Gặp người có mặt tại Quảng trường Nhà hát Lớn chiều 17/8/1945

Trần Kiến Quốc 29/08/2019 09:05

Cuối năm 2014, khi đoàn làm phim "Những người làm Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội" vừa rời văn phòng của TS Nguyễn Mạnh Hà -Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - thì được điện thoại gọi theo: "Các anh nên đến phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại, nguyên Cục phó Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu) - một nhân chứng sống của Cách mạng Tháng Tám". Ngay lập tức điện thoại cho ông thì ông cười: “Cứ đến đi! Chú là học trò bố cháu mà”.

Sáng hôm đó, trời rất lạnh. Đến đầu khu tập thể quân đội Liễu Giai thì đã thấy vị tướng già tuổi 83 cẩn thận ra tận ngõ đón khách.

Gặp người có mặt tại Quảng trường Nhà hát Lớn chiều 17/8/1945

Tác giả cùng MC Mỹ Vân trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại.

Nạn đói năm Ất Dậu

“... Cha mẹ mình là dân Hà Nội gốc. Nhà ngay phố Hòa Mã... Các bạn trẻ bây giờ có thể hỏi vì sao Tổng khởi nghĩa 19-8-1945 ở Hà Nội có thể thành công một cách thần kì như thế - chỉ trong một ngày và không đổ một giọt máu? Nên nhớ là, một trong những động lực thúc đẩy chính là nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu. Có nhiều nguyên nhân gây ra nạn đói: do thiên tai (năm đó ở miền Bắc có trận lụt lịch sử); do Nhật, Pháp vơ vét thóc gạo để phục vụ chiến tranh; do Nhật bắt dân ta phá lúa trồng đay để lấy xen-luy-lô làm thuốc súng; trong khi ở đồng bằng sông Cửu Long thì đầy thóc nhưng phải dùng để đốt lò, chạy máy; do máy bay Mỹ núp danh Đồng minh ném bom làm giao thông bị chia cắt... Vậy là dân ta đói. Các cháu phải xem những bức ảnh do cụ Võ An Ninh chụp mới hình dung phần nào nạn đói khủng khiếp ấy. Năm đó mình mới 13 tuổi nhưng đã tận mắt chứng kiến hàng đoàn người gầy giơ xương, quần áo rách rưới, bẩn thỉu, đi dọc từ ngoại ô qua chợ Mơ, theo đường Bạch Mai lên phố Huế rồi lên Bờ Hồ… Nhưng dân Hà Nội cũng đang đói, có gì mà ăn. Vậy là bà con các tỉnh lên Hà Nội kiếm ăn, bị chết đói, nằm đầy đường. Sáng sáng, ông cùng anh chị trong nhà khênh những xác người chỉ còn nặng 12-13 kí, từ phố Hòa Mã ra phố Huế, để xếp lên xe mang đi chôn tập thể. Quần áo toàn mùi xác chết”...

Ông Thoại có ông bạn chí thân Phạm Công Lý cùng ở Cục Tác chiến, sau này là đại tá, thường kể: “Dòng họ Phạm ở Đông Hưng, Thái Bình nhà tao có 500 người, thế mà sau nạn đói Ất Dậu, chỉ còn đúng 2 người. Mày nhớ nhé, đúng 2 người, là tao và chú em trai. Nếu không có Việt Minh, không có Tổng khởi nghĩa thì dòng họ Phạm nhà tao ở Đông Hưng, Thái Bình đã bị xóa sổ”…

Đó là những ngày bi thương nhất của dân tộc. Cả nước năm 1945 chỉ có 25 triệu dân, miền Bắc có 9 triệu và đồng bằng Bắc Bộ có 6 triệu dân thì nạn đói đã cướp đi 2 triệu người, nghĩa là Bắc Bộ mất đi 1/3 dân số. Thật kinh khủng!

