Khi nông sản bước vào sân chơi toàn cầu
116 triệu USD, đó là số tiền Việt Nam đã chi để nhập các loại hàng nông sản từ trong 6 tháng đầu năm 2019, con số này tăng cao hơn gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một con số tăng mạnh nhưng không phải là điều bất ngờ khi chúng ta đang mở cánh cửa hội nhập ngày càng sâu rộng.
Cánh đồng mùa gặt.
Điều đáng quan tâm là ở chỗ, các sản phẩm nông sản Mỹ nhập về Việt Nam có giá rất cạnh tranh với các sản phẩm nông sản nội địa. Những sản phẩm như nho, cherry, táo, thậm chí cả thịt gia cầm, tôm hùm… giá đều thấp hơn hẳn so với trước đây. Và điều này, tất nhiên là tin vui cho người tiêu dùng trong nước khi họ được lựa chọn những sản phẩm chất lượng “Mỹ” mà giá thành không cao. Ngược lại, đối với ngành nông sản nước nhà, đây thực sự là tin không vui. Không vui là bởi, Việt Nam là một nước có thế mạnh về nông nghiệp, với 70% dân số làm nghề nông nhưng lại đang có nguy cơ “nhường sân” cho các sản phẩm nông sản ngoại nhập. Chất lượng hạn chế, sức cạnh tranh thấp – đó là những điểm yếu của các sản phẩm nông sản nước nhà hiện nay.
Với việc tham gia những hiệp định thương mại thế hệ mới như Hiệp định định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Việt Nam - EU (EVFTA), rào cản thuế quan hầu như được gỡ bỏ. Điều này đồng nghĩa, hàng hóa của ta sang các thị trường quốc tế dễ dàng hơn và ở chiều ngược lại, hàng hóa của các nước vào Việt Nam cũng sẽ có giá cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, CPTPP hay EVFTA là những Hiệp định đưa ra những quy định vô cùng khắt khe về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng hàng hóa, đặc biệt với các sản phẩm nông sản, chính bởi vậy, nông sản Việt dù có được “tháo gọng kìm” về thuế cũng cần phải vượt qua những hàng rào phi thuế quan. Và như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là, chúng ta sẽ vượt qua những hàng rào ấy như thế nào khi mà ngành nông nghiệp cho đến nay vẫn còn sản xuất theo kiểu manh mún, tự phát, nhỏ lẻ, thiếu hẳn yếu tố đầu tư khoa học công nghệ?
Theo phân tích của giới chuyên gia ngành nông nghiệp, những FTA thế hệ mới ngay lập tức sẽ tác động đến các ngành kinh tế Việt Nam, nhưng nông sản chính là ngành sẽ bị tác động mạnh nhất theo hướng bất lợi, vì lâu nay sản xuất nông sản vẫn chủ yếu quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, cũ kỹ. Hơn thế nữa, bản thân những nhà sản xuất (60% nông dân) hiện nay vẫn còn rất thờ ơ với sự hội nhập của nền kinh tế. Họ dường như không cho rằng CPTPP hay EVFTA không liên quan đến mình. Số liệu thống kê cho biết, phần lớn các nông hộ hiện nay có quy mô canh tác chỉ 0,3 - 0,5 ha, chủ yếu sản xuất theo kiểu có gì trồng nấy, có con gì nuôi con nấy, họ thiếu nguồn lực phát triển sản xuất, và hoàn toàn không có kiến thức hoặc không quan tâm, thờ ơ với câu chuyện hội nhập kinh tế. Chúng ta biết rất rõ, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp. Những hộ nông dân chính là lực lượng trọng yếu sản xuất ra các sản phẩm nông sản của nước nhà, thế nhưng họ lại đang khá thờ ơ với hội nhập, vậy động lực nào để thúc đẩy ngành nông nghiệp bứt phá?
Sản xuất nông nghiệp đã qua rồi thời kỳ lạc hậu “con trâu đi trước cái cày đi sau”. Ngành nông nghiệp muốn bứt phá, muốn hội nhập, việc cần làm là phải đầu tư mạnh mẽ về khoa học kỹ thuật, về công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến, bảo quản, phải xây dựng thương hiệu… mới có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, hay nói cách khác là gia nhập vào trục nông sản xuất khẩu. Các sản phẩm nông sản muốn xuất khẩu, muốn tham gia những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA… đều phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt. Và nếu ngành nông nghiệp vẫn còn phần lớn các hộ sản xuất manh mún, tự phát, quy mô nhỏ lẻ như hiện nay thì việc thực hiện sản xuất theo yêu cầu của các FTA thế hệ mới xem ra không hề dễ dàng.
Chính bởi vậy, rất cần những chính sách để làm sao thúc đẩy được sự liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Hay nói cách khác, làm sao để kết nối hàng triệu hộ nông dân nhỏ lẻ hiện nay để có thể tạo thành một chuỗi sản xuất quy mô lớn, có đủ các “mắt xích” liên kết chặt chẽ với nhau từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, phân phối, khi đó chúng ta mới có thể hội nhập một cách tự tin được. Khi đó, những sản phẩm nông sản ngoại nhập như táo, nho, lê, thịt gia cầm hay tôm hùm… ngoại nhập sẽ không còn là nỗi lo đối với các nhà sản xuất trong nước cũng như đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực nông sản.