Nghi ngại giá trị văn bằng
Ở thời điểm hiện tại, từ vụ việc đào tạo văn bằng 2 của Trường ĐH Đông Đô, dư luận cho rằng hiện còn nhiều kẽ hở trong việc quản lý và thanh tra, giám sát đào tạo các chương trình liên kết, văn bằng 2 của các cơ sở giáo dục ĐH. Thực tế này cũng đặt ra nhiều lo lắng về việc đồng nhất giá trị văn bằng ĐH.
Việc đồng nhất giá trị văn bằng cần có thời gian.
Có độ “vênh” trong quản lý
Nhiều băn khoăn cũng đang được đặt ra: Tuy Bộ GDĐT khẳng định không cho phép ĐH Đông Đô tuyển sinh, đào tạo và cấp văn bằng 2 trong nhiều năm, nhưng trong 3 năm gần đây (từ 2015 đến 2017) Bộ có xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh đăng ký của ĐH Đông Đô, trong đó có nội dung đào tạo văn bằng 2. Từ 2018, khi Bộ GDĐT ban hành thông tư số 06/2018 quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ, việc ra thông báo xác nhận chỉ tiêu không còn tồn tại.
Dẫu thế năm 2018, khi Đoàn kiểm tra của Bộ GDĐT đã kiểm tra cam kết thành lập trường ĐH ngoài công lập năm 2018 tại Trường ĐH Đông Đô, kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, trường đang đào tạo ĐH văn bằng 2 chính quy với 323 sinh viên.
Trước đó, khi có những lùm xùm liên quan đến việc đào tạo văn bằng 2 của Trường ĐH Đông Đô, Bộ GDĐT cho biết, từ năm 2016 đến năm 2018, Trường ĐH Đông Đô có thực hiện báo cáo thông tin tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy. Tuy nhiên, trong Báo cáo kết quả tuyển sinh các năm từ 2016 đến 2018 gửi về Vụ Giáo dục Đại học (GDĐH) của trường không có thông tin về việc đào tạo văn bằng 2. Do Trường ĐH Đông Đô không gửi hồ sơ xin phép đào tạo văn bằng 2 nên Bộ cũng không yêu cầu trường báo cáo (theo quy định tại Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT).
Trước thông tin phản hồi trên của Bộ GDĐT, câu hỏi được đặt ra là Bộ này chịu trách nhiệm như thế nào trước sự việc một trường ĐH giữa Thủ đô công khai tuyển sinh hàng trăm sinh viên văn bằng 2 khi chưa hề được cấp phép đào tạo hình thức này. Không thể nói vì chưa cấp phép nên không kiểm tra, không phát hiện, xử lý kịp thời sai phạm đã diễn ra vài năm nay. Và kể cả đến năm 2018, khi Thanh tra phát hiện ra những sai sót của trường, Bộ GDĐT vẫn không kịp thời xử lý. Điều này không khỏi khiến dư luận thắc mắc: Như vậy phải chăng không chỉ quá trình cấp phôi bằng, mà ngay cả quá trình thanh tra, giám sát đào tạo tuyển sinh, cũng như xử lý kết quả thanh tra hiện nay của cơ quan chủ quản cũng đang có vấn đề?
Băn khoăn chất lượng văn bằng
Hiện Bộ GDĐT vẫn chưa có ý kiến chính thức nào liên quan đến những người sử dụng văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh để dự tuyển đào tạo tiến sĩ. Tuy nhiên, nhiều trường đang tiến hành rà soát lại việc các nghiên cứu sinh sử dụng văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh để chủ động xử lý khi các cơ quan chức năng có kết luận cuối cùng.
Bởi theo tinh thần thông tư 08/2017/TT-BGDĐT, quy định về chứng chỉ ngoại ngữ đầu vào dự tuyển đào tạo tiến sĩ được siết chặt hơn trước rất nhiều. Cụ thể người dự tuyển phải có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 45 trở lên hoặc Chứng chỉ IELTS (Academic Test) từ 5.0 trở lên do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp trong thời hạn 2 năm (24 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển. Khi chứng chỉ khó có thể đạt được thì nhiều người tính đến phương án học văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh ĐH chính quy (bởi theo quy định dự tuyển đầu vào đào tạo tiến sĩ thì chỉ cần có bằng tốt nghiệp ĐH các ngành ngôn ngữ nước ngoài do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp). Điểm ưu việt là giá trị của văn bằng này là vĩnh viễn, không hạn chế về hạn định như các chứng chỉ đã nêu trên.
Theo phân tích từ các chuyên gia, lâu nay, văn bằng 2 vẫn được xem là cung - cầu đã gặp nhau. Việc đào tạo văn bằng 2 góp phần đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân và nhu cầu về nhân lực cho xã hội. Nhưng các ý kiến đều đồng tình cho rằng khuyến khích không có nghĩa là buông lỏng mà phải đi kèm với kiểm định chất lượng.
Từ trường hợp của Trường ĐH Đông Đô, nhiều người bày tỏ sự lo lắng về chất lượng văn bằng hiện nay. Nhất là khi Luật GDĐH sửa đổi chính thức có hiệu lực từ 1/7 vừa rồi, theo quy định các loại hình đào tạo ĐH có giá trị như nhau, trên các văn bằng không còn ghi loại hình đào tạo chính quy hay tại chức. Điều này có nghĩa sự phân biệt về bằng cấp giữa các hình thức đào tạo ĐH đã không còn. Nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiều băn khoăn, lo lắng, thậm chí là hoài nghi về độ “vênh” trong chất lượng đào tạo và chuẩn đầu ra ở các loại hình đào tạo khác nhau.
Trên thực tế, hệ thống GDĐH đang tồn tại nhiều hệ đào tạo, từ chính quy đến tại chức, văn bằng 2, liên thông, từ xa. Mỗi hệ đào tạo được mở ra, người học hoàn thành đều có tên bằng chung là bằng ĐH nhưng giá trị khác nhau. Điều này lý giải tại sao bằng ĐH lại ghi rõ cử nhân ĐH hệ chính quy, liên thông, từ xa… mà không phải chỉ đơn thuần là cử nhân ĐH. Xét về đầu vào thì sinh viên hệ tại chức không bằng hệ chính quy do họ thường đã rớt ĐH. Xét về khối lượng của chương trình đào tạo thì hệ tại chức chỉ bằng 75% hệ chính quy… Từ sự khác nhau đó, nếu xếp bằng ĐH chính quy có giá trị như bằng tại chức, văn bằng 2, liên thông, từ xa… vẫn là một quy định khiến nhiều người băn khoăn.
TS Hoàng Ngọc Vinh- nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho rằng: Quy định bằng chính quy và tại chức có giá trị ngang nhau là chính sách tiến bộ, tạo nền giáo dục mở, mang lại cơ hội cho người có động cơ học tập đúng đắn. Tuy nhiên, xã hội vẫn nghi ngại giá trị văn bằng của hình thức đào tạo không chính quy. Bằng tại chức, liên thông, đào tạo từ xa… chưa được xem trọng, âu cũng là do thái độ người học, khâu kiểm soát chất lượng lỏng lẻo.