Thời gian này, có nhiều đảng phái cũng muốn đứng lên giành độc lập nhưng chỉ có Việt Minh với chủ trương đúng đắn “vận động quần chúng phá kho thóc của Nhật, chia cho dân nghèo, tự cứu lấy mình” mới thắng lợi. Vì chiến tranh, 2 anh em nhà Phạm Công Lý thất lạc nhau từ 1945, cho tới sau 30/4/1975 mới gặp lại, bởi thế ông Lý vô cùng biết ơn cụ Hồ, biết ơn Việt Minh.

Cuộc tuần hành thị uy lớn chưa từng có chiều 17/8/1945

Năm 1945, Nguyễn Đồng Thoại thi đỗ thủ khoa vào Trường Bưởi (tiếng Pháp gọi là Trường trung học Bảo hộ). Đây là trường công, học không mất tiền, nhưng không phải ai cũng thi vào được.

Chiều 17/8, nghe đồn có cuộc mit-tinh lớn ở Quảng trường Nhà hát Lớn của Tổng hội Công chức ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim đã “thu hồi chủ quyền từ tay Nhật”; cậu bé Thoại tò mò rủ chúng bạn đi xem.

“Khi vừa lên đến quảng trường đã thấy đông kín người, nào công chức, tiểu thương, nào Hướng đạo sinh Scout… Từ trên ban-công Nhà hát Lớn, cờ quẻ ly được thả xuống rồi công chức đồng thanh hát “Tiếng gọi Thanh niên”: “Này thanh niên ơi, quốc gia đến ngày giải phóng”… Họ vỗ tay “hoan hô chính phủ Trần Trọng Kim thu hồi độc lập”.

Bỗng nhiên thấy một nhóm người (sau mới biết đó là đội viên Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu)(1) lách đám đông, qua hàng rào cảnh sát, bảo an binh, tiến lên khán đài, rồi dồn các viên chức vào một góc. Cờ đỏ sao vàng khổ lớn bất ngờ được thả từ trên ban-công, thay cho cờ quẻ ly. Rồi họ cướp diễn đàn, dùng mic-rô kêu gọi bà con gìn giữ trật tự, ủng hộ Việt Minh. Hàng trăm cờ đỏ giấu sẵn trong người được giật ra, cả quảng trường thành một biển cờ cùng những tiếng hô "Ủng hộ Việt Minh!".

Nguyễn Đồng Thoại tò mò, cố len vào sát mic-rô để được thấy tận mắt. Ngay phía trước mặt là nhóm Hướng đạo sinh(2) mặc quần soóc, áo ka-ki và đội mũ rộng vành có chóp hình vuông. Trong không khí ồn nào, náo nhiệt, bỗng nghe một giọng phụ nữ nhỏ nhẹ, lại là giọng Huế, cất lên: "Chị em phụ nữ, giờ giải phóng chị em phụ nữ Việt Nam đã điểm. Chị em hãy theo Việt Minh giành chính quyền về tay".

Khi bài diễn thuyết vừa dứt, một người đàn ông quá phấn khích đã phất lá cờ đỏ sao vàng, hô lớn: “Đồng bào theo tôi!”. Vậy là cả đoàn người nối đuôi nhau theo anh ta ra đường Paul Bert (nay là Tràng Tiền). (Sau này mới biết đó là anh Mai Thiện Chi, thành viên đội trừ gian AS (Ám sát) của Việt Minh Hoàng Diệu). Bà con đang đứng xem dọc đường Paul Bert lập tức nhập cuộc.

Cuộc mít-tinh của Tổng hội Công chức đã biến thành cuộc tuần hành thị uy lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng do Việt Minh điều khiển. Nhiều lính bảo an cũng khoác súng đi theo. Dòng người vòng ra Bờ Hồ, lên Hàng Ngang, Hàng Đào… Khi đi ngang chợ Đồng Xuân thì trời đổ mưa. Mặc cho cơn mưa lớn như trút nước, đoàn người vừa đi vừa hô “Đả đảo phát xít. Hoan hô Việt Minh!”, hô hào dân chúng sẵn sàng theo Việt Minh đi chiếm các công sở.

Đoàn người như một con rắn khổng lồ vòng lên tận Phủ Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch). Lính Nhật đứng bên trong chỉ nhìn ra mà không hề phản ứng.

