Nặng chủ nghĩa cá nhân, sẽ phạm nhiều sai lầm

Chính Nhân 02/09/2019 09:05

Tháng 5/1968, sau khi xem lại một số bản thảo Di chúc đã đánh máy, Bác Hồ đã viết thêm một số trang bổ sung, trong đó ngay ở phần đầu đã ghi: “Theo ý tôi, việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm trọn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn đến mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi".

Nặng chủ nghĩa cá nhân, sẽ phạm nhiều sai lầm

Theo tập hồi ký "Bác Hồ viết Di chúc" của đồng chí Vũ Kỳ (Thế Kỷ ghi), Bác Hồ bắt đầu ngồi vào bàn viết những dòng đầu tiên vào tài liệu "Tuyệt đối bí mật" lúc 9 giờ sáng ngày 9-5-1965, thời điểm "đẹp nhất của một ngày", đúng lúc "sức khoẻ tốt nhất trong những năm gần đấy". Và đó đã là những dòng đầu tiên của bản Di chúc mà Bác đã dặn lại cho muôn đời con cháu mai sau. Một trong những điều cực kỳ tâm huyết trong bản Di chúc đó, Bác đã dành để nói về sự tu dưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên ta: "Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
Ngay trong tập sách “Đường cách mệnh” xuất bản lần đầu tiên năm 1927, ngay ở những trang đầu tiên, tác giả Nguyễn Ái Quốc đã nêu ra rất rõ ràng và mạch lạc những tiêu chí về tư cách một người cách mạng. Đó là:

“Tự mình phải:
Cần kiệm.
Hòa mà không tư.
Cả quyết sửa lỗi mình.
Cẩn thận mà không nhút nhát.
Hay hỏi.
Nhẫn nại (chịu khó).
Hay nghiên cứu, xem xét.
Vị công vong tư.
Không hiếu danh, không kiêu ngạo.
Nói thì phải làm.
Giữ chủ nghĩa cho vững.
Hy sinh.
Ít lòng ham muốn về vật chất.
Bí mật.
Đối người phải:
Với từng người thì khoan thứ.
Với đoàn thể thì nghiêm.
Có lòng bày vẽ cho người.
Trực mà không táo bạo.
Hay xem xét người.
Làm việc phải:
Xem xét hoàn cảnh kỹ càng.
Quyết đoán.
Dũng cảm.
Phục tùng đoàn thể”.

Trong suốt cuộc đời hoạt động vì dân, vì nước không mệt mỏi của mình, Bác Hồ đã luôn nhấn mạnh tới việc, chỉ dựa trên nền tảng đạo đức thực sự, những người cộng sản Việt Nam mới có thể có cơ hội giữ vững được vai trò là đội quân tiên phong của dân tộc, đưa đất nước ngày một phát triển, tiến tới mục đích dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”... (sách “Sửa đổi lối làm việc”, viết xong tháng 10-1947). Bác nhìn nhận: khởi thủy của mọi thành bại trong sự nghiệp cách mạng chính là đạo đức. Cũng trong sách “Sửa đổi lối làm việc”, Bác đã viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”. Chính vì thế nên “Đảng phải chọn lựa những người rất trung thành và rất hăng hái, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo. Đảng phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hóa ra ngoài. Đảng phải giữ nghiêm kỷ luật từ trên xuống dưới”... Và mỗi đảng viên, để giữ vững đạo đức cách mạng, cần phải rèn giũa trong mình ít nhất là 5 đức tính tốt: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Theo Bác, đạo đức cách mạng chính là 5 phẩm chất trên và “đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”...

Bác Hồ đặc biệt nhấn mạnh tới chữ Liêm trong đạo đức của cán bộ cách mạng. Người đã lý giải chữ Liêm trên một bình diện rộng hơn và dân chủ hơn so với tư duy truyền thống của phương Đông. Bài báo "Thế nào là Liêm" đã được Bác cho đăng trên tờ báo Cứu quốc số ra ngày 1-6-1949 với bút danh Lê Quyết Thắng. Vẫn phong cách giản dị nhưng sâu sắc, Bác giải thích:

"Liêm là trong sạch, không tham lam.

Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, những người làm quan không đục khoét dân, thì gọi là Liêm, chữ Liêm ấy chỉ có nghĩa hẹp.

Cũng như ngày xưa Trung là trung với vua, Hiếu là hiếu với cha mẹ mình thôi.

Ngày nay, nước ta là Dân chủ Cộng hòa, chữ Liêm có nghĩa rộng hơn, là mọi người đều phải Liêm. Cũng như Trung là trung với Tổ quốc, Hiếu là hiếu với nhân dân. Ta thương cha mẹ ta, mà còn phải thương cha mẹ người, phải cho mọi người đều biết thương cha mẹ.

