Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Ô tô có phải là ngành thế mạnh duy nhất?
Để phát triển ngành công nghiệp ôtô trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, Bộ Công thương cho biết, cuối năm nay sẽ trình Chính phủ Đề án phát triển ngành công nghiệp ôtô và đề xuất hình thành gói tín dụng 100.000 tỷ đồng để phát triển công nghiệp hỗ trợ, cốt lõi là các ngành phụ trợ phục vụ sản xuất ôtô.
Theo Bộ Công thương, Việt Nam hiện có tới 358 doanh nghiệp (DN) sản xuất liên quan đến ôtô, trong đó có 50 DN lắp ráp, 45 DN sản xuất khung gầm, thân xe và thùng xe. Số DN sản xuất linh kiện, phụ tùng ôtô lên đến 214. Tuy nhiên, con số này vẫn rất khiêm tốn để có thể thúc đẩy ngành này trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn.
Công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô của Việt Nam đã hình thành, nhưng mới chỉ sản xuất được một số chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp. Chỉ có một số ít DN đầu tư dây chuyền công nghệ cao hơn như dập thân, vỏ xe. Hiện nay sự liên kết giữa DN công nghiệp hỗ trợ và DN lắp ráp ôtô hoàn chỉnh rất yếu. Đây là tình trạng chung của ngành công nghiệp Việt Nam chứ không riêng gì đối với công nghiệp ôtô.
Giới chuyên gia nhận định, việc đề xuất nêu trên của Bộ Công thương nếu được chấp thuận sẽ tạo một bước ngoặt mới cho ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng Việt Nam không chỉ có ngành công nghiệp ô tô mà vẫn còn nhiều ngành công nghiệp khác có thể trở thành ngành mũi nhọn. Nhấn mạnh điều này, ông Đào Phan Long- Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng, nhìn trên bình diện chung của toàn ngành cơ khí Việt Nam, ôtô chỉ là một ngành, bên cạnh đó còn có kinh tế biển. Chủ lực của kinh tế biển là ngành đóng tàu, chế tạo các công trình thủy lợi chống ngập mặn, nước biển dâng. Ngoài ra, là những phân ngành sản phẩm cơ khí khác như máy nông nghiệp, chế biến, bảo quản cho các ngành nông nghiệp như thủy sản, hải sản, nông nghiệp gồm cây lúa, cây ăn quả, cây công nghiệp… Hay sản phẩm phục vụ cho các nhà máy điện, dầu khí. Vậy câu hỏi đặt ra là, tại sao chỉ có một mình ngành ôtô được nêu trong Đề án về công nghiệp hỗ trợ?
Đồng thời, vị chuyên gia nêu quan điểm, để có được ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô như mong muốn, Thái Lan đã phải mất tới 20 năm mới có được, do vậy các DN Việt Nam cũng phải xây dựng có bài bản sản phẩm chứ không thể mong có được ngay trong một sớm một chiều.