Nhà văn Thiên Sơn: Đại gia là...
Làm thế nào mà một nhà văn lại có thể thâm nhập và thấu hiểu thế giới của những người siêu giàu? Ở thế giới của người siêu giàu có những điều gì cuốn hút và cần được phân tích? Những điểm mạnh và điểm yếu nào của họ mà chúng ta có thể nhìn nhận và đánh giá?
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Thiên Sơn, tác giả bộ tiểu thuyết “ĐẠI GIA” về những điều liên quan đến tác phẩm từng gây xôn xao dư luận và những suy nghĩ của anh về đề tài nóng bỏng khiến nhiều người quan tâm này.
Hồng Thanh Quang: “Đại gia”, đó là thế giới mà một nhà văn - công chức không giàu có rất khó thâm nhập. Tại sao anh lại chọn đề tài này?
Thiên Sơn: Tôi chọn đề tài này vì trước hết nó là một đề tài khó và hấp dẫn nhưng dường như trong các nhà văn đương đại chưa có ai dấn thân để viết một cách sâu sắc. Đó là một khoảng trống của nền văn học cần thiết phải bước vào, nhất là trong điều kiện ngày nay, giới doanh nhân đang chiếm một vị trí quan trọng chi phối đến sự phát triển xã hội. Qua đề tài này, có thể nói về những vấn đề phức tạp, nóng bỏng và trọng yếu của thời đại. Với một nhà văn, nhà báo, lấy tư liệu là một nghiệp vụ, đòi hỏi bí quyết riêng và sự dấn thân. Tôi có cách riêng để thâm nhập vào những mặt khác biệt, những bí ẩn phía sau của các hiện tượng xã hội và phân tích nó dựa vào những hiểu biết về quy luật xã hội và sự hình dung, phán đoán. Trong hơn 10 năm, tôi đã làm tư liệu như một nhà chuyên nghiệp để có thể dựng lên một bức tranh đời sống phong phú trong tác phẩm “Đại gia” với dung lượng gần 2.000 trang (gồm 3 tập, hiện mới xuất bản 2 tập).
Thực sự sau khi thu thập tư liệu để viết, anh cảm thấy thế nào? Có nhiều sự thất vọng không?
- Tôi luôn dặn mình phải khách quan khi đánh giá một tư liệu hay một hiện tượng xã hội. Người viết văn không nên gieo rắc định kiến mà phải có cái nhìn thấu suốt các quy luật vận động của xã hội. Tiểu thuyết “Đại gia” tôi viết năm 2008, nhưng thực ra được thai nghén từ năm 2004. Năm ấy, trong một lần được cùng nhà văn Sơn Tùng đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông có nói với tôi: “Nhà văn phải viết về ngày hôm nay, vì ngày hôm nay là quan trọng nhất”. Tôi suy nghĩ về điều đó rất nhiều. Nhà văn không dấn thân vào chỗ khó khăn gai góc thì chẳng thể tác động được vào xã hội. Thời kỳ ấy, ở nước ta đã xuất hiện những người giàu có một cách bất thường, và những người giàu ấy đã tham gia vào chi phối xã hội, thậm chí câu kết với các nhà cầm quyền từ thấp đến cao để xà xẻo tài sản nhà nước. Hơn thế, một số nhà tư bản nước ngoài vào nước ta làm ăn cũng bắt đầu tiến hành những chiêu trò để tác động vào chính sách. Những tập đoàn lợi ích phình to lên, các đại gia tìm cách chi phối cả vào chính trường. Không thể nói là không thất vọng với một thực trạng như vậy, nhưng khi viết, tôi đã trình bày nhân vật và sự việc một cách khách quan, đa diện, tránh cực đoan. Nhân vật của tôi, vì thế có tính chất “đa thanh”, có cả khía cạnh tốt và xấu với sự tương tác phức tạp giữa các mặt tâm lý, gợi mở những lý giải phía sau hành động. Lúc đầu tôi đặt tên cho bộ tiểu thuyết là “Quyền lực đen” với một mong muốn độc giả hãy chú trọng đến một lực lượng đang lũng đoạn, làm sụp đổ nhiều giá trị và chuẩn mực đạo đức cũng như chuẩn mực chính trị. Sau này, khi sách xuất bản, tôi đặt tên là “Đại gia”, một cái tên trung dung và gợi mở nhiều vấn đề hơn.
