiện trong chương trình Bài hát Việt của VTV, “Đám cưới chuột” từ sự biểu diễn với phong cách mới mẻ đã tạo nên làn sóng yêu thích mới. Và năm 2013, 2016, ban nhạc vẫn có dịp tái hợp để cùng nhau biểu diễn.
“Gạt tàn đầy” cùng với các ban nhạc Rock sinh viên đã mang đến những rung động mới mẻ tích cực và đẹp đẽ cho một thế hệ thanh niên Việt Nam. Và rất khó khăn, tôi mới có cuộc phỏng vấn với Lê Tiến Đạt, giọng hát chất của “Gạt tàn đầy” về con đường âm nhạc của anh nói riêng và nhóm nói chung, bởi anh luôn trong trạng thái bận rộn, không chỉ vì công việc, mà còn phải cùng vợ chăm sóc ba cậu con trai nhỏ.
Sở hữu một giọng hát phù hợp với rock và chinh phục bao khán giả trẻ một thời, anh có khi nào nhớ về sân khấu rực rỡ với sự cổ vũ nồng nhiệt?
- Có chứ. Thỉnh thoảng vợ tôi bật lại video biểu diễn của tôi cho các con xem và tôi được xem ké một chút. Những lúc ấy rất nhớ “ngày xưa”…
Đam mê âm nhạc của anh bắt đầu từ đâu?
- Có lẽ bắt đầu từ người lớn trong gia đình, là bố, mẹ và các cậu. Dù không phải là dân chuyên nghiệp nhưng mọi người rất thích đàn hát. Có lần tôi giả vờ ngủ trưa (trẻ con thì không thích ngủ trưa) và nghe lỏm bố mẹ tôi nói chuyện với nhau “Hát có khó gì đâu. Trẻ con mà biết rung cổ họng là cũng hát được”, thế là cuối tuần ấy, tôi xung phong lên hát ở lớp. Từ đấy mọi người bảo là tôi có thể hát. Thế là tôi tự tin và bắt đầu chăm chỉ đứng hát giữa lớp, giữa trường, tham gia nhóm tốp ca của phường (một nam là tôi và bảy bạn nữ) để đi thi ở quận Hoàn Kiếm. Hát nhiều đến nỗi bị các bạn trai ở trường chế là “đồng cô”, “ái”, vì hồi ấy chỉ con gái mới đi hát. Bây giờ đám bạn cấp một, cấp hai vẫn gọi tôi như vậy.
Tuổi thơ của anh đã diễn ra thế nào, có gì gắn bó với âm nhạc không?
- Nhà nội tôi ở Ô Chợ Dừa. Nhà ngoại thì trên phố Hàng Da. Tuổi thơ nhẹ nhàng, yên bình vui vẻ. Từ nhỏ đến lớn vẫn thỉnh thoảng được nghe bố mẹ và các cậu hát hay đơn giản hơn là nghe nhạc từ đĩa than, băng cát-xét, loa truyền thanh và đài radio. Người lớn trong gia đình đều không làm các công việc liên quan đến âm nhạc nhưng luôn yêu nhạc. Tôi vẫn tin rằng được nghe nhạc từ bé là lợi thế giúp tôi mê nhạc và có thể hát hay sáng tác sau này dù không hề học nhạc chuyên nghiệp, dù chỉ là biết ký xướng âm. Đến khoảng những năm lớp ba, khi nhận ra là tôi thích nhạc và có thể hát, mọi người đều khích lệ. Đã có giai đoạn được học ghi-ta để định thi vào nhạc viện nhưng rồi không thi. Một người bạn của cậu tôi là nhạc sĩ có nói với gia đình rằng nên cho tôi học thanh nhạc “cho đỡ phí” nhưng rồi điều kiện không cho phép nên đành “để phí” đến ngày nay.
Ban nhạc “Gạt tàn đầy”.
Những kỷ niệm của anh với “Gạt tàn đầy” khi thành lập và những ngày biểu diễn?
