Hội hè miên man, nghĩ từ Paris sang Hà Nội
Xét trên mức độ xê dịch, tầm hoạt động và sự kinh lịch cuộc đời, có thể khẳng định rằng Ernest Hemingway (Nobel văn chương 1954) là một “công dân thế giới” theo đúng nghĩa “nghiêm chỉnh” của từ này.
Ông sinh năm 1899 tại Illinois, Hoa Kỳ. Trong Thế chiến thứ nhất ông gia nhập quân đội Italia làm nhiệm vụ lái xe cứu thương và lính bộ binh. Sau chiến tranh, ông sống ở Paris, là phóng viên nước ngoài của báo “Ngôi sao Toronto”, (Canada) và tham gia nội chiến Tây Ban Nha và Thế chiến thứ hai. Nhiều năm liền trong giai đoạn cuối đời, E. Hemingway sống và viết tại Cuba. Năm 1961, ông mất ở Idaho, Hoa Kỳ.
Suốt cuộc đời tuy không dài song cũng không lấy gì làm ngắn ấy, giai đoạn Paris (1921-1926) là giàu ý nghĩa đối với Hemingway: kể từ đây, ông bắt đầu con đường viết văn chuyên nghiệp. Ông đã kể về mình của giai đoạn này trong cuốn tiểu thuyết - hồi ký “Hội hè miên man” (A Moveable Feast. Phan Triều Hải dịch. NXB Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam ấn hành, 2009). Và, với tầm cỡ của một nhà văn được cả văn giới Âu Mỹ coi như một “Papa”, những câu chuyện Paris trong “Hội hè miên man” có lẽ rất đáng để người đọc hôm nay miên man nghĩ.
Trong tác phẩm, Hemingway hơn một lần nhắc độc giả nhớ rằng ông đã bỏ nghề viết báo - một nghề đảm bảo cho ông có được cuộc sống tương đối dễ chịu, trong túi luôn rủng rỉnh tiền bạc - để chỉ làm một công việc, là viết văn. Không phải lúc nào những truyện ngắn ông viết ra cũng đều được các báo chấp nhận in và ông đã khá nhiều phen phải khốn đốn vì điều ấy. Nhưng đó là con đường Hemingway đã chọn, và theo tôi, tính chất chuyên nghiệp của một nhà văn nơi ông thể hiện rất rõ qua sự chọn lựa này: nhà văn chuyên nghiệp phải là người không làm gì khác ngoài việc viết văn; danh tiếng của anh ta, cuộc sống của anh ta là những cái được tạo dựng chỉ bằng việc viết văn chứ không thể bằng bất cứ một loại hoạt động nào. (Nhiều nhà văn Việt Nam chúng ta vẫn giữ khư khư cái quan niệm rằng, đối với nhà văn, chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp là cái phải được thể hiện qua chất lượng tác phẩm, chứ không phải câu chuyện làm một nghề hay kiêm nhiều nghề. Thú thực, tôi không mấy tin vào quan niệm này, và trường hợp của Hemingway - ta đang nói tới giai đoạn ông “chưa là gì cả” trong giới văn chương Âu Mỹ - càng khiến tôi không tin vào cái cách người ta đang cố gắng để làm biến đổi nội hàm của khái niệm “nhà văn chuyên nghiệp”). Có một chi tiết khá vui: Hemingway cùng một vài người bạn như Ezra Pound (nhà thơ, dịch giả, nhà phê bình lớn của văn học Anh - Mỹ nửa đầu thế kỷ XX), Natalie Barney, v.v... nghĩ ra việc thành lập một tổ chức lấy tên Bel Esprit (Trí tuệ Đẹp), với nhiệm vụ ban đầu là kêu gọi mọi người “đóng góp một phần những gì kiếm được vào một quỹ nhằm giải thoát ngài Eliot khỏi ngân hàng và cho ông ấy tiền để làm thơ” (tr 144). Theo lời kể của Hemingway, thì lý do của việc này là vì Ezra Pound rất ưu tư về T. S. Eliot (Nobel văn chương năm 1948), người “đang làm cho một ngân hàng ở London và không đủ thời gian lẫn giờ giấc thuận tiện cho việc hành nghề thi sĩ” (tr 143). (Thực tế thì tổ chức Bel Esprit của Hemingway... chết non, và ngay sau đó ông đã đem số tiền định đóng góp để “giải cứu” Eliot tới trường đua ngựa, và thua sạch). Tình bạn, sự quan tâm giúp đỡ, sự lân tài giữa các nhà văn lớn, v.v... tất cả đều có thể “đọc” được ở chi tiết này, nhưng tôi chỉ muốn “lẩy” ra từ đây một ý: như vậy đấy, “người ta” quan niệm rằng nếu anh đã viết văn thì hãy tập trung vào việc viết văn, kiêm thêm một nghề khác nào đó chỉ thêm bất lợi cho nghề văn mà thôi!