Tác phẩm của anh là một tiểu thuyết. Có người nhận xét rằng nó vẫn mang đậm tính chất báo chí hơn văn chương. Anh có tự ái không?
- Những người nhận xét như vậy thực ra là họ không đọc kỹ hoặc quan niệm về tính văn chương của họ không giống với tôi. Tôi theo đuổi một quan niệm khác họ về tính văn chương. Nếu nói về tính báo chí thì “Đại gia” có lẽ còn mới hơn cả báo chí. Khi tôi viết tác phẩm này, chưa có nhân vật nào ở Việt Nam được coi là tỷ phú đô-la, chưa có nhà trí thức Việt Nam đương đại nào được coi như những nhân vật dẫn dắt loài người và cũng chưa có vụ việc nào được khui ra nói lên rằng các doanh nhân giàu có đang chiếm hữu hàng ngàn tỷ, thậm chí cả trăm ngàn tỷ của quốc gia và đang lũng đoạn quyền lực nhà nước. Khi đó tôi viết bằng tiên cảm, bằng tưởng tượng và phán đoán, với mục tiêu cảnh tỉnh xã hội. Và sau này, thực tế đã diễn ra với một quy mô và cường độ kinh khủng, giống như những gì tôi đã viết. Khi sách viết ra, phải qua 12 nhà xuất bản mới in được, và khi in thì có người nói tôi “cường điệu quá mức”. Giờ thì những gì viết trong cuốn sách như đang diễn ra trong đời sống và báo chí tiếp tục phanh phui qua những vụ án lớn gây chấn động xã hội. “Đại gia” đến giờ vẫn nguyên vẹn tính thời sự và nhiều điều đặt ra trong đó sẽ vẫn còn có tính thời sự trong thời gian tới. Tất nhiên, với một tác phẩm văn học thì tính thời sự chỉ là một phần ý nghĩa. Quan trọng là qua tác phẩm phải dựng lên được một bức tranh rộng lớn, phức tạp và điển hình của đời sống có sức bao quát với những nhân vật, những mối quan hệ và những diễn biến có tính đột biến, tạo sự thu hút, gợi ngẫm suy. Tôi chủ trương dấn thân cho tiểu thuyết trường thiên. Từ khi là sinh viên văn ở Đại học Tổng hợp Hà Nội tôi đã dành thời gian để nghiên cứu kết cấu và những kỹ thuật phức tạp của loại tiểu thuyết này. Trong “Đại gia” tôi đã chú trọng xây dựng nhân vật điển hình (Tấn Đạt, Lê Đức, Trần Anh, Lê Trình, Lư, Nguyễn Khoa, Trần Bình…), đã chú trọng đến xây dựng mâu thuẫn (những mâu thuẫn đặc biệt mà tôi gọi là “mâu thuẫn cân não”, gây choáng váng cho người đọc) và kỹ thuật tạo chi tiết, đưa chi tiết ra trong một tiến trình được tính toán dựa vào tâm lý thưởng thức để luôn tạo độ căng của câu chuyện, gây hấp dẫn, việc luân chuyển cảnh và xen kẽ các trường đoạn có màu sắc thẩm mỹ khác nhau cũng được cân nhắc sao cho phù hợp với tâm lý thưởng thức. Về mặt nội dung, cuốn sách chú ý đến tính “vượt ngưỡng”, đề cập đến những điều chưa từng được đề cập trong các tiểu thuyết Việt Nam đương thời, đồng thời nhấn mạnh đến tính nhân văn và cảnh báo về sự sụp đổ đạo đức và luân lý xã hội. Tôi cho đó là tính văn chương của tác phẩm. Có điều này tôi muốn nói thêm, đây là một cuốn tiểu thuyết hư cấu gần với thực tế, có màu sắc của tiểu thuyết tư liệu chứ không có ý ám chỉ. Nếu báo