Thu hút và phát huy người tài
Vấn đề thu hút người tài vào làm việc, nhất là ở những vùng kinh tế khó khăn, đã và đang tiếp tục là vấn đề được xã hội quan tâm. Vậy cần có những chính sách cụ thể gì để thu hút người tài về vùng này nói riêng và trên phạm vi cả nước trong nhiều lĩnh vực ngành nghề nói chung? Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Tiến Dĩnh- nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, quan trọng là điều kiện và môi trường làm việc.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh.
PV: Thưa ông tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt vấn đề thu hút người tài giỏi, người giàu, sinh viên đến miền Trung sinh sống và làm việc. Nhìn rộng ra không chỉ miền Trung mà nhiều vùng kinh tế khó khăn, dân tộc thiểu số khác cũng cần người tài đến làm việc. Vậy chúng ta cần có chính sách nào để thu hút người tài về vùng này để phát triển kinh tế?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Tất cả các tỉnh, thành hiện đều có chương trình thu hút người tài về sinh sống, làm việc. Nhưng vùng khó khăn khó thu hút hơn vì bản thân người có năng lực muốn sống ở các khu đô thị lớn tìm kiếm việc làm do môi trường làm việc tốt. Ở quy mô toàn quốc chúng ta đã có dự án 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo và Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020.
Dự án 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã hiện giờ đã kết thúc. Các tỉnh, thành cũng có những cơ chế thu hút người tài nhưng sự hấp dẫn chưa cao. Ngay Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dù đã thu hút được người tài về nhưng số lượng ở lại cũng rất ít, như Hà Nội chỉ có 10% ở lại, còn lại là ra đi. Đà Nẵng có cả chương trình cho người tài đi đào tạo ở nước ngoài song nhiều người sau khi trở về vẫn từ bỏ cơ quan nhà nước. Cái chính là do khi thu hút về nhưng môi trường, điều kiện làm việc cho họ vẫn còn hạn chế, đến giờ chưa tháo gỡ được vấn đề này.
Bộ Nội vụ có hẳn một Nghị định về tìm kiếm, phát hiện, tuyển chọn người có tài năng nhưng vướng về Luật Sỹ quan, Luật Cán bộ công chức, viên chức nên gần như môi trường làm việc cho người tài được thu hút về bị hạn chế. Có thể họ được cấp tiền, cấp đất, cấp nhà nhưng trong quá trình làm việc lại khó trong sắp xếp bố trí, thậm chí tuyển dụng thành công chức, hay tại một số nơi, người lãnh đạo không tôn trọng sử dụng họ, coi họ như công chức mới ra trường nên họ lại ra đi. Như TP Hồ Chí Minh còn bố trí trái nghề, đơn cử như làm về công nghệ thông tin nhưng lại bố trí về Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì môi trường làm việc và sử dụng của các cơ quan nhà nước đối với người được thu hút về chưa hợp lý nên cuối cùng họ không trụ lại mà ra đi, thậm chí có người xong chương trình đào tạo, làm việc trong cơ quan nhà nước 3-5 năm rồi lại đi. Tại Đà Nẵng, có người trả lại tiền đào tạo cho Nhà nước để đi ra khu vực khác làm việc. Cho nên chúng ta cần giải quyết đồng bộ, thống nhất, không những lãnh đạo cấp trên mà ngay các cơ quan đơn vị khi sử dụng những con người đó cũng phải trọng dụng họ thì mới được.
Trở lại với Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo. Cá nhân ông đánh giá như thế nào về dự án này? Và tại sao chúng ta lại kết thúc không triển khai tiếp trong khi những vùng này đang thiếu người tài?
- Sau 5 năm triển khai thực hiện, Dự án tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, chính trị của các địa phương. Theo đánh giá sau 5 năm cho thấy 95-96% là đạt loại tốt. Lúc đầu, chúng ta tính dự án kéo dài 7 năm nhưng thực tế có 5 năm thực hiện do 2 năm đầu là quá trình vận hành dự án. Dự án chỉ kéo dài 1 nhiệm kỳ vì Nhà nước bỏ tiền ra để hỗ trợ do những người đó không tính trong biên chế và toàn bộ lương, chi phí là do Chính phủ chi trả. Có nghĩa Chính phủ giúp cho các địa phương đó trong 5 năm để tạo nguồn trực tiếp cho địa phương. Vì lúc đó, các địa phương không tìm được người làm Phó Chủ tịch xã nên Chính phủ đã tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng đưa về làm Phó Chủ tịch xã để tạo nguồn tại chỗ cho địa phương. Trên cơ sở trong 5 năm đó khi họ đã phát triển thì địa phương phải quy hoạch, đào tạo, bố trí để họ có thể tiếp tục làm Phó Chủ tịch xã, hoặc đưa lên làm Chủ tịch, hay đưa lên vị trí cao hơn tùy vào sự phát triển của mỗi người. Bởi Chính phủ đưa về đã là tạo nguồn và giúp cho địa phương rồi.
Tuy nhiên, đánh giá sau 5 năm thực hiện Dự án đưa trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã, có đến 95-96% là đạt loại tốt. Vậy sao chúng ta lại không duy trì tiếp?Phải chăng có điểm nghẽn nào, thưa ông?
- Làm 1 nhiệm kỳ vì sau đó nếu họ được khẳng định và phát triển thì lúc đó họ phải trở thành đội ngũ chính thức của địa phương. Người của anh, anh đã sử dụng rồi thì bản thân các địa phương phải đưa họ vào đội ngũ biên chế của mình để trả tiền lương chứ Nhà nước không thể bao cấp mãi như thế được. Khi thấy họ tốt, địa phương phải có trách nhiệm sử dụng, phát triển, đưa họ vào đội ngũ biên chế, nếu cứ để Trung ương trả lương là không được. Còn hiện nay để giúp cho các địa phương, chúng ta vẫn đang thực hiện Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020, và đến năm 2020 mới kết thúc chương trình này.
Như vậy vấn đề quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của từng địa phương trong việc tìm kiếm cũng như giữ chân người tài, thưa ông?
- Đúng là cần có các cơ chế chính sách để thu hút người tài, nhưng các cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng phải tạo ra môi trường làm việc và điều kiện làm việc tốt cho họ. Bên cạnh chính sách chung, từng đơn vị, cơ quan khi sử dụng người tài cũng phải tạo môi trường thuận lợi. Nếu coi họ là “trẻ người non dạ” nên không giao việc, phân công việc theo kiểu “đầu sai”, “làm việc vặt”, không bố trí chức vụ do vướng luật nọ, luật kia… thì không thể giữ chân cũng như phát huy được họ. Rất nhiều vấn đề đang được đặt ra, cho nên các cơ quan trực tiếp sử dụng phải tạo điều kiện môi trường làm việc cho những tri thức trẻ đó. Đây chính là gốc rễ của vấn đề, nếu không làm tốt khâu này thì người có tài vẫn sẽ ra đi, không kể có những trường hợp bị thui chột.
Trân trọng cảm ơn ông!