Dọc Phố Huế trở về nhà, người ướt như chuột lột, thỉnh thoảng vắt khô áo rồi lại đi. Vậy mà thấy một cụ già, tuổi ngoài 70, đội khăn xếp, mặc áo the bị mưa dính chặt vào người. Cứ đi một đoạn vài chục bước, cụ lại quay lại phía sau, nắm tay ngang đầu, khẽ hô: “Ủng hộ Việt Minh! Ủng hộ Việt Minh!”.

Cũng vì gặp trận mưa lớn hôm ấy mà ngay hôm sau cậu bé Nguyễn Đồng Thoại bị đau mắt đỏ. Vì thế ngày 19/8/1945 không có mặt ở Quảng trường Nhà hát Lớn. Cậu cứ tiếc mãi!

Gặp người có mặt tại Quảng trường Nhà hát Lớn chiều 17/8/1945 - 1

Bức ảnh trước sảnh Nhà hát Lớn chiều 17/8/1945.

Về bức ảnh lịch sử

Sau này, vào thăm Bảo tàng Cách mạng, Nguyễn Đồng Thoại thấy treo một bức ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Khoản chụp cảnh trước Nhà hát Lớn chiều 17/8/1945. Dưới có đánh dấu “x” vào người mặc áo dài đen, ghi là “Nguyễn Đồng Thoại”.

“Thật thú vị và không ngờ mình lại được chụp trong bức ảnh lịch sử này... Hôm ấy, từ Hòa Mã lên Nhà hát Lớn, mình mặc bộ áo the đen. Ngày ấy có bộ áo the như thế là lịch sự lắm. Cái áo mẹ may cho để chuẩn bị vào học Trường Bưởi! Cố len vào sát bên trong nhưng bị cản lại. Cánh công chức thì mặc áo sơ-mi trắng đứng vòng ngoài, sát hơn nữa là cánh Hướng đạo sinh Scout, có cả các em tuổi nhỏ hơn. Vừa thấy cờ 3 sọc bị kéo xuống, thay bằng cờ đỏ sao vàng thì nghe giọng nữ Hà Nội nói trên loa: “Yêu cầu bà con ổn định trật tự, nghe người của Việt Minh diễn thuyết!”. Sau này mới biết người thả cờ chính là ông Trần Lâm (Dân chủ đảng), còn người cầm mic-rô hô hào là bà Từ Trang Anh – nữ sinh Trưng Vương, người của Việt Minh Hoàng Diệu. Trong ảnh, người phụ nữ mặc áo dài đang đứng trên diễn đàn cầm mic-rô đọc diễn văn: "Từ ngày hôm nay, dân ta không còn sống kiếp nô lệ, chị em phụ nữ được bình đẳng”... chính là chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng, người của Dân chủ đảng. Nghe nói bài diễn văn này được ông Chu Văn Tích chấp bút.

Vậy Việt Minh giành được chính quyền đâu phải ngẫu nhiên như ai đã từng nói! Mọi việc đã được chuẩn bị cẩn thận, có tổ chức.

Xem lại thì thấy người bị đánh dấu "x" không phải là mình. Ông nhớ mình là người đang len vào, đứng ngay gần mấy anh Scout đội mũ ka-ki rộng vành. ”Nhưng chú thích sai sót chút cũng không sao vì đó vẫn là một tư liệu lịch sử quý giá!” (ông cười).

*

Bài viết ghi lại kỉ niệm đẹp của môt cậu bé thiếu niên 13 tuổi được vinh dự tận mắt chứng kiến sự kiện lịch sử tại quảng trường Nhà hát Lớn ngày 17/8/1945, sau này cậu đã trở thành anh bộ đội Cụ Hồ và là một thiếu tướng QĐNDVN, cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Ngày 4/7/2019, ông Nguyễn Đồng Thoại đã từ biệt thế giới này, thọ 88 tuổi.

Thành kính tưởng nhớ ông và những người dũng cảm hy sinh vì nước nhân 74 năm Ngày Tổng khởi nghĩa 19/8/1945!

Trần Kiến Quốc