chí phản ánh sự thật, nêu lên sự kiện thì văn chương giúp người ta hình dung về bức tranh tổng thể, phức tạp của đời sống. Khi cuốn sách in ra tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi đầy thiện cảm, nhưng cũng có những lối bình luận ác ý. Đó cũng là lẽ thường. Nền văn học Việt Nam đã nhiều năm bị ở phía sau đời sống, không tác động được vào đời sống một phần lớn bởi nhiều người viết nhìn thực tại một cách bàng quan, không thấu hiểu những quy luật vận động của xã hội hiện đại, một số khác thì chạy vào chủ nghĩa hình thức đơn thuần như một cái đuôi của chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại phương Tây. Không ít bài phê bình tỉa tót câu chữ, ca tụng một thứ văn chương xa lạ với con người. Tôi thì cho rằng, cuộc sống đầy thăng trầm, sự vật lộn để tranh đấu với cái xấu cái ác, những bi thương và sai lầm, những khát vọng rướm máu… chính là chất liệu cho văn học và nhà văn phải gắn bó với đời sống, phải đau khổ và đồng hành cùng nhân dân trên con đường đấu tranh và hy vọng. Chính điều đó sẽ giúp nhà văn viết nên những tác phẩm có ích cho đời sống.
Theo anh, những đại gia ở Việt Nam có nhiều nét tính cách chung không?
- Những người giàu nói chung đều có tham vọng, có ý chí và làm việc cực nhọc, không nề hà khó khăn vất vả. Họ cũng là những người tự tin, hoạt bát, lạc quan và có nghệ thuật dẫn dắt, chinh phục người khác. Tuy nhiên, kiến thức về kinh doanh của họ ít được trang bị toàn diện và bài bản. Tình thế của Việt Nam hiện nay đang chuyển đổi từ nền kinh tế lấy công hữu và cơ chế xin cho làm chính sang kinh tế thị trường, coi trọng dần thành phần kinh tế tư nhân. Thực tế ấy ngổn ngang, nhiều khe hở trong luật pháp và quản lý kinh tế xã hội. Việt Nam lại là một nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, nhiều cơ hội làm ăn mở ra cho người làm kinh doanh. Vì thế, nảy sinh tâm lý nóng vội trong việc làm giàu, chạy theo kinh doanh cơ hội mà không có tư duy thật bài bản, chắc chắn, sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều nhưng khả năng quản trị khủng hoảng yếu. Một điểm đáng chú ý là nhiều người bám vào cơ chế, tìm cách móc nối với những người có quyền lực để kiếm lợi mà coi thường luật pháp, dễ rơi vào bẫy phạm pháp, chưa thể hiện đầy đủ về trách nhiệm xã hội và tính nhân văn mà một người giàu phải thực thi như bổn phận với Tổ quốc và nhân dân mình.
Những nét tính cách nào ở riêng lẻ những đại gia mà anh biết và anh thích?
- Phạm Nhật Vượng kín đáo, thâm trầm, coi trọng tính hiện đại, tiêu chuẩn, kỷ luật cao. Trương Gia Bình lịch lãm, táo bạo, dám đối mặt thách thức và dấn thân vào các lĩnh vực mới. Lê Thanh Thản giản dị, chắc chắn, quyết đoán. Đặng Lê Nguyên Vũ lãng mạn mà có tham vọng…
Những định kiến xã hội phổ cập về các đại gia có còn đúng trong giai đoạn hiện nay hay không?