- Suốt những ngày tháng cùng nhau chơi nhạc đều nhiều kỉ niệm đẹp. Hơi khó để kể hết. Nhớ nhất vẫn là giai đoạn tranh thủ làm album, gửi các đoạn thu, viết lời qua đường truyền dial-up. Đến lúc cầm đĩa trên tay vẫn không nghĩ là mình đã làm được.
Ngày đó trên sân khấu anh luôn rạng rỡ và nở nụ cười hiền hòa thay vì gào thét bùng cháy?
- Thực ra là cười ngượng đấy vì tôi hay hát sai lời nên cười để xin lỗi mọi người. Cười như thế cũng để tự trấn tĩnh mình cho đỡ run. Còn những bài nào không thể hát sai lời thì mới dám gào thét một chút.
Thực sự ở ngoài đời, bên ngoài vẻ mạnh mẽ nam tính thì bên trong anh lại có sự giản dị, nhẫn nại và khiêm tốn?
- Có lẽ là do không cầu kì trang phục nên mọi người hay nghĩ tôi giản dị thôi. Tôi thích nhất là quần bò, áo phông cho thoải mái. Còn nhẫn nại thì không đâu. Tôi dễ nóng nảy và thiếu kiên nhẫn, tất nhiên giờ trung niên thì cũng đỡ hơn nhiều rồi. Khiêm tốn thì chắc là do sự nghiệp cũng không có gì được gọi là thành công hơn ai nên không thể kiêu ngạo thôi.
10 năm qua sau Rock Storm nhóm có tái hợp biểu diễn lại không?
- Chúng tôi có một buổi chơi nhạc tại Acoustic Bar chào năm mới 2016.
Sau sân khấu, công việc của anh và các thành viên hiện nay là gì?
- Hiện tôi đang làm marketing cho một thương hiệu cigar Việt Nam, bên cạnh đấy vẫn viết cho một số tạp chí nhưng ít hơn ngày trước do không đủ thời gian. Các anh em còn lại hình như đang làm mảng marketing ngân hàng, thiết kế sáng tạo. Tôi không chắc lắm vì vài tháng nay chưa gặp.
Làm công việc thì anh vẫn duy trì song song với việc biểu diễn trên sân khấu?
- Cách đây nhiều năm là vậy. Nhưng nếu gọi là duy trì song song thì không đúng lắm vì “Gạt tàn đầy” biểu diễn rất ít.
Dường như các nhóm nhạc Rock đều không sống trọn vẹn cho nghề mà luôn có nghề phụ, vì sao vậy?
- Tôi không trả lời thay được cho các anh em khác. Như cá nhân mình thấy thì là do thu nhập thôi. Nếu tiền bản quyền hay bán đĩa có thể giúp mình sống tốt thì chơi nhạc sẽ thành việc chính và viết báo thành việc ít ưu tiên thời gian hơn.
Lập gia đình, bên một bầy con, anh đang cảm thấy thế nào?
- Thực sự là vất vả nhưng hạnh phúc. Các cháu còn nhỏ và khá sát tuổi nhau, nhà lại không có giúp việc thường xuyên nên mọi thứ đang hơi lộn xộn một chút. Mình luôn trong tình trạng quên các việc dù có đủ loại ghi chú và báo thức. Tóm lại vẫn là “Tuy mệt nhưng mà vui”.
Một ngày hiện tại của anh đang ra sao?
- Đã có lần tôi định ghi lại chính xác xem một ngày mình làm những việc gì nhưng rồi không có thời gian để gõ. Đại khái sáng lo cho đám trẻ dậy, vệ sinh, đi học rồi mình đi làm. Chiều cố gắng về để đón các cháu, tắm rửa, ăn tối và ốp chúng ngủ. Sau đấy thì mình cũng ngủ luôn chứ không thức khuya làm việc được như trước nữa.
Giữa những bề bộn, anh còn có dự định gì cho âm nhạc?
- Hiện tại tôi không có kế hoạch gì. Đã có lúc mong viết nhạc cho trẻ con, vì các bài hát tiếng Việt dạy chúng kiến thức đơn giản hay các việc hàng ngày hiện nay chưa có nhiều. Nhưng rồi cũng vì thiếu thời gian nên đành chịu.
Chúc anh làm được nhiều bài ca cho trẻ nhỏ!