Chữ Liêm phải đi đôi với chữ Kiệm. Cũng như chữ Kiệm phải đi đôi với chữ Cần.

Có Kiệm thì mới Liêm được. Vì xa xỉ mà sinh ra tham lam.

Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất Liêm”...

Theo Bác, nhiệm vụ của những người cán bộ nói chung là "phải trau dồi đạo đức cách mạng" và "phải nâng cao tinh thần trách nhiệm", mà muốn vậy thì "phải luôn luôn chống chủ nghĩa cá nhân". Để giữ vững đạo đức cách mạng, chúng ta luôn cần phải chống lại chủ nghĩa cá nhân.

Ngay từ năm 1948, trên chiến khu Việt Bắc, Bác đã rung chuông báo động:
“Nhờ ngọn lửa kháng chiến hun đúc rèn luyện mà cán bộ quân sự, chính trị, hành chính, chuyên môn đều tiến bộ nhiều và nhanh. Song vẫn còn một vài người, một vài cơ quan hãy chưa tẩy hết cái bệnh chủ nghĩa cá nhân. Bệnh ấy tỏ rõ ra nơi:

Ngày thường thì kỷ luật kém.

Khi có vấn đề nghiêm trọng thì hoang mang.

Lúc tính toán công việc thì đặt lợi ích cá nhân mình, của nhóm mình lên trên lợi ích chung.

Bệnh ấy dễ đưa đến chỗ trái kỷ luật, lợi ích của dân tộc”.

Bác cũng đã sớm nhìn ra mối liên hệ giữa chủ nghĩa cá nhân với bệnh quan liêu:

“Do chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra bệnh quan liêu. Kềnh càng. kiêu ngạo. Chậm chạp. Làm cho qua chuyện. Ham chuộng hình thức”...

Ngày 3/2/1969, 7 tháng trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, trong một bài viết của mình, Bác Hồ vẫn còn đau đáu với việc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và lên án những phần tử mang danh cách mạng mà thoái hóa, biến chất: "Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo "mình vì mọi người" mà chỉ muốn "mọi người vì mình".

Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ.

Cũng do chủ nghĩa cá nhân mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm...

Tóm lại, do chủ nghĩa cá nhân mà phạm nhiều sai lầm".

Cũng phải thấy rằng, các tiêu chí đạo đức cách mạng mà Bác Hồ nêu ra luôn lấy chữ nhân nghĩa làm đầu: “Nhân là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân. Vì thế mà sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền... Những người đã không ham, không e, không sợ gì thì việc gì là việc phải họ đều làm được”. Câu nói này của Bác có thể khiến chúng ta liên tưởng đến một câu nói xưa trong “Diêm Thiết luận” của Trung Hoa: “Người quân tử, trọng được, khinh được, làm tội được, giết chết được, nhưng không thể bắt làm xằng được”. Người cán bộ cách mạng có đạo đức phải là người không bao giờ làm việc gì xằng bậy, có hại đến Đảng, đến nhân dân. Làm cách mạng, suy cho cùng, cũng là làm để dân yên. (Ở đây ta cũng có thể liên tưởng tới câu văn thấm thía của Nguyễn Trãi trong “Đại cáo bình Ngô”: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”). Năm 1948, khi viết bài đề cập tới “6 điều không nên làm và 6 điều nên làm” dành cho cán bộ, đảng viên ta trong các lĩnh vực hoạt động, Bác đã mở đầu bằng câu: “Nước lấy dân làm gốc” và diễn giải chi tiết những việc không nên làm khiến mất lòng dân, thí dụ như “không nên làm điều gì có thể thiệt hại đến nương vườn, hoa mầu, hoặc làm bẩn, làm hư nhà cửa, đồ đạc của dân”, “không nên năn nỉ quá hoặc mượn cho bằng được những đồ vật người ta không muốn bán hoặc cho mượn”, “không bao giờ sai lời hứa”, “không xúc phạm tới tín ngưỡng”... Thậm chí, Bác còn căn dặn: “Không nên đưa gà còn sống vào nhà đồng bào miền ngược”.

Luôn luôn có tầm nhìn xa trông rộng, hướng tới đại cục, nhưng khi cần thiết, Bác Hồ cũng biết nói một cách rất tỉ mỉ tới những việc cứ tưởng như nhỏ nhưng lại có thể làm phương hại tới hình ảnh đạo đức của người cán bộ cách mạng...

Chính Nhân