- Những người siêu giàu, nếu ta quan sát họ và tiếp xúc với họ sẽ thấy họ là những người có cá tính rất độc đáo, có tài và khát vọng lớn. Chúng ta đều hiểu, họ cũng có những nhược điểm và giới hạn đạo đức nhất định. Tôi thấy có tính hai mặt ở đây: Có người giàu đã làm ra nhà giá rẻ (không thể nói người dân không được lợi từ nhà giá rẻ) nhưng lại xây nhà vượt tầng và sai phạm trong trật tự xây dựng. Có người làm hàng không giá rẻ nhưng tiêu chuẩn và chất lượng không cao. Có người phá rừng, có người lấy đất của dân đền bù chưa thỏa đáng đẩy người dân vào uất ức, bần cùng. Nhiều người câu kết với người có quyền lực để bòn rút tài sản nhà nước và làm giàu bất chính. Vì những chuyện đó mà sinh ra những thành kiến, thậm chí người ta oán thán người giàu hoặc phủ nhận đóng góp xã hội của họ. Thế rồi có người bị khởi tố, bắt giam; có người bị nguyền rủa… Tất nhiên là các đại gia đó có lỗi, không ai biện hộ được cho họ. Và định kiến xã hội là việc họ phải chấp nhận cho đến khi thực hiện các chức năng xã hội và chứng minh được tầm vóc văn hóa, nhân văn của họ trước xã hội. Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói thêm, lỗi lớn để dẫn đến tình trạng băng hoại đạo đức, hoạt động bất chấp luật pháp và thiếu tính nhân văn của một số người giàu phải quy cho cơ chế và các cơ quan, các cá nhân có quyền lực quản lý trong những lĩnh vực cụ thể của xã hội. Tôi thấy đau lòng khi thời gian qua không ít người có tài đã phạm pháp và vào tù. Họ sai lầm và phải chịu trách nhiệm trước tội trạng của họ, nhưng việc rút ra những bài học trong quản lý để đưa tất cả mọi người vào phạm vi điều chỉnh và tuân thủ sự nghiêm minh của luật pháp mới là điều quan trọng. Chúng ta cần thoát dần sự phiến diện và cảm tính khi đánh giá một con người và thậm chí là với một giới sẽ ngày càng quan trọng như giới doanh nhân. Trong nhiều năm người Việt chưa coi trọng thỏa đáng vai trò của tầng lớp doanh nhân. Tôi mong rằng người Việt chúng ta biết tôn trọng người tài, trong đó có việc tôn trọng đúng mức những doanh nhân có phẩm giá. Đất nước có thêm những người giàu, có tài năng kinh doanh thì nền kinh tế của chúng ta mới có cơ hội phát triển nhanh được.
Nhà văn Thiên Sơn.
Tôi hỏi thực, khi anh viết, anh có phút nào nghĩ tới Vũ Trọng Phụng và thời của nhà văn đó đã sống không?
- Tôi nghĩ về Vũ Trọng Phụng rất nhiều. Ông là một tài năng xuất chúng dường như được sinh ra để ghi lại những quái thai, nghịch lý của thời đại mình. Vũ Trọng Phụng là một bút lực phi thường, có khả năng giễu nhại và phản tỉnh xã hội ở mặt luân lý, đạo đức cực kỳ xuất sắc. Thời kỳ những năm 30-40 của thế kỷ trước, khi Vũ Trọng Phụng đang sáng tác sung sức, xã hội Việt Nam bước sang giai đoạn giao lưu ảnh hưởng văn hóa Pháp, phong trào “Âu Tây tư tưởng” phát triển mạnh. Tất nhiên, phong trào này có những điểm tích cực của nó, nhưng cũng sinh ra những nhân tố xung đột với nền văn hóa dân tộc. Vũ Trọng Phụng với các tiểu thuyết “Giông tố”, “Số đỏ”… các phóng sự “Kỹ nghệ lấy Tây”, “Cơm thầy cơm cô”… phê phán mãnh liệt hiện tượng mất gốc, suy bại đạo đức, dối trá đã đẩy cả xã hội vào những trò nhố nhăng, điên đảo. Có thể nói, thời Vũ Trọng Phụng là một giai đoạn chuyển đổi phức tạp với những luồng giao cắt các quan điểm và bùng nổ những lối sống xung đột nhau. Giai đoạn ấy có nét tương đồng với hiện nay khi Việt Nam lại bước vào công cuộc hội nhập. Lần hội nhập này của nước ta từ thập niên chín mươi của thế kỷ trước, trong tư thế chủ động hơn, đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng. Ngày nay chúng ta không chỉ hội nhập với văn hóa Pháp mà với văn hóa Phương Tây nói chung và toàn thế giới. Lịch sử lại diễn ra những hiện tượng có tính quy luật, đó là sự xung đột văn hóa, lối sống, sự bùng nổ của những hiện tượng sinh hoạt và văn hóa đa dạng, phi truyền thống làm băng hoại những giá trị đạo đức, luân lý cổ truyền. Nếu như ở mặt kinh tế chúng ta có những bước tiến rõ ràng thì trong văn hóa và tinh thần đang ngổn ngang, bừa bộn, giằng co, gây nên những hiện tượng phức tạp, khó giải quyết.
