Những dòng sông đã từng uốn quanh Hà Nội
Hà Nội có nhiều con sông nhưng bây giờ ngay cả lúc đang là mùa mưa cũng không đủ nước, chưa kể là các lòng sông ô nhiễm. Khảo sát trên bản đồ cho thấy: trong 50 năm qua, 80-90% diện tích mặt nước sông hồ Hà Nội đã bị san lấp, bao gồm cả vùng ruộng trũng, diện tích bán ngập.
Bản đồ Trung Đô về Hà Nội.
Khi dòng sông là ranh giới
Nhìn vào những tấm bản đồ còn lại, Hà Nội đã chảy qua 3 thế kỷ và đã có những dòng sông đã từng uốn quanh Hà Nội.
Đầu tiên, trên tấm bản đô Trung Đô do nhà Nguyễn lập (khoảng những năm 1831-1875) cho thấy thành Hà Nội đã xây theo lối Tây, chung quanh có hào nước, hào nước nối với Sông Hồng và chuỗi đầm hồ bằng những dòng sông nhỏ. Hà Nội lúc này có 16 cửa ô, chứ không chỉ có 5 cửa ô mà ta thường nghe vậy.
Còn ở tấm bản đồ do Phạm Đình Bạch vẽ 1873, phóng to lên thì thấy có nhiều dòng sông nhỏ đi từ sông Hồng vào các hồ. Các hồ lại nối với nhau nên đi khắp phố bằng thuyền dễ dàng.
Ở bức ảnh Cửa Bắc - thành Hà Nội với cây cầu gạch bắc qua hào nước bao quanh. Bên ngoài hào nước là dãy phố chợ lúp xúp và dòng người đẩy xe cút kít bánh gỗ. Nhìn từ sông Hồng vào Hà Nội với những mái tháp vươn cao hàng cây. Toán lính Pháp rút khỏi thành Hà Nội sau hòa ước 1874, bước ra khỏi Đông Môn là họ lên thuyền qua phố để ra sông Hồng.
Trong bức tranh của cố họa sĩ Nguyễn Thế Khang làm rõ hơn các phố phường nổi trên mặt nước thật tài tình, không rõ đâu là phố đâu là sông, cả Hà Nội nổi trên mặt nước, giữa các dòng sông... Đúng là Hà Nội – vùng đất bên trong (Nội) sông hồ (Hà).
Cũng dễ nhận thấy chuỗi hồ ao sông nước dày đặc chính là dấu tích của sông Hồng dịch chuyển dòng chảy về phía Đông để lại một phần mặt nước của mình trong lòng phố phường.
Người Pháp sau khi được nhà Nguyễn cắt đất khu Đồn Thủy (1874) họ đánh thành Hà Nội lần 2 và chiếm cả Hà Nội năm 1883, đến năm 1885 người Pháp lập kế hoạch xây 4 phố mới nối khu Đồn Thủy với thành Hà Nội. Năm 1887, họ lập kế hoạch phá dỡ thành, san lấp hào nước bao quanh.
Đầu thế kỷ 20, mặt chính của Hà Nội nhìn ra sông Hồng, con đường lớn ngay sát mép nước. Bến Chợ Gạo chi chít tàu đậu, hoạt động náo nhiệt: chở khách, chở hàng từ Hà Nội đi đến các tỉnh duyên hải cũng như các tỉnh trung du phía Bắc.
Năm 1926, lũ lớn uy hiếp nội thành, đê đắp mỗi năm một cao. Lường trước tình huống này, từ năm 1923, KTS E.Hebrad - Giám đốc Sở kiến trúc đã lập sơ đồ mở rộng thành phố, trong đó thay vì thoát nước từ Tây sang Đông ra thẳng sông Hông, mà quay về phía Nam. Tuy nhiên, do còn nhiều hạn chế nên kế hoạch lùi lại gần 20 năm, tới năm 1943, KTS Luis Pineu, cấp phó cũng là người kế nhiệm của KTS E.Hebrad mới công bố bản quy hoạch mở rộng Hà Nội: các hồ nước được trình bày lẫn trong màu xanh công viên.
Trong khu phố trung tâm các dòng sông đều ngầm hóa chỉ còn sông Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Lừ, Sét ở phía Nam thành phố mở rộng (theo sơ đồ của KTS E.Hebrad). Các dòng sông cũng là ranh giới của thành phố với vùng làng xóm ngoại ô.