Đã có câu chuyện về nghề văn, ắt phải có câu chuyện về những nguyên tắc và những “chiêu thức” của việc hành nghề. Trong “Hội hè miên man”, Hemingway giành một số lượng trang tương đối lớn để viết về quan hệ bạn bè giữa ông và Scott Fitzgerald, tác giả của “Gatsby vĩ đại”. Và dưới đây, xin được trích một đoạn rất đáng chú ý: “Ngồi ở quán Closerie des Lilas, anh kể tôi nghe anh đã viết những cái truyện theo anh là hay như thế nào, loại truyện nào thì thuộc gu tờ Post, và anh đã chữa lại những cái truyện ấy để gửi đi, anh rất biết cách thay đổi chúng thành những truyện dễ bán cho các tạp chí. Tôi đã choáng khi nghe thế và nói, với tôi làm vậy là đánh đĩ. Anh bảo đúng là đánh đĩ, nhưng phải làm thế để có nhuận bút đặng nuôi việc viết sách nghiêm túc. Tôi nói tôi tin chỉ có một cách duy nhất để viết mà không khiến tài năng của mình bị hủy hoại, đấy là viết ra những gì hay nhất (tr. 195). Quan điểm của Hemingway về việc “chỉ có một cách duy nhất để viết mà không khiến tài năng của mình bị hủy hoại, đấy là viết ra những gì hay nhất”. Nhưng quan điểm hành nghề của Scott Fitzgerald - một tác giả lớn của văn học hiện đại Mỹ - cũng rất đáng tham khảo (và tôi tin rằng nhiều nhà văn của chúng ta đang hành nghề theo cách của ông, cho dù có thể họ chưa bao giờ biết S. Fitzgerald từng chủ trương như vậy). Cung và cầu, người bán và người mua, sản phẩm văn học và thị trường tiêu thụ văn học, tác phẩm “dùng ngay” và tác phẩm lâu dài, v.v... dường như được S. Fitzgerald quá hiểu và rất biết cách nương theo chúng sao cho được cả tiền bạc và văn chương. Điều đó cho ta một lời giải thích rằng tại sao trong lúc văn hữu nhiều người khó khăn đến thế thì ông lại có một đời sống vương giả, thừa mứa tiệc tùng và thừa mứa chất cồn đến thế (rượu cũng chính là yếu tố góp phần đưa S. Fitzgerald xuống mồ khi ông mới 44 tuổi).