Trong số các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, anh thích những cuốn nào nhất?
- “Giông tố” và “Số đỏ”.
Trong số những nhân vật của Vũ Trọng Phụng, anh thích những cái tên nào nhất? Vì sao?
- Vũ Trọng Phụng không chỉ có tài xây dựng nhân vật như những cá tính sống động điển hình mà còn có tài đặt tên cho nhân vật rất độc đáo như găm vào trong trí nhớ độc giả. Tôi không thể quên những nhân vật như Xuân Tóc Đỏ - một tên lưu manh, trèo me, nhặt banh ở sân quần vợt được đôn lên thành người có uy tín, uy lực trong giới thượng lưu, thành “vĩ nhân”, thành “anh hùng cứu quốc”. Qua nhân vật này, tác giả đã lột tả những lố lăng của một xã hội, nhất là lật tẩy cái thế giới thượng lưu đầy man trá, nhăng nhít. Tuýp-phờ-nờ (TYPN – Tôi yêu phụ nữ) là một nhà thiết kế thời trang, mệnh danh một nhà cải cách, thực ra là nhân vật phóng đãng điển hình khi xã hội tiếp xúc với văn hóa phương Tây và “cái dâm” của con người được giải phóng. Vũ Trọng Phụng phê phán sự thả cửa đó của bản năng đang hủy hoại phong hóa và những giá trị luân lý cổ truyền. Nghị Hách là kẻ nhân danh đại biểu của dân nhưng tùy tiện, dâm đãng và độc ác, tham lam, đầy thủ đoạn… Đó là những cái tên đầy sắc thái giễu nhại, có tính tư tưởng và phù hợp với tính cách nhân vật.
Người ta bảo, cơ chế thị trường rất dễ làm tha hóa nhân cách con người. Anh nghĩ sao?
- Tôi cho rằng đó là một nhận định có cơ sở. Kinh tế thị trường phát triển đến một mức nào đó sẽ biến toàn xã hội thành một “siêu thị khổng lồ”. Bước vào cái “siêu thị” đó người ta nghe thấy râm ran lời quảng cáo (kể cả những lời quảng cáo ngoa ngoắt, dối trá), những sự trưng bày hàng hóa, những lời thủ thỉ bán mua… Xã hội phát triển năng động và nhiều sáng kiến, nhưng tính thực dụng và lệ thuộc vào tiền bạc, coi sự giàu có như tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá con người là một thực tế đã và sẽ xảy ra. Đáng sợ, khi tính thực dụng không được kiểm soát đúng mức, khi luật pháp bị thao túng thì những thị trường “tiểu ngạch” nguy hiểm sẽ xuất hiện tấn công vào sự lương thiện và mạng sống của con người. Ngày nay chúng ta không lạ gì hiện tượng buôn bán người xuyên biên giới, hiện tượng mua bán nội tạng, hiện tượng mua bán thai nhi… Một số người kiếm được nhiều tiền, trong xu thế đắc thắng đã tự coi mình là những kẻ có quyền chi phối, lũng đoạn xã hội, hủy hoại môi trường, lừa dối, bất chính. Khi cái lợi đã đặt lên nấc thang cao nhất trong xã hội thì nó sẽ dẫm đạp, hủy hoại lên những giá trị khác. Tuy nhiên ngày nay, kinh tế thị trường không còn là một hiện tượng đơn lẻ và cũng không phải chỉ mang đến những mặt tiêu cực cho đời sống xã hội. Kinh nghiệm của các nước phát triển đã để lại những bài học cho chúng ta trên con đường định hướng và xây dựng đất nước trong nền kinh tế thị trường.
Phi thương bất phú, sự phát triển lành mạnh không thể nào thiếu những người tạo nghiệp vật chất. Làm sao để con người vẫn bảo toàn được những phẩm hạnh của mình mà vẫn phát đạt trên thương trường?
- Phát triển theo kinh tế thị trường là một xu thế không thể đảo ngược. Ngày nay, hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đây, thị trường sẽ liên thông với mức độ và quy mô ngày càng lớn, ở cấp độ liên lục địa. Các quốc gia sẽ ngày càng ảnh hưởng với nhau hơn. Tầng lớp doanh nhân sẽ ngày càng có vị trí và tầm ảnh hưởng với toàn xã hội và sẽ trở thành nhân vật chính trong sự thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Chúng ta đã và đang thay đổi, đang ngày càng đánh giá đúng mức vai trò của tầng lớp này trong xã hội hiện đại. Phẩm hạnh, trí tuệ của tầng lớp này cũng ngày càng được yêu cầu và coi trọng hơn.
Hiện nay, chúng ta đang trong một thời kỳ quá độ cả về mặt tư duy và cơ chế, luật pháp nên không tránh khỏi sơ hở tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp thao túng, nhiều doanh nhân đánh mất đạo đức của mình và xã hội không ít trường hợp rơi vào sự thiên lệch, thực dụng, dối trá, tàn ác, cuồng loạn. Suốt mấy năm nay, tội phạm kinh tế diễn ra một cách liên miên, với số lượng và quy mô ngày càng lớn đã gióng lên một hồi chuông báo động ghê gớm về lòng tham, sự tùy tiện, lũng đoạn, kiếm tiền bằng mọi giá của không ít doanh nhân, kể cả những người một thời nổi tiếng. Đó thực sự là một điều đau lòng đối với toàn xã hội và gợi ra nhiều suy nghĩ, băn khoăn trong các tầng lớp nhân dân.
Để giải quyết hiện trạng này đòi hỏi thời gian và sự nỗ lực từ nhiều phía. Trước hết là hoàn thiện hệ thống luật pháp và nâng cao tinh thần chấp pháp, lấy lại kỷ cương phép nước. Công cuộc chống tham nhũng và lợi ích nhóm hiện nay nếu được tiếp tục một cách bền bỉ lâu dài sẽ là sự khởi đầu để lấy lại sự nghiêm minh của luật pháp và chấn chỉnh hệ thống các cơ quan quản lý, đặt những người có trách nhiệm trong hệ thống quyền lực phải nghiêm chỉnh chấp hành những quy phạm pháp luật và thực thi đúng bổn phẩn của mình. Việc chấn hưng văn hóa, đề cao những giá trị đạo đức, lòng tự trọng và trừng phạt nghiêm minh những hiện tượng phi đạo đức sẽ có tác dụng chấn chỉnh hành động của con người trong xã hội. Về lâu dài, phải xây dựng được một nền giáo dục mà ở đó đề cao phẩm hạnh, tinh thần chấp hành pháp luật và tôn trọng sự lương thiện tri thức.
Trong tương lai, khi nền kinh tế tri thức phát triển, xã hội sẽ dần hình thành một tầng lớp doanh nhân văn hóa có học thức, nắm vững các quy luật phát triển của xã hội và nghệ thuật quản lý, kinh doanh trong một môi trường ổn định, phồn vinh hơn thì sự tiêu cực sẽ dần giảm bớt. Khi những cơ hội béo bở để câu kết chiếm đoạt tài sản nhà nước hay những trò kinh doanh gian lận bị giám sát chặt chẽ, thì chỉ những người có trí tuệ, sáng tạo và thực hành việc kinh doanh lành mạnh mới có cơ hội phát triển. Đó là viễn cảnh mà chúng ta có thể lạc quan.
Xin cảm ơn anh!