Cần ứng xử hài hòa và thân thiện
Sau 1954, các khu vực bên ngoài thành phố vẫn là các làng nông nghiệp ven đô: trồng trọt, chăn nuôi... Nước thải từ trong phố ra qua các dòng sông, mương nhỏ đổ vào đầm hồ để nuôi cá, thả bèo, tưới rau... Tuy nhiên, dần dà bị lấp dần không theo quy hoạch, nên nhìn vào bản đồ lập năm 1960 với năm 2010 tại hai khu vực quận Đống Đa và phía Nam quận Hai Bà Trưng thì thấy nhà cửa dày đặc: những đường ngõ nhỏ li ti, còn các dòng sông hay mặt hồ biến mất. Mỗi khi mưa to, những nơi này úng ngập, ô nhiễm. Để cải thiện nơi này hẳn tốn nhiều tiền và nhiều năm sau nữa và mới giải quyết căn bản.
Năm 1965, chiến tranh phá hoại do không quân Mỹ đánh phá miền Bắc đã làm đình trệ nhiều kế hoạch kiến thiết Hà Nội, các hệ thống đê bao quanh sông vùng Hà Nội cũng là mục tiêu đánh phá, lại thêm trận lũ lịch sử 1971 đã làm nhiều trũng quanh Hà Nội ngập nặng.
Những bản quy hoạch mở rộng Hà Nội cũng dừng lại bên bờ Nam sông Hồng và các dòng sông khác trong phố cũng chưa có số phận rõ ràng... Mưa to những năm 1980-1990 làm ngập úng cả trong khu phố cũ. Còn những hình ảnh cho thấy trận lụt 1970 nước mấp mé đường sắt phía bắc cầu Long Biên và ngập úng Hồ Gươm 1980.
Từ năm 1990, chuyên gia nước ngoài hỗ trợ Hà Nội quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải: tất cả các con sông hiện hữu được đưa vào phương án với chức năng mương thoát nước thải lộ thiên. Do không kiểm soát được các nguồn nước thải ô nhiễm, hầu hết sông hồ Hà Nội đã trở thành nơi chứa nước thải và toàn bộ các con sông cũng dẫn nước thải chưa qua xử lý. Do toàn bộ thoát nước đổ dồn từ Bắc xuống Nam, cộng thêm các vùng bán ngập bị san lấp để xây dựng nhà cửa đường sá... nên trận mưa lớn kéo dài cuối năm 2018 đã nhấn chìm nhiều khu vực nội thành. Tổng lượng 23 triệu m3 nước mưa dồn vào sông Tô Lịch, trạm Bơm Yên Sở chạy hết công suất hàng chục ngày mới bơm hết ra sông Hồng.
Dự án thoát nước và xử lý nước thải đã không hoàn thành nhiệm vụ khi không giải quyết được úng ngập cũng như ô nhiễm sông hồ. Hà Nội không phải là thành phố duy nhất mắc sai lầm này. Đối mặt với những thách thức của xu hướng đô thị hóa tốc độ cao, các thành phố châu Á đã có những giải pháp tích hợp đa nhiệm hệ thống thoát nước với bảo vệ sông hồ và giao thông đô thị.
Hà Nội có nhiều con sông nhưng hiện nay đổ hết nước mùa lũ và cạn trơ đáy mùa cạn, lại thêm ô nhiễm tràn lan. Chúng ta cần có cách ứng xử hài hòa và thân thiện với những dòng sông chảy trong phố và bên ngoài thành phố, làm sao để vùng trũng ngập sẽ trở thành nơi lưu giữ nước sạch, nơi chuyển đổi sinh hóa nước thải thành nguồn nước nuôi dưỡng cây trồng và vật nuôi.
Cần phải tích hợp những dự án giao thông ngầm lớn thành các dòng sông ngầm hay hồ chứa nước sạch ngầm phòng khi khô hạn. Một chương mới của Hà Nội với các dòng sông ngầm nổi...
Hy vọng một ngày nào đó người Hà Nội dạo bước bên bờ sông Hồng, giống như bức ảnh chụp phố Hà Nội bên sông Hồng, chụp cách đây 100 năm.