Sống chỉ bằng nghề văn và sống trong lúc chưa phải là một tác giả được săn đón nên việc thường xuyên bị đói với Hemingway cũng là điều khá dễ hiểu. Vì cạn tiền và để bớt một miệng ăn, ông vẫn hay bịa với vợ rằng có người nào đó mời đi ăn trưa, rồi ra ngoài và tìm cách chiến thắng cái đói. Phải tránh xa những con phố mà mùi thức ăn bốc lên đầy hấp dẫn. Tốt nhất là đến bảo tàng Luxembourg, vì ở đó “thanh tịnh”, cũng vì: “Với một cái bụng rỗng không, ruột trống huơ trống hoác, những bức tranh trông sẽ sắc nét hơn, rõ hơn và đẹp hơn” (tr. 93). Nhưng khi có điều kiện để tự cho phép mình có “một bữa no” - được nhận nhuận bút chẳng hạn - ông cũng rất biết tận hưởng, như sau khi ông được một tờ báo Đức trả nhuận bút: “Bia rất lạnh và thật đê mê. Món pommes à l’huile được ướp chắc thịt và dầu ô liu cực ngon. Tôi xay tiêu đen lên khoai tây và nhúng bánh mì vào dầu ô liu. Làm một ngụm bia lớn rồi ăn và uống thật chậm rãi. Xong món pommes à l’huile tôi gọi thêm lượt nữa cùng một cervelas. Đó là một loại xúc xích to nặng như xúc xích Đức được chẻ đôi và dưới một lớp xốt mù tạt đặc biệt. Tôi vét sạch dầu cùng tất cả nước xốt ăn cùng bánh mì và chậm rãi uống, và khi bia không còn lạnh nữa tôi uống cạn rồi gọi thêm một demi và ngắm bia rót ra cốc. Có vẻ như bia lần này còn lạnh hơn cả distingue và tôi uống hết ngay một nửa” (tr. 98). Không ít nhà văn Việt Nam đã từng viết về chuyện ăn uống (Tản Đà, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng...) nhưng tôi thấy hiếm ai viết theo kiểu này: cái cảm giác sung sướng thỏa mãn tận độ của nhục thể khi được ăn ngon và ăn no.
Và câu chuyện chung về Paris, cái rốn của văn nghệ thế giới giai đoạn giữa hai cuộc Thế chiến đã được Hemingway vẽ lên khá sinh động trong “Hội hè miên man”. Vào thời đó, những gương mặt vào loại sáng giá nhất của nền nghệ thuật thế giới đương đại đều tề tựu tại Paris. Họ đến từ khắp bốn phương trời: là người Nga, người Tây Ban Nha, người Bulgari, người Anh, người Ailen, người Mỹ, người Tiệp, người Rumani, người Do Thái, v.v... Họ đến và cùng những nghệ sĩ ưu tú của nước sở tại biến Paris thành cái chảo lửa của tinh thần sáng tạo, nơi những ý tưởng cách tân mạnh mẽ nhất, cách mạng nhất, ngông cuồng nhất được hun nóng, được tự do cọ xát đua tranh, để rồi kết quả là diện mạo của nghệ thuật trên hầu khắp các lĩnh vực phải thay đổi một cách cơ bản. Tôi không rõ vào thời điểm ấy nhà nước Pháp có chính sách gì đó để chiêu mộ nghệ sĩ nước ngoài không, hay chỉ là sức hấp dẫn tự nhiên tỏa ra từ môi trường văn hóa Paris vốn đã thừa sự nổi tiếng? Nhưng qua cách Hemingway kể về công việc của mình, rằng ông thường xuyên ngồi cả buổi để viết tại nhà hàng mà không bao giờ sợ bị kêu ca (dù chỉ dùng một tách cafe và chiếm trọn của họ một bàn); rằng ở đó có những nhân viên phục vụ hết sức ưu ái nghệ sĩ, luôn rót rượu vào ly của họ nhiều hơn mức cho phép, v.v... đủ để thấy rằng Paris quả là một nơi chốn lý tưởng cho người hoạt động nghệ thuật. Và khi ông kết thúc cuốn sách của mình, tôi chợt nghĩ tới Thủ đô (hơn) ngàn năm văn hiến của chúng ta. Đã có nghệ sĩ nào tầm cỡ Hemingway viết về Hà Nội với tinh thần như vậy? Đã có lúc nào và tới khi nào thì Hà Nội trở thành cái rốn của văn nghệ thế giới, như Paris của Hemingway những năm